Nghiên cứu công bố trên tạp chí Perspectives on Psychological Science hôm 18/12 đã theo dõi 5.000 học sinh giỏi toán trong suốt cuộc đời của họ, bắt đầu từ tuổi 12. Sự thành công được đo bằng số bằng sáng chế đạt được, chức vụ nắm giữ tại trường đại học và thu nhập, cùng một số yếu tố khác.
"Chúng tôi nhận thấy năng khiếu toán học và một số năng khiếu khác có một ảnh hưởng quan trọng, nhưng cơ hội học tập cùng với sự quyết tâm đã thúc đẩy ưu thế này một cách sâu sắc", tác giả nghiên cứu David Lubinski tại Đại học Vanderbilt, Mỹ, nói. "Những tài năng này sẽ phát huy hết tác dụng khi nhận được sự hỗ trợ toàn diện và sự ủng hộ của cả giáo viên, cha mẹ và cộng đồng".
Mặc dù các nghiên cứu trước cho rằng không có sự khác biệt mấy giữa các sinh viên hàng đầu, Lubinski và cộng sự tìm thấy khả năng cá nhân cũng khác biệt giữa các nhân tài. Sự khác biệt nằm ở việc được học tập nhiều, có sự ứng dụng trong nghề nghiệp và cả sự sáng tạo. Người đứng đầu thường có nhiều bằng sáng chế hơn, dễ có bằng tiến sĩ hơn và có thu nhập cao hơn.
Những đứa trẻ có tài bẩm sinh thường tiếp thu nhanh hơn và cần một chương trình học tập đặc biệt để phù hợp với tốc độ học của chúng nhằm tránh sự nhàm chán và tăng cường khả năng phát triển tối đa. Nhưng sau cùng thì trẻ vẫn là những con người bình thường, có điểm mạnh, điểm yếu, sở thích và cá tính riêng, không nên coi là dạng hoàn hảo tuyệt đối.
(Nguồn Báo Khoa học và Phát triển)