* Ngày 11-2-1951: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự khai mạc Đại hội Đảng lần thứ II và đọc Báo cáo chính trị. Người đặt ra yêu cầu cấp bách “Chúng ta phải có một đảng công khai để lãnh đạo toàn dân đấu tranh cho đến thắng lợi, Đảng đó lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam... kết nạp những công nhân, nông dân, lao động trí óc, thật hăng hái, thật giác ngộ cách mạng... Đảng theo Chủ nghĩa Mác - Lênin và tổ chức theo chế độ dân chủ tập trung, có kỷ luật sắt đồng thời là kỷ luật tự giác, dùng lối “phê bình và tự phê bình” làm “luật phát triển” của Đảng”. Người khẳng định: “Đảng Lao động Việt Nam phải là một đảng to lớn, mạnh mẽ, chắc chắn, trong sạch và cách mạng triệt để... Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”.
* Ngày 11-2-1960: Bác Hồ viết bài “Không để một khe hở” đăng trên Báo Nhân Dân. Bài viết biểu dương những người dân bình thường phát hiện cho báo Đảng những hiện tượng lãng phí và cho rằng: “họ đáng làm gương cho một số người được Nhà nước giao cho trông nom hoặc sử dụng của cải chung mà chưa làm tròn trách nhiệm”. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác luôn quan tâm đến việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chỉ một ngày sau khi thành lập nước, khi nói về những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Người đã nhấn mạnh: "Tôi đề nghị mở một chiến dịch giáo dục lại tư tưởng nhân dân bằng cách thực hiện cần, kiệm, liêm, chính”. Tiết kiệm đã trở thành bản chất văn hóa trong con người Bác và tấm gương sống của Bác luôn nhắc nhở mỗi chúng ta cần phải có ý thức tiết kiệm mọi lúc, mọi nơi.
* Ngày 11-2-2014: Đờn ca tài tử đón nhận Bằng công nhận “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”. Đờn ca tài tử Nam Bộ là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo được sáng tạo dựa trên dòng nhạc lễ, nhã nhạc cung đình và những giai điệu ngọt ngào sâu lắng của dân ca miền Trung, dân ca miền Nam. Sự kết hợp tinh tế - hòa quyện giữa tiếng đờn, lời ca và điệu diễn, vừa phản ánh tinh hoa văn hóa ngàn năm văn hiến của Dân tộc ta, vừa mang những nét đặc trưng của người dân vùng đất phương Nam. Việc UNESCO vinh danh Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thể hiện sự trân trọng và ngưỡng mộ của cộng đồng quốc tế đối với loại hình nghệ thuật độc đáo này của Việt Nam.
* Ngày 11-2-2015: Viện sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn nhận giải thưởng IASS. Đưa 32 công nghệ tiên tiến của thế giới về ứng dụng thành công tại Việt Nam và một số nước khác, đem lại những giá trị to lớn phục vụ đời sống con người, Viện sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC đã được Viện Hàn lâm Quốc tế về các nghiên cứu hệ thống của Liên bang Nga (Viện IASS) trao tặng hai danh hiệu cao quý: Viện sĩ có thành tích xuất sắc nhất giai đoạn 2004-2014 và Ngôi sao Vernadski. Bà là người phụ nữ đầu tiên của Việt Nam và châu Á được nhận giải thưởng nàyGiải thưởng IASS là giải thưởng cao quý nhất của Viện IASS, 10 năm xét thưởng 1 lần, nhằm vinh danh các nhà khoa học có những cống hiến đặc biệt trong lĩnh vực khoa học trên toàn thế giới.
* Ngày 11-2-1847: Ngày sinh nhà phát minh người Mỹ Thomas Alva Edison. Edison sinh tại Milan, Ohio (Mỹ). Từ nhỏ, ông rất đam mê đọc sách. Năm 10 tuổi, ông đã có phòng thí nghiệm riêng. Một trong những phát minh quan trọng nhất của ông là máy ghi âm, máy ghi tiếng động đầu tiên trên thế giới. Sau đó là máy đánh chữ, đĩa hát, máy chiếu hình và bộ phận tiếp sóng của radio. Khám phá của ông về "Hiệu ứng Edison" giúp chế tạo ống đèn điện tử hiện đại, làm nền tảng cho máy phát sóng radio, điện thoại đường dài, phim có tiếng động, máy truyền hình, mắt điện tử, tia X... Trong lịch sử khoa học ứng dụng, ông là người chiếm kỷ lục về phát minh. Ông được cấp bằng sáng chế cho hơn 1.000 phát minh và khám phá. Các phát minh của ông có ảnh hưởng đích thực và sâu sắc đến ngành khoa học kỹ thuật hiện đại ngày nay. Edison mất ngày 18-10-1931, tại West Orange, New Jersey (Mỹ).
* Ngày 11-2-1917: Ngày sinh nhà văn Mỹ Sidney Sheldon. Sheldon là một trong những nhà văn được đọc nhiều nhất trên thế giới thời hiện đại. Tổng số lượng bản in sách của ông đã lên trên con số 300 triệu, được dịch sang 71 ngôn ngữ. Ông được công nhận là "tác giả được dịch nhiều nhất thế giới". Bằng cách viết và diễn tả tình tiết câu chuyện rất ly kỳ với giọng văn hóm hỉnh nhưng đầy trí tuệ, những tác phẩm của Sheldon thường nói về những nhân vật thành đạt, nổi tiếng nhưng không có thật và thường là phụ nữ. Ông từng thổ lộ: "Tôi luôn cố gắng viết những cuốn sách mà độc giả không thể buông xuống khi chưa đọc xong...”. Ngoài đoạt giải của Viện Hàn lâm nghệ thuật Mỹ, ông còn giành giải Tony, Oscar và Emmy cho 3 lĩnh vực là sân khấu, điện ảnh và truyền hình.
Theo TTXVN