Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Thượng viện Liên bang Thụy Sĩ Ivo Bischofberger.
Ảnh: quochoi.vn
Nhân dịp này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đã có cuộc trả lời báo chí về kết quả chuyến công tác.
Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu đánh giá đây là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tới ba nước châu Âu có quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, nhằm thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ này.
Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, Thụy Điển là quốc gia phương Tây thiết lập quan hệ ngoại giao với nước ta từ rất sớm. Khi Việt Nam kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước, Thụy Điển cũng lại là quốc gia phương Tây đầu tiên, tiên phong trong việc hỗ trợ Việt Nam khai thông, nối lại mối quan hệ giữa Chính phủ Việt Nam và các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế. Thụy Điển đã dành tình cảm rất đặc biệt cho Việt Nam, là nước hỗ trợ nguồn vốn ODA lớn nhất cho Việt Nam (hơn 3 tỷ USD).
Trong hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhắc lại việc hàng nghìn người Thụy Điển xuống đường biểu tình phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam và những hành động này đã để lại ấn tượng, tình cảm lớn trong mỗi người dân Việt Nam. Hiện nay, quan hệ về kinh tế, thương mại giữa hai nước có xu hướng phát triển.
Trong 5 năm qua, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữ ổn định ở mức trung bình 1,2 tỷ USD/năm. Trong chuyến thăm, hai Chủ tịch Quốc hội cũng như các quan chức cao cấp của Thụy Điển đều đánh giá quan hệ kinh tế có phát triển nhưng còn dưới tiềm năng và đều mong muốn phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Nhiều tập đoàn hàng đầu của Thụy Điển đã có mặt tại Việt Nam từ rất sớm như Ericsson, Electrolux hay Volvo. Đặc biệt tập đoàn Ericsson đã hoạt động rất thành công tại Việt Nam trong suốt 26 năm qua và đây là minh chứng cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam rất thuận lợi.
Nguồn vốn ODA mà Thụy Điển viện trợ cho Việt Nam đã được đầu tư hiệu quả vào một số công trình để lại dấu ấn, mang tính biểu tượng của hai nước như: Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Uông Bí (Quảng Ninh) hay Nhà máy giấy Bãi Bằng.
Các nhà lãnh đạo cấp cao của Thụy Điển đều đánh giá Việt Nam đã rất thành công trong phát triển kinh tế - xã hội trong gần hai thập kỷ qua. Tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục ở mức cao (trên 6%) và còn nhiều tiềm năng để phát triển như: Có nguồn lao động dồi dào, ổn định về chính trị, hệ thống pháp luật đến nay khá đầy đủ theo hướng hội nhập, phù hợp với thông lệ quốc tế. Năm ngoái, Thụy Điển đã mở đường bay thẳng từ Stockholm đi Phú Quốc, chủ yếu phục vụ cho mục đích du lịch.
Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu đánh giá quan hệ giữa Việt Nam và Thụy Điển phát triển rất tốt đẹp. Các nhà lãnh đạo hai nước đã có các chuyến thăm và trao đổi nhiều kinh nghiệm quý báu và các cơ quan Quốc hội cũng duy trì mối quan hệ này. Đặc biệt, lần này, Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển cho biết sẽ thúc đẩy để Liên minh châu Âu (EU) sớm phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Các nhà lãnh đạo Thụy Điển cũng cho rằng, việc phê chuẩn này có lợi cho cả Việt Nam và các thành viên EU, mở ra cơ hội hợp tác phát triển trong lĩnh vực kinh tế tốt hơn cho tất cả các bên liên quan. Trên các diễn đàn đa phương của nghị viện, hai bên đều khẳng định tiếp tục ủng hộ lẫn nhau.
Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu khẳng định chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đến Thụy Điển sau 24 năm kể từ chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (năm 1993), chuyến thăm lần này của Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân rất thành công.
Theo Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu, các nhà lãnh đạo Hungary đã dành cho Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta sự đón tiếp trọng thị. Hungary là nước có quan hệ bạn bè truyền thống lâu đời với Việt Nam. Đến nay, quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã bước sang năm thứ 67. Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, Hungary đã giúp đỡ Việt Nam rất nhiều, đặc biệt trong việc đào tạo đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực và đến nay, nhiều người trong số này vẫn đang đảm nhận những vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước.
