Đưa khoa học và công nghệ vào phục vụ sản xuất

Nông dân đã áp dụng phương pháp sản xuất an toàn vào nhiều loại cây cho quả như: nho, táo.”.

Trong 5 năm (2006-2010), tỉnh ta có 60 đề tài, dự án khoa học và công nghệ (KH&CN) được chuyển giao phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, trong đó nhiều đề tài, dự án đã phát huy hiệu quả ứng dụng, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân. KH&CN từng bước phát huy vai trò động lực đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh nhà trong thời kỳ đổi mới.

Hiệu quả của KH & CN

Những ngày đầu xuân 2011, đến phường Văn Hải, vùng sản xuất rau xanh lớn nhất của Tp. Phan Rang-Tháp Chàm chúng tôi bắt gặp không khí người dân tất bật chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Tân Mão. Phường Văn Hải là địa phương đầu tiên được Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh chọn là nơi chuyển giao phương pháp canh tác rau an toàn cho nông dân. Hơn một năm nay, mặt hàng rau xanh của nông dân Văn Hải đã đưa vào bán tại Siêu thị Co.op Mart Thanh Hà, được người tiêu dùng tin tưởng. Anh Nguyễn Văn Trinh, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ Tổng hợp Sản xuất Rau an toàn Văn Hải cho biết: “Bà con nông dân trong phường rất phấn khởi khi được tiếp cận kỹ thuật trồng rau an toàn, bởi đã mang lại rất nhiều lợi ích: hiệu quả kinh tế, sức khỏe và môi trường. Với phương pháp canh tác mới, người nông dân chúng tôi không phải suốt ngày chăm bẵm ở ngoài vườn mà rau vẫn cho năng suất cao. Nông dân đã áp dụng phương pháp sản xuất an toàn vào nhiều loại cây cho quả như: nho, táo.”.

Một trong những dự án khoa học cấp Nhà nước vừa được nghiệm thu được các bộ, ngành trung ương và tỉnh đánh giá cao đó là Mô hình phát triển toàn diện vùng gò đồi hoang hóa ở xã Ma Nới do Trung tâm Thông tin- ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh thực hiện. Nơi triển khai dự án là một xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Ninh Sơn, có đông đồng bào dân tộc Ra glai sinh sống. Do đất canh tác ở Ma Nới chủ yếu dựa vào nước trời, với tập quán sản xuất còn lạc hậu nên năng suất cây trồng đạt thấp, đời sống gặp khó khăn. Dự án triển khai người dân đã được tiếp cận phương pháp thâm canh cây lúa nước, cây bắp, cây mì và cây điều mang lại năng suất gấp 2-3 lần so với trước đây. Thạc sĩ Hán Văn Chấn, Giám đốc Trung tâm, chủ nhiệm đề tài cho biết: “Trong thời gian triển khai dự án, cán bộ kỹ thuật của đơn vị đã bám địa bàn hướng dẫn người dân từ cách thức làm đất, chọn giống, chăm sóc cây trồng đến thu hoạch. Với hình thức “cầm tay chỉ việc” như vậy, bà con đã nâng cao nhận thức áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất thay vì “chọc lỗ bỏ hạt” như trước kia.”.

Nghiên cứu giống cây trồng ở Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố. Ảnh: Duy Anh

Ở tỉnh ta nghề trồng rong sụn đã phát triển từ lâu ở các xã ven biển. Đây được ví là cây “xóa đói, giảm nghèo” của nông dân. Với nhóm các đề tài nghiên cứu di giống trồng thử nghiệm, hoàn thiện kỹ thuật trồng, thu hoạch, bảo quản các loài rong sụn đã đưa diện tích trồng rong sụn ở tỉnh ta hiện nay lên đến trên 450ha, tăng gấp 20 lần so với năm 2001. Vì vậy sản lượng rong sụn hàng năm thu hoạch rất lớn, tuy nhiên do tiêu thụ dưới dạng nguyên liệu nên hiệu quả mang lại cho người nông dân còn thấp so với giá trị thực. Đề tài khoa học “Nghiên cứu chế biến một số sản phẩm thực phẩm từ rong sụn” của Trường đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh phối hợp với Trung tâm Thông tin-Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh đã được tiến hành.

