Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), sau 4 năm thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011-2015 (ban hành kèm theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/3/2012), đến nay về về cơ bản, việc cơ cấu lại hệ thống TCTD đã đạt được một số kết quả nhất định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật.
Các TCTD yếu kém được nhận diện và được cơ cấu lại, không để xảy ra đổ vỡ TCTD ngoài tầm kiểm soát, đảm bảo giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD, tài sản của Nhà nước, nhân dân được bảo đảm an toàn; các TCTD đã tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, đặc biệt là nỗ lực tự xử lý nợ xấu.
NHNN cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến những bất cập, hạn chế còn tồn tại trong quá trình triển khai cơ cấu lại hệ thống ngân hàng là do khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về xử lý TCTD yếu kém và xử lý nợ xấu chưa hoàn thiện.
Cụ thể, quy định về thẩm quyền của Chính phủ, NHNN khi xử lý TCTD yếu kém còn chưa đầy đủ. Tiến trình phục hồi và cơ cấu lại các TCTD yếu kém còn hết sức khó khăn do chưa có cơ sở pháp lý để áp dụng giải pháp phù hợp với thực trạng của TCTD yếu kém; thiếu giải pháp hỗ trợ tài chính hiệu quả để phục hồi các TCTD yếu kém.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật.
Quy định của pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ còn nhiều bất cập làm hạn chế tiến độ, hiệu quả của việc xử lý nợ như vướng mắc về thu giữ tài sản, về quyền nhận tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; về phí thi hành án, về kê biên tài sản bảo đảm ...
Các vướng mắc pháp lý hầu hết liên quan đến quy định tại các Luật nên để xử lý triệt để các bất cập, khó khăn, vướng mắc này thì cần ban hành Luật riêng để xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình cơ cấu lại hệ thống TCTD yếu kém và xử lý nợ xấu.
Theo NHNN, việc ban hành các Luật riêng về cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu là yêu cầu cấp thiết để tạo khuôn khổ pháp lý xử lý TCTD yếu kém và xử lý nợ xấu, thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Việc ban hành Luật về cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu cũng là yêu cầu cấp bách của thực tiễn để thực hiện hiệu quả, khả thi việc cơ cấu lại TCTD gắn với xử lý nợ xấu, góp phần tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững, an toàn, hiệu quả của hệ thống TCTD, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền.
Sau khi nghe ý kiến các thành viên Chính phủ, đại diện các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, kết luận nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng việc hoàn thiện các quy định về vấn đề này là rất cần thiết, cấp bách, nếu chậm trễ sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình điều hành kinh tế-xã hội.
Thủ tướng đồng ý với phương án xây dựng 2 văn bản để trình Quốc hội, gồm dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu và dự thảo một luật sửa nhiều luật (Luật Các tổ chức tín dụng và các luật có liên quan). Hai văn bản này phải được trình cùng lúc.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng phát biểu tại phiên họp.
Về các phương án đề nghị sửa đổi, bổ sung các luật liên quan tới dự án Luật Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết qua rà soát có tới 44 luật liên quan, trong đó có 12 luật đang trong quá trình sửa đổi. Trong số 32 luật còn lại, có 28 luật chỉnh sửa một số điều và 4 luật (Luật Tài nguyên nước, Luật Đất đai, Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị) cần sửa nhiều hơn.
Theo phương án 1, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị trước mắt sửa 28 luật, 4 luật còn lại sửa sau. Theo phương án 2, cần lùi lại thời gian để sửa cùng lúc 32 luật.
Kết luận vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị theo phương án 2, theo đó khi trình dự án Luật Quy hoạch tại kỳ họp Quốc hội sắp tới sẽ đề nghị đưa danh mục 32 luật cần sửa vào phụ lục, sau đó đưa nội dung sửa đổi 32 luật này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thời gian tới.
Thủ tướng nêu rõ, tại kỳ họp bắt đầu từ ngày 22/5 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận nhiều báo cáo và các dự luật. Chính vì vậy, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ, các bộ ngành phối hợp chặt chẽ chuẩn bị các báo cáo, tờ trình liên quan, không để chậm trễ.
Văn phòng Chính phủ