Mặc dù tình hình thế giới có nhiều thay đổi, nhưng Hungary vẫn giữ được tình cảm, mối quan hệ gắn bó với Việt Nam. Một điểm Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu rất ấn tượng là dù Hungary có nhiều đảng chính trị nhưng khi đặt vấn đề nâng tầm quan hệ hợp tác với Việt Nam, lãnh đạo tất cả các chính đảng nước này đều ủng hộ và đồng thuận rất cao.
Trong giai đoạn hiện nay, các nhà lãnh đạo Hungary đã chọn Việt Nam là đối tác hỗ trợ thông qua Hiệp định khung về hợp tác tín dụng trị giá 440 triệu EUR. Tổng thống và Thủ tướng Hungary đều mong muốn Việt Nam sớm cung cấp danh mục dự án và hoàn tất các thủ tục đầu tư để triển khai nhanh hiệp định này. Hiệp định này cũng đã nói lên tình cảm rất đặc biệt mà Hungary dành cho Việt Nam.
Tại các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc cấp cao, các nhà lãnh đạo Hungary cho rằng, bên cạnh quan hệ chính trị tốt đẹp, quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước đến năm 2016 mới đạt 266 triệu USD, chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Vì thế, phía bạn cho rằng các cơ quan tham mưu, các bộ, ngành hai nước cần hợp tác chặt chẽ, tìm ra các biện pháp đột phá, tạo bước nhảy vọt trong hợp tác kinh tế.
Đề cập các lĩnh vực khác như hợp tác văn hóa, khoa học, giáo dục, phía Hungary đánh giá tốt và đang trên đà phát triển. Điểm nhấn trong chuyến thăm là hai Quốc hội đã phối hợp tổ chức tọa đàm chuyên đề hoàn thiện pháp luật trong quá trình hội nhập quốc tế. Phía bạn cũng đã trao đổi với đoàn rất kỹ lưỡng về các vấn đề.
Theo Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu, phía bạn có những tham luận trong đó bao hàm những kinh nghiệm rất quý giá như: Chiến lược phát triển kinh tế và tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; chính sách thuế để thúc đẩy tăng trưởng… Chính sách của bạn đã có sự thay đổi và rất hiệu quả trong thời gian qua dẫn đến việc ngân sách từ bội chi 5,5% vào năm 2011 nhưng chỉ trong 5 năm, vào năm 2016 đã giảm xuống chỉ còn khoảng 2%.
Đặc biệt, tại buổi tọa đàm, trực tiếp Phó Chủ tịch Quốc hội Hungary đã trao đổi những kinh nghiệm về lập pháp trên ba nội dung: Quá trình đổi mới và hoàn thiện pháp luật trong quá trình hội nhập; quản lý ngân sách và phân cấp quản lý ngân sách; chính sách pháp luật về khoa học công nghệ để đưa đất nước phát triển bền vững. Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu bày tỏ hy vọng cuộc tọa đàm lần tới sẽ mang lại những bài học kinh nghiệm quý cho Việt Nam.
Về quan hệ giữa Quốc hội hai nước, cùng việc trao đổi đoàn lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo Quốc hội cũng thường xuyên có các chuyến thăm, trao đổi cấp Phó Chủ tịch, cấp Ủy ban cũng rất thường xuyên. Hai bên cam kết ủng hộ nhau trên các diễn đàn đa phương. Trước mắt, bạn rất ủng hộ Cộng đồng châu Âu sớm phê chuẩn EVFTA, coi đây là mấu chốt, khẳng định việc ký kết sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, mang lại lợi ích cho tất cả các thành viên liên quan.
CH Czech là chặng cuối trong chuyến thăm ba nước châu Âu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn. Các nhà lãnh đạo Czech đã dành sự đón tiếp rất nồng hậu, trọng thị; bố trí gặp gỡ tất cả các nhà lãnh đạo cấp cao từ Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Hạ viện đến các Ủy ban chủ chốt của Quốc hội. Đặc biệt, trong hội đàm giữa Chủ tịch Quốc hội Việt Nam với Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Czech, còn có sự tham dự của tất cả các Phó Chủ tịch Thượng viện và hai Chủ nhiệm Ủy ban quan trọng của Thượng viện là Ủy ban Đối ngoại, Quốc phòng, An ninh và Ủy ban về các vấn đề liên quan đến cộng đồng châu Âu.
