Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá chính sách quản lý đất đai
vẫn còn nhiều điểm tồn tại cần tập trung khắc phục. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phát biểu kết luận hội nghị Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng thời gian qua, chính sách pháp luật về quản lý đất đai đã tiếp tục được hoàn thiện, phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Từ đó, tạo điều kiện cho người sử dụng đất tích tụ, tập trung với quy mô lớn hơn để đầu tư phát triển sản xuất. Những chính sách đúng đắn này đã bước đầu thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và đã góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.
Phó Thủ tướng cũng nhận xét công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch sử dụng đất đã gắn liền với việc bố trí quỹ đất phù hợp cho mục đích nông nghiệp, đã quan tâm đến việc dành quỹ đất để phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; phát triển công nghiệp, đô thị, nông thôn và tạo ra một diện mạo mới, đặc biệt là ở khu vực nông thôn; thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Việc hoàn thành cơ bản việc cấp giấy chứng nhận đối với đất nông nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đất đai tham gia vào thị trường, là yếu tố quan trọng để thúc đẩy, tích tụ, tập trung đất đai.
Cơ chế chuyển đổi mục đích sử dụng đất linh hoạt, như dồn điền đổi thửa; chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất đã giúp hình thành một số vùng sản xuất tập trung có quy mô phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh những kết quả quan trọng này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, chính sách quản lý đất đai vẫn còn nhiều điểm tồn tại cần tập trung khắc phục.
Quy định hạn mức nhận chuyển quyền đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản đối với hộ gia đình, cá nhân (thông qua nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, xử lý nợ) chưa khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để phát triển những trang trại sản xuất hàng hóa quy mô lớn; có trường hợp còn gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Việc tiếp cận đất nông nghiệp của các doanh nghiệp còn gặp khó khăn do quy hoạch chưa rõ, kế hoạch sử dụng đất ở nhiều nơi còn chưa phù hợp. Công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn.
Việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất; thu hồi đất của các hộ gia đình không có nhu cầu sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn. Tình trạng sử dụng đất không hiệu quả vẫn còn nhiều.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tiền đề để phát triển nền nông nghiệp quy mô, hiện đại
Về nhiệm vụ, mục tiêu thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh mục tiêu tổng quát phải đẩy mạnh tích tụ, tập trung ruộng đất để tạo điều kiện tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, bảo đảm yêu cầu sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất đai để phát triển ngành nông nghiệp có năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao hơn, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống người nông dân.
Từ mục tiêu tổng quát này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu ra những quan điểm lớn để nghiên cứu, thực hiện tích tụ, tập trung đất đai.
Theo đó, tích tụ, tập trung ruộng đất phải dựa trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gắn với tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp nói riêng, tái cấu trúc nền kinh tế nói chung.
Việc tích tụ, tập trung ruộng đất phải tuyệt đối tránh hình thức, phong trào. “Nếu tích tụ, tập trung ruộng đất một cách hình thức, phong trào, không căn cứ vào nhu cầu của thị trường, năng lực của chủ thể thì chắc chắn sẽ thất bại”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thống nhất với nhiều ý kiến phát biểu tại hội nghị cho rằng, tích tụ, tập trung ruộng đất phải phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng, từng khu vực, mỗi địa phương; phù hợp với đặc điểm về đất đai, địa hình, khí hậu, văn hoá, tập quán… “Không thể chỗ này cũng như chỗ khác, ở đâu cũng làm giống hệt nhau”.
Một ý kiến cũng được nhiều đại biểu đề cập là tích tụ tập trung đất đai phải bảo đảm theo nhiều hình thức phù hợp với yêu cầu tổ chức sản xuất. “Phải căn cứ vào yêu cầu sản xuất để tích tụ, tập trung đất đai. Đồng thời, bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, đặc biệt là lợi ích của người dân trong quá trình tích tụ đất đai”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tích tụ và tập trung ruộng đất phải lấy doanh nghiệp, các tổ chức hợp tác, chủ trang trại làm động lực. “Họ là người có vốn để hỗ trợ cho người dân, có thể chuyển giao khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất, cung ứng những dịch vụ đầu vào, tìm kiếm thị trường để tiêu thụ sản phẩm”, Phó Thủ tướng nói. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng khẳng định, người dân, hộ gia đình, cá nhân là thành viên quyết định thành công của quá trình tính tụ, tập trung đất đai, do đó phải được tham gia một cách bình đẳng trong tập trung, tích tụ đất đai.
Theo Phó Thủ tướng, tích tụ, tập trung ruộng đất phải đi đôi với đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ nói chung, phát triển kinh tế ngành nghề ở nông thôn nhằm mục đích tạo nhiều việc làm mới, từ đó giảm lao động trong nông nghiệp. “Không thể tích tụ, tập trung đất đai khi có quá nhiều người canh tác trên một đơn vị diện tích. Muốn giảm lao động trong nông nghiệp, phải tăng hàm lượng khoa học, đưa công nghiệp, dịch vụ về nông thôn, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới”, Phó Thủ tướng phân tích.
Hội nghị thu hút nhiều đại biểu tham dự. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bình đẳng giữa người dân, doanh nghiệp
Về những nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến đất đai, tập trung vào các vấn đề như giao đất lâu dài, kéo dài thời hạn thuê đất, mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp…
Nhiệm vụ tiếp theo là phải xây dựng chế tài bảo đảm quyền bình đẳng giữa doanh nghiệp và người dân trong việc tích tụ, tập trung ruộng đất, phát triển sản xuất. “Phải bình đẳng, không thể nương nhẹ doanh nghiệp hay người dân”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Bên cạnh đó, cần xây dựng các chính sách hỗ trợ nông dân trong quá trình tích tụ, tập trung đất đai, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp.
“Hiện tại các bộ, ngành đang triển khai, nhưng đề nghị các nhà khoa học, các chuyên gia, các địa phương tích cực tham gia hiệu quả hơn nữa để có được những cơ chế, chính sách ngày càng phù hợp, hiệu quả hơn”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng đặt ra yêu cầu tái cấu trúc nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn phải gắn với nhu cầu thị trường, lấy thị trường trong nước làm trọng tâm, thị trường quốc tế làm mục tiêu; việc tái cấu trúc nông nghiệp phải gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Cụ thể, từng địa phương cần rà soát khu vực nông thôn có các ngành, nghề, sản phẩm truyền thống, thế mạnh, xác định thị trường, từ đó có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đặt ra yêu cầu khi tổ chức lại các hình thức sản xuất nông nghiệp, không coi nhẹ quy mô kinh tế hộ gia đình, các chủ trang trại, các tổ hợp tác xã, doanh nghiệp. “Nhiều doanh nghiệp lớn đang quan tâm đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tạo ra sự thay đổi quan trọng, tuy nhiên vai trò của những doanh nghiệp nhỏ hơn cũng là rất quan trọng”, Phó Thủ tướng nói.
Chốt lại ý kiến kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định việc tích tụ, tập trung ruộng đất phải đặt hiệu quả là mục tiêu cuối cùng, không làm nếu không hiệu quả, không làm với bất cứ giá nào.
Nguồn www.chinhphu.vn