(NTO) Từ ngày 1- 4, học sinh (HS) khối 12 bắt đầu làm hồ sơ dự thi THPT quốc gia 2017. Theo quy chế, năm nay, các thí sinh sẽ được đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng cùng lúc với với đăng ký môn thi xét tốt nghiệp THPT. Số lượng đăng ký xét tuyển không giới hạn và HS được điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi tốt nghiệp. Điều này mở ra nhiều cơ hội trong việc chọn trường, chọn ngành và chọn nghề cho các em. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều HS vẫn chưa tìm được hướng đi cho mình. Vẫn còn rất nhiều trăn trở, băn khoăn trong việc chọn ngành, chọn nghề.
Đại diện các trường đại học, cao đẳng giải đáp các câu hỏi của học sinh.Ảnh: Văn Miên
Em Nguyễn Thị Hồng Nhung, HS lớp 12A6, Trường THPT Ninh Hải, chia sẻ: Em yêu nghề giáo nhưng qua tìm hiểu thấy ngành Sư phạm hiện nay rất khó xin việc sau khi ra trường. Trong khi đó, gia đình muốn em đăng ký xét tuyển ngành Quản lý Tài nguyên Môi trường. Dù yêu thích ngành Sư phạm Địa lý nhưng em đang rất phân vân. Một HS Trường THPT Chu Văn An tâm sự: Em học tốt khối C và yêu thích ngành Báo chí. Tuy nhiên gia đình lại hướng em theo ngành Thú y vì sau khi học xong sẽ không lo xin việc. Tất nhiên giữa Thú y và Báo chí chẳng có chút “dây mơ rễ má” gì với nhau. Em đang rất do dự, chưa quyết định được sẽ đăng ký dự tuyển ngành nào. Chọn ngành học theo nguyện vọng của gia đình hay theo đuổi sở thích của bản thân vẫn còn là nỗi trăn trở của rất nhiều HS hiện nay, mặc dù đã bước vào thời điểm làm hồ sơ đăng ký nguyện vọng.
Khó khăn trong chọn ngành, chọn nghề tưởng chừng chỉ là câu chuyện của những HS các trường tầm trung. Thế nhưng ngay cả những HS trường chuyên, lớp chọn thì chọn ngành gì, nghề gì cũng có vẻ khá “căng não”. Trước đây, gia đình muốn em theo học ngành Kỹ thuật Dầu khí nhưng bản thân lại thích giao tiếp, làm việc trong môi trường mở nên em thấy mình không hợp với ngành đó và em mất khá nhiều thời gian để thuyết phục bố mẹ. Giờ đây, khi nỗi khổ “đấu tranh” để chọn cho mình một ngành học phù hợp được giải tỏa thì Trâm, HS lớp 12 Toán, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn lại băn khoăn giữa ngành Quản trị nhà hàng, khách sạn mà em yêu thích với ngành Quản trị kinh doanh. Em cần thêm thời gian để tìm hiểu kỹ hơn và đưa ra quyết định.
Ở thời điểm hiện tại, chọn ngành nào, nghề nào quả thực không hề đơn giản với các em HS. Nhiều em bỏ qua sở thích, đam mê của bản thân, học theo định hướng của gia đình chỉ để mong có một công việc ổn định sau khi ra trường. Có em mạnh dạn dám chọn cho mình con đường riêng và các em phải học cách tự chịu trách nhiệm về quyết định của bản thân.
Ở góc độ của một đơn vị tuyển sinh, một thành viên tham gia Tư vấn mùa thi năm 2017 tại tỉnh ta, Thạc sĩ Trần Minh Tuấn, Giảng viên Trường Đại học Kiến Trúc TP. Hồ Chí Minh, đưa ra lời khuyên: Các em cần xác định và phân biệt rõ sở thích và năng lực đáp ứng sở thích của bản thân. Nếu các em chỉ chọn ngành nghề mình yêu thích mà năng lực bản thân không đáp ứng được thì rất khó để thành công sau này. Còn nếu học ngành mà mình không yêu thích thì khi đi làm các bạn khó gắn bó lâu dài được. Các em cũng phải xem xét sự phù hợp của bản thân đối với ngành, nghề mình yêu thích. Phù hợp về năng lực, về tính cách, về sức khỏe, về khả năng tài chính để theo học… Đặc biệt, hiện nay, một xu thế mới đang hình thành rất mạnh mẽ đó chính là phong trào tự khởi nghiệp trong giới trẻ. Các em có thể tin tưởng, lựa chọn và cố gắng hết mình để theo đuổi hướng đi này. Cần phải tham khảo, tìm hiểu thật kỹ về xu hướng thị trường lao động ở những năm tiếp theo. Tuyệt đối không chạy theo trào lưu, thấy bạn mình thi gì mình thi đó. Và điều đặc biệt quan trọng là khi đã chọn ngành, chọn nghề rồi thì trong quá trình học tập, các em phải nỗ lực không ngừng, trau dồi thật nhiều kiến thức và kỹ năng thì khi đó các em sẽ yên tâm để bắt đầu hành trình mới.
Hy vọng rằng, các em sẽ tận dụng tốt khoảng thời gian còn lại để tham khảo, tìm hiểu kỹ và đảm bảo hài hòa các yêu tố về sở thích, năng lực của bản thân, xu thế thị trường lao động, sớm tìm cho mình một hướng đi đúng.
Ngọc Diệp