Trong các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc cấp cao, Czech đề ra chiến lược hướng về các nước bạn bè truyền thống, trong đó Việt Nam là 1 trong 12 nước ưu tiên hợp tác. Các nhà lãnh đạo Czech khẳng định Việt Nam là cửa ngõ mở ra hợp tác kinh tế ở Đông Nam Á và đề nghị Việt Nam coi Czech là cửa ngõ mở ra quan hệ hợp tác của ta với một số nước châu Âu.
Tổng thống Czech cũng bày tỏ mong muốn hợp tác kinh tế song phương sẽ phát triển nhanh hơn, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. Tổng thống cũng nêu rõ, từ nay trở đi, các đoàn cấp cao của Czech khi thăm Việt Nam phải có sự tham gia của các doanh nghiệp. Cụ thể là ngay trong tháng 6 này, dự kiến khi sang thăm Việt Nam, Tổng thống sẽ dẫn theo một đoàn doanh nghiệp hùng hậu để tìm đối tác và tìm hiểu thị trường Việt Nam; mong rằng, ngay trong chuyến thăm, các doanh nghiệp hai nước sẽ ký kết những hợp đồng, những thỏa thuận hợp tác thực chất.
Nhân dịp này, phía bạn cũng nêu vấn đề mở đường bay trực tiếp từ Hà Nội sang Praha. Với quyết tâm của các nhà lãnh đạo Czech, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cho biết sau chuyến thăm này sẽ trực tiếp làm việc với Bộ Giao thông vận tải về vấn đề trên.
Năm 2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm CH Czech. Cùng năm đó, Chủ tịch Thượng viện Czech cũng thăm Việt Nam. Và năm nay, dự kiến vào tháng 6 tới, Tổng thống Czech sẽ sang thăm Việt Nam. Trao đổi Đoàn cấp cao thường xuyên như vậy cho thấy sự tin cậy chính trị giữa hai nước rất cao.
Theo Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu, Czech có cộng đồng người Việt rất đông và đã được công nhận là một dân tộc thiểu số của Czech. Khi làm việc, lãnh đạo cấp cao của bạn đều đánh giá cộng đồng người Việt Nam rất cần cù, chăm chỉ, hòa nhập và tuân thủ pháp luật sở tại, có những đóng góp vào việc phát triển của đất nước sở tại.
Quan hệ giữa Quốc hội hai nước phát triển tốt đẹp, rất thường xuyên. Czech mong muốn và khẳng định ủng hộ Việt Nam trong việc thúc đẩy các nước thành viên EU sớm ký kết và phê chuẩn EVFTA với Việt Nam; cho rằng việc phê chuẩn này sẽ mở ra những cơ hội hợp tác kinh tế nhanh hơn, hiệu quả hơn. Hai bên cũng đã khẳng định sự hợp tác, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương.
Đánh giá tổng thể chuyến thăm châu Âu lần này của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh ở mỗi nước, đoàn đều đã trao đổi thực chất về những vấn đề, những đòi hỏi mà thực tiễn đang đặt ra.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác với các nước, công tác giám sát của Quốc hội sẽ được triển khai như thế nào, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết thực chất, tăng cường phối hợp giám sát thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ hai nước là vấn đề “kinh điển” trong hợp tác giữa hai Quốc hội. Theo ông, sau chuyến thăm này cần phải hoạch định rất cụ thể và các cơ quan chức năng sẽ thảo luận kỹ với các cơ quan của Quốc hội bàn kế hoạch giám sát cụ thể, thiết thực, để đôn đốc, triển khai nhanh và đúng. Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh Việt Nam phải bảo đảm được hai chữ uy tín, giữ vững sự tin cậy chính trị của các quốc gia, nhất là các nước bạn bè hữu nghị truyền thống, thúc đẩy hợp tác, phát triển cùng có lợi.
Nguồn www.chinhphu.vn