1. Trong nước:
* Ngày 4-3-1946: Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến họp phiên đầu tiên. Trong phiên họp đầu tiên, Chính phủ liên hiệp kháng chiến đã quyết định một số chủ trương đối nội và đối ngoại.
Về đối nội, các đảng phái phải đoàn kết chặt chẽ, ngôn luận, hành động phải nhất trí để phụng sự quốc gia. Sinh mệnh và tài sản của tất cả công dân Việt Nam và kiều dân ngoại quốc được hoàn toàn bảo đảm. Mọi lực lượng của quốc dân được huy động để dùng trong việc kháng chiến kiến quốc và toàn thể nhân dân...
Về đối ngoại, đối với các nước đồng minh, Việt Nam bao giờ cũng chủ trương thân thiện. Đối với nhân dân Pháp, dân tộc Việt Nam không thù hằn, song cực lực phản đối chế độ thực dân và cương quyết giữ quyền độc lập...
* Ngày 4-3-1966: “Huyền thoại bầu trời” MIG-21 tham chiến trận đầu tại Việt Nam. Hơn 50 quốc gia trên 4 lục địa từng sử dụng loại máy bay MIG-21 nhưng chỉ ở Việt Nam, nơi có các phi công mưu trí và quả cảm điều khiển, tính năng ưu việt của loại máy bay “cánh én bạc” này mới phát huy tác dụng cao độ.
Về Việt Nam từ tháng tháng 12-1965 và chính thức tham chiến trên mặt trận không đối không chống “Chiến tranh phá hoại” từ năm 1966, MiG-21 đã lập nhiều chiến công lừng lẫy, liên tiếp hạ gục 174 máy bay Mỹ các loại, trong đó có những “Thần sấm”, “Con ma”, “Siêu pháo đài bay B-52”.
Với những chiến công xuất sắc đó, hai chiếc MIG-21 đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Đó là chiếc MIG-21 mang số hiệu 4324 đã hạ đo ván 14 máy bay Mỹ và chiếc MIG 21 mang số hiệu 5121 do anh hùng Phạm Tuân lái đã bắn hạ pháo đài bay B52.
* Ngày 4-3-1975: Chiến dịch Tây Nguyên chính thức mở màn. Trong cuộc Tổng tiến công Mùa Xuân 1975, chiến dịch Tây Nguyên là sự kiện mở đầu và quan trọng bậc nhất, tạo tiền đề cho chiến thắng 30-4 vĩ đại của dân tộc.
Ngày 24-3-1975, kết thúc chiến dịch, vùng chiến lược Tây Nguyên rộng lớn với hơn 60 vạn đồng bào các dân tộc đã được giải phóng, 12 vạn quân địch đã bị tiêu diệt; toàn bộ hệ thống phòng ngự của Mỹ, ngụy ở Tây Nguyên bị đập tan.
Thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên đã mở ra “thời cơ chiến lược lớn” thừa thắng chuyển sang tổng tiến công và nổi dậy quân dân ta tấn công xuống đồng bằng ven biển miền Trung. Đại quân ta ào ào như thác đổ tiến về Sài Gòn, kết thúc cuộc Tổng tiến công Mùa Xuân 1975 đại thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
2. Thế giới
* Ngày 4-3-1789: Hiến pháp Mỹ bắt đầu có hiệu lực. Hiến pháp Mỹ được thông qua ngày 17-9-1787. Đây là bộ luật tối cao của nước Mỹ, dựa trên tư tưởng tam quyền phân lập, và là bản hiến pháp đầu tiên trên thế giới.
Cùng với Tuyên ngôn độc lập viết năm 1776, bản Hiến pháp đã thể hiện tinh thần khoa học, tiến bộ và nhân bản của người Mỹ trong việc xây dựng một nhà nước cộng hòa đầu tiên trên thế giới.
Đến nay, tuy Hiến pháp Mỹ đã được bổ sung nhiều lần nhưng các nguyên tắc của văn kiện này vẫn được giữ nguyên như của năm 1789.
* Ngày 4-3-1913: Woodrow Wilson tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ. Wilson (1856-1924) là tổng thống thứ 28 của Mỹ và là vị tổng thống thứ hai của Đảng Dân chủ nhậm chức kể từ sau cuộc nội chiến ở nước này.
Ông giữ chức Tổng thống trong hai nhiệm kỳ kéo dài từ năm 1913 đến 1921, và là vị tổng thống Mỹ duy nhất có bằng Tiến sỹ. Điều vinh dự nhất của Wilson ở khía cạnh học vấn là ông từng làm Hiệu trưởng Trường Đại học Princeton giai đoạn 1902-1910.
Trong vai trò Tổng thống, ông rất thành công trong việc lãnh đạo Quốc hội để thông qua các đạo luật và các văn kiện pháp lý quan trọng bao gồm Ủy ban thương mại liên bang, Luật chống độc quyền Clayton, Luật Underwood, Luật vay mượn nông trại liên bang và nổi bật nhất là Hệ thống dự trữ liên bang.
Năm 1919, ông được trao giải thưởng Nobel Hòa bình.
* Ngày 4-3-2016: Campuchia cấm hút thuốc lá nơi công cộng và nơi làm việc. Theo sắc lệnh của Chính phủ Campuchia, người bị phát hiện hút thuốc tại các khu vực cấm sẽ bị phạt 20.000 riel (5 USD) và chủ các khu vực nói trên nếu không trưng ra các biển hiệu “Cấm hút thuốc” hoặc vẫn phục vụ gạt tàn cho người hút thuốc sẽ bị phạt 50.000 riel (12,5 USD).
Lệnh cấm trên nhằm bảo vệ sức khỏe người dân và giảm tiêu thụ các sản phẩm làm từ thuốc lá sợi. Đây là một bước tiến đáng ghi nhận trong cuộc chiến chống thuốc lá ở Campuchia nói riêng và trên phạm vi toàn cầu nói chung.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm Campuchia có khoảng 10.000 người tử vong vì các căn bệnh liên quan đến thuốc lá.
(Theo TTXVN)