1. Trong tuần, một trong những sự kiện được dư luận chú ý nhiều đó là Nga cáo buộc phương Tây bịa đặt về vũ khí hóa học nhằm lật đổ chế độ hợp pháp ở Syria. Việc Mỹ và các đồng minh phương Tây ngăn cản Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) mở cuộc điều tra vụ việc nghi sử dụng vũ khí hóa học ở tỉnh Idlib (Ít-líp), đồng thời tiếp tục cáo buộc Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học là mưu toan nhằm thay đổi chế độ hợp pháp ở Syria. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (Xéc-gây La-vrốp) đã tuyên bố như vậy ngày 21-4 bên lề Hội nghị ngoại trưởng các nước Tổ chức Hợp tác Thượng hải (SOC) ở Astana (Kazakhstan).
Ông Lavrvov còn cho biết, đề xuất của Nga và Iran về việc điều tra vụ việc trên đã bị phái đoàn của các nước phương Tây trong OPCW bác bỏ ngày 20-4. Như vậy, các nước phương Tây đã ngăn cản OPWC gửi chuyên gia tới điều tra tại hiện trường. Nga yêu cầu vụ việc này cần phải được điều tra tại chỗ, tức là tại Idlib và sân bay Shayrat đã bị Mỹ tấn công bằng tên lửa chứ không chỉ dựa trên các thông tin trên mạng Internet và phe đối lập. Ngoài ra, Nga đề nghị thành phần đoàn điều tra phải bao gồm đại diện các nước không phải phương Tây.
Nhân dịp này, ông Lavrov cũng cho biết Ủy ban đàm phán cấp cao Syria của phe đối lập đã từ chối thảo luận về Hiến pháp mới của Syria mà chỉ muốn thảo luận việc thay đổi chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad (Ba-sa An Át-xát).
2. Một diễn biến khác cũng liên quan đến vấn đề Syria, đó là Mỹ không dự họp 3 bên với LHQ và Nga về Syria. Ông Stafan de Mistura (Xta-phan đê Mi-xtu-ra) đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Syria, ngày 20-4 cho biết sẽ có cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov (Gen-na-đi Ga-ti-lốp) vào ngày 24-4 để thảo luận về tình hình Syria. Tuy nhiên, đại diện phía Mỹ sẽ không dự bất kỳ cuộc họp 3 bên nào, ít nhất là vào lúc này.
Phát biểu tại Geneva, Thụy Sĩ, ông de Mistura cho biết sẽ thảo luận với Thứ trưởng Ngoại giao Nga về tình hình Syria, cụ thể là nối lại lệnh ngừng bắn vốn mong manh ở quốc gia Trung Đông này, đồng thời mở đường cho một cuộc đàm phán thực sự vào tháng 5 tới về lối thoát cho cuộc xung đột kéo dài hơn 6 năm qua tại Syria...
Tình hình Syria hiện rất căng thẳng sau khi Mỹ phóng 59 quả tên lửa Tomahawk vào căn cứ Sharyat của Syria ở tỉnh Homs với lý do mà Washington tuyên bố là đáp trả vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí vũ khí hóa học ở Syria hôm 4-4. Moskva tuyên bố đây là hành động xâm lược 1 quốc gia có chủ quyền, vi phạm luật pháp quốc tế với một cái cớ bịa đặt. Chính phủ Syria cũng kiên quyết phủ nhận việc can dự vào cuộc tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học này. Hiện mâu thuẫn giữa Nga và Mỹ đang khiến các vòng hòa đàm tại Geneva và Astana có nguy rơi vào bế tắc.
3. Liên quan đến bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản và Mỹ cân nhắc tập trận chung trong bối cảnh căng thẳng với Triều Tiên. Nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết 2 tàu khu trục của Lực lượng Phòng vệ Biển (MSDF) nước này ngày 21-4 đã rời khỏi Nhật Bản và có thể sẽ tham gia cuộc tập trận chung với tàu sân bay Carl Vinson của Mỹ, chiếc tàu thuộc nhóm tàu tấn công mà Washington cử đến vùng biển ngoài khơi Bán đảo Triều Tiên. Theo nguồn tin trên, thời gian và địa điểm cụ thể của cuộc tập trận đến nay vẫn chưa được thông báo nhưng các tàu khu trục trên đã rời khỏi căn cứ Sasebo (Xa-xê-bô), miền Tây Nam Nhật Bản và có thể sẽ gia nhập vào nhóm tàu tấn công của Mỹ do tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân Carl Vinson dẫn đầu. Tàu Carl Vinson dự kiến sẽ tới vùng biển ngoài khơi Bán đảo Triều Tiên trong tuần này.
Cuộc tập trận trên được cho là nhằm đối phó với bất kỳ vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo tiếp theo nào của Triều Tiên. 2 tàu khu trục của MSDF và tàu sân bay Carl Vinson đã 2 lần chỉ đạo các cuộc diễn tập giữa Nhật Bản và Mỹ trên biển Hoa Đông trong tháng 3 vừa qua, nhưng chính phủ 2 nước vẫn đang cân nhắc tiến hành một cuộc tập trận khác vì quan ngại rằng Triều Tiên có thể có thêm các hành động khiêu khích, đặc biệt vào dịp kỷ niệm lần thứ 85 năm thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên vào tuần tới.
Tình hình trên Bán đảo Triều Tiên đã trở nên rất căng thẳng sau khi Triều Tiên được cho là đang chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân mới, còn Mỹ đã cử nhóm tàu tấn công cùng tàu sân bay Carl Vinson tới vùng biển ngoài khơi khu vực này. Trong chuyến thăm Hàn Quốc hồi đầu tuần này, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (Mai Pen-xơ) công khai tuyên bố thời kỳ “kiên nhẫn chiến lược” với Triều Tiên đã hết. Trong khi đó, phía Bình Nhưỡng coi những hành động gần đây của phía Washington là động thái đe dọa rõ ràng nước này và khẳng định sẽ sử dụng mọi biện pháp để đáp trả nếu bị tấn công, kể cả việc dùng vũ khí hạt nhân.
M.D