(NTO) Toàn tỉnh hiện có 16/47 xã đã hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới (NTM) và được UBND tỉnh công nhận là xã đạt chuẩn NTM. Có thể nói đây là nỗ lực rất lớn từ công tác chỉ đạo điều hành từ tỉnh đến cơ sở, huy đông các nguồn lực đầu tư…đặc biệt là sự đồng thuận của người dân-chủ thể- trong xây dựng NTM, chính từ đồng thuận đã phát huy được sức mạnh của cộng đồng để thực hiện đồng bộ 19 tiêu chí của NTM. Đến nay, hầu hết các xã xây dựng NTM đều có những đổi thay đáng kể cả về bộ mặt nông nghiệp, nông thôn lẫn đời sống dân sinh.
Xã Phước Thái (Ninh Phước) huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Ảnh: V.M
Một trong những kết quả nổi bật đó là việc huy động các nguồn lực đầu tư để xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống người dân ngày càng hiệu quả. Chỉ tính trong năm 2016, tổng nguồn lực huy động, lồng ghép và bố trí cho xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh gần 436,40 tỷ đồng. Trong số này, cao nhất là vốn lồng ghép gần 212,650 tỷ đồng; huy động các doanh nghiệp đóng góp trên 40,5 tỷ đồng; vốn tín dụng 66,88 tỷ đồng…riêng vốn huy động trong dân đóng góp ( tiền mặt, ngày công, hiến đất…) trên 8,34 tỷ đồng. Con số tuy chưa nhiều nhưng trong điều kiện còn nhiều khó khăn do phải đối mặt với hạn hán trong hơn 2 năm liên tiếp thì đây quả là một nỗ lực rất lớn trong việc huy động sức mạnh cộng đồng. Điều đáng nói là cùng với cả nước, phong trào hiến đất để xây dựng kết cấu hạ tầng như đường giao thông nông thôn, nội đồng, kênh mương dẫn nước…được người dân nhiều vùng nông thôn trong tỉnh tích cực thực hiện với nhiều ngàn mét vuông đất tính đến nay. Tuy được coi là “tấc đất, tấc vàng” nhưng một khi người dân nhận rõ trong lợi ích cộng đồng có phần ích lợi của gia đình thụ hưởng từ những công trình phúc lợi này đem lại…thì rất sẳn sàng. Và cũng chính từ tinh thần đó, trong giai đoạn 5 năm (2011-2015), toàn tỉnh đã huy động được hơn 5.584 tỷ đồng cho xây dựng NTM, trong đó riêng cộng đồng dân cư đóng góp trên 81 tỷ đồng. Từ những nguồn lực, đóng góp nêu trên, riêng trong năm 2016 toàn tỉnh có thêm 5 xã đạt chuẩn NTM, bình quân đạt 13,68 tiêu chí/xã, vượt so với kế hoạch là 13 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 7 tiêu chí. Đến nay, có thể nói cơ sở hạ tầng nông thôn đã được tỉnh đầu tư tương đối đồng bộ, đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống của người dân. Đặc biệt là hạ tầng phục vụ sản xuất đã được ưu tiên đầu tư với gần 400 km đường giao thông nông thôn, đường nội đồng và trên 30 km kênh mương đã được bê tông hóa, kiên cố hóa, đáp ứng tốt việc sản xuất, vận chuyển nông sản ... góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển. Các trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa, hệ thống cấp thoát nước…cũng được đầu tư, góp phần đáng kể trong việc cải thiện bộ mặt nông thôn ngày một khang trang, sạch đẹp và hiện đại hơn so với trước đây. Kết quả cũng đáng ghi nhận là từ sự đồng lòng, người dân tích cực tham gia, thực hiện nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư, liên kết với nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm như Công ty Giống Nha Hố, Công ty Giống CP, Công ty Thực phẩm Lâm Đồng, Công ty Jimyfood… góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân. Bên cạnh đó các địa phương cũng chú trọng đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và liên kết với doanh nghiệp để tạo việc làm cho người lao động…
Kinh nghiệm rút ra đó là cần đa dạng hoá việc huy động nguồn lực để xây dựng NTM. Huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là cần thiết. Đây sẽ là cơ sở để tỉnh ta phát huy tốt hơn trong năm 2017 này với quyết tâm phấn đấu có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới và các xã đạt chuẩn năm 2015, 2016 giữ vững chuẩn đã đạt theo Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2016-2020. Đồng thời phấn đấu đạt bình quân 14 tiêu chí/xã theo Bộ tiêu chí mới...
TD