1. Một trong những sự kiện nổi bật trong tuần, đó là Mỹ không kích quân đội Syria. Theo nguồn tin quân sự của Syria tại Damascus cho biết, rạng sáng 7-4 Mỹ đã bắn gần 60 tên lửa Tomahawk tấn công vào sân bay Shayrat, trong đó chỉ có khoảng một nửa là đến được đích. Hậu quả vụ tấn công này khiến ít nhất 15 máy bay chiến đấu bị phá hủy hoặc hư hỏng, các thùng nhiên liệu bốc cháy. Cho đến nay, có tin 6 dân thường đã thiệt mạng, chưa kể 1 phi công của quân đội Syria hy sinh và một số phi công khác bị thương.
Tiếp theo các động thái liên quan vụ Mỹ tấn công tên lửa vào căn cứ quân đội Syria sáng 7-4, Bộ Ngoại giao Nga cùng ngày đã ra một tuyên bố đặc biệt kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) tổ chức ngay một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận tình hình sau cuộc không kích này ở tỉnh Homs (Hôm-xơ). Tuyên bố đặc biệt của Bộ Ngoại giao Nga đánh giá hành động quân sự của Mỹ ở Syria là ý đồ chuyển hướng sự chú ý của dư luận quốc tế khỏi tình hình căng thẳng tại thành phố Mosul (Mô-xun) ở Iraq, nơi các hoạt động quân sự của liên quân do Mỹ đứng đầu tại đây đã khiến hàng trăm dân thường thiệt mạng và đẩy khu vực này vào một thảm họa nhân đạo. Bộ Ngoại giao Nga cho rằng rõ ràng Mỹ đã chuẩn bị từ trước vụ tấn công quân đội Syria bằng tên lửa và sự kiện tại Idlip (I-đlíp) chỉ là cái cớ để Mỹ “biểu dương lực lượng” mà thôi…
2. Trong một diễn biến khác, phản ứng sau cuộc không kích của Mỹ, cùng ngày, Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng kêu gọi thiết lập một vùng cấm bay tại Syria. Trong một thông cáo ngày 7-4, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin (I-bra-him Ca-lin) nhấn mạnh sự cần thiết áp đặt một vùng cấm bay và nhanh chóng tạo ra các vùng an toàn tại Syria để ngăn chặn các cuộc tàn sát tượng tự như vụ tấn công nghi sử dụng chất độc hóa học vừa qua tại Idlib (Íp-líp), Tây Bắc Syria. Ông Kalin cho rằng, việc phá hủy căn cứ không quân Sharyat đánh dấu “một bước đi quan trọng đảm bảo rằng các vụ tấn công thông thường hay bằng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường đều sẽ bị trừng phạt thích đáng”.
Về phía Syria, trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình nhà nước Syria, cùng ngày Bộ trưởng Thông tin nước này Ramez Turjman (Ra-mét Tu-di-man) cho rằng vụ tấn công của Mỹ nhằm vào căn cứ không quân của Syria đã được “giới hạn”, đồng thời hy vọng sẽ không có có bất kỳ sự leo thang quân sự nào khác. Ông Turjman cho rằng cuộc không kích của Mỹ đã “hạn chế về không gian và thời gian”. Bên cạnh đó, quân đội Syria khẳng định sẽ vẫn quyết tâm “đập tan chủ nghĩa khủng bố” cũng như lập lại “hòa bình và an ninh cho tất cả người dân Syria”.
3. Vấn đề Brexit, đã có những tín hiệu tích cực đầu tiên trong tiến trình đàm phán. Cụ thể là Thủ tướng Anh Theresa May (Thê-rê-xa Mây) đã bước đầu thuyết phục thành công những người theo phái hoài nghi châu Âu trong chính phủ ủng hộ cách tiếp cận mềm mỏng hơn của bà đối với các vấn đề liên quan tiến trình Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi Brexit, mở đường hướng tới việc đạt được một thỏa thuận “có chiều sâu và đặc biệt” với EU.
Tờ Financial Times của Anh ngày 6-4 cho biết những người đứng đầu phe hoài nghi châu Âu trong chính phủ như Ngoại trưởng Boris Johnson (Bô-rít Giôn-xân) và Bộ trưởng Phát triển Quốc tế Liam Fox (Li-am Phoóc) đã phát đi tín hiệu cho thấy quan điểm ủng hộ cách tiếp cận linh hoạt hơn đối với các cuộc đàm phán Brexit, chấp nhận một số nhượng bộ nhất định của Anh đối với EU trong tiến trình đàm phán dự kiến kéo dài 2 năm. Tuy vậy, Ngoại trưởng Johnson vẫn giữ những yêu cầu tiên quyết của Anh liên quan việc giành lại quyền kiểm soát biên giới, luật pháp và mức đóng góp tài chính của nước này khi thời kỳ quá độ kết thúc.
M.D