Kết quả thu được là rất nhiều sản phẩm được chế biến từ rong sụn như: nước uống giải khát, mứt, bánh tráng…có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, phù hợp nhu cầu thị hiếu tiêu dùng của người dân. Năm 2011, Trung tâm được giao sản xuất thử nghiệm các sản phẩm thực phẩm từ cây rong sụn. Các sản phẩm được cung ứng rộng rãi thị trường sẽ là cơ hội để người dân vùng ven biển phát triển mạnh cây trồng này để nâng cao thu nhập ổn định cuộc sống.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học vào thực tiễn

Một trong những giải pháp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh giai đoạn 2011-2015 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đề ra đó là tăng cường ứng dụng KH&CN, bảo vệ môi trường để phát triển bền vững. Để khẳng định được vài trò nền tảng của xã hội, nhiệm vụ quan trọng của ngành KH&CN tỉnh nhà là đẩy mạnh chuyển giao công nghệ ứng dụng vào sản xuất và đời sống. Hiện nay, nền kinh tế của tỉnh ta thế mạnh vẫn là nông, lâm, thủy sản vì vậy các ngành, các địa phương tập trung đầu tư ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản sau thu hoạch và công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, tạo sức cạnh tranh mạnh trên thị trường.

Thực hiện tốt việc chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho nông dân các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa nhằm tăng năng suất, chất lượng cây trồng vật nuôi, sản phẩm có tính đặc thù theo hướng sản xuất hàng hóa. Tập trung nguồn lực để phục vụ cho ngành công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Đầu tư nghiên cứu các giải pháp ngăn chặn suy thoái, ô nhiễm môi trường, khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên. Bên canh đó cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định các đường lối, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và các giải pháp để nền kinh tế tỉnh ta phát triển nhanh, bền vững.

Trong 5 năm tới, tỉnh sẽ nâng mức đầu tư nghiên cứu, triển khai các đề tài dự án khoa học lên 1,5 lần so giai đoạn 2006-2010; kèm theo đó là các chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ tối đa các thành phần kinh tế tham gia phối hợp đầu tư thực hiện các đề tài, dự án KH&CN để phát triển sản xuất, tiết kiệm năng lượng, nâng tính cạnh tranh trên thị trường. Quản lý chặt chẽ chất lượng, tiến độ thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học; mỗi năm triển khai mới từ 10 - 15 đề tài, dự án. Ưu tiên các đề tài, dự án có tính thực tiễn cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên và năng lực ứng dụng vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tăng các đề tài trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, làng nghề; đồng thời duy trì hợp lý các đề tài trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản.

Trước mắt trong năm 2011, cùng với việc nâng cao chất lượng và hiệu quả các đề tài, dự án nghiên cứu đang thực hiện, ngành KH&CN tham mưu với UBND tỉnh, đề xuất với Bộ KH&CN phê duyệt thực hiện 4 dự án thuộc Chương trình Nông thôn - miền núi đó là: Xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGap; Chuyển giao công nghệ xây dựng mô hình sản xuất và tiêu thụ một số loại nấm; Nghiên cứu sử dụng cây dứa sợi chống sa mạc hoá và hiện tượng cát bay tại vùng đất cát ven biển; Xây dựng hệ thống canh tác xóa đói, giảm nghèo cho hai thôn Cầu Gẫy và Đá Hang, thuộc xã Vĩnh Hải (Ninh Hải).

Xuân Tân Mão đã về, những cán bộ làm công tác khoa học tỉnh nhà bước sang năm mới với nhiều dự định cho tương lai, cùng chung một tâm nguyện khám phá tri thức nhân loại trong lĩnh vực KH&CN để góp phần phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà.