Tuy nhiên, nếu rạch ròi sự việc, có thể đặt ra câu hỏi: VFF, AVG, CLB hay các nhà đài, đâu mới là “virus” khiến khán giả truyền hình đối mặt với nỗi lo mất cơ hội xem bóng đá trên truyền hình?
• Ai được "ăn" tiền bản quyền?
Khi đặt vấn đề mua độc quyền bản quyền truyền hình trong 20 năm, AVG đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng trước khi ra đòn độc. Họ ký với VFF bản hợp đồng kéo dài 20 năm, có giá trị năm đầu là 6 tỷ đồng, sau đó lũy tiến 10% mỗi năm. Về cơ bản, sau khi ký hợp đồng với AVG, VFF tỏ ra thỏa mãn với hợp đồng vì đã thu về khoản tiền cứng và ổn định trong thời gian dài.
Vẻ thỏa mãn và hài lòng của VFF là dễ hiểu, bởi lần đầu tiên họ được đứng theo nghĩa của người bán hàng đích thực. Nó khác với những bản hợp đồng bán bản quyền cho VTV hay VTC, vì tiếng là bán và thu tiền, nhưng VFF lại phải “lại quả” bằng những chi phí truyền thông có giá trị nhiều hơn cả tiền thu về từ bán bản quyền truyền hình. Chính vì vậy không ngạc nhiên khi Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng từng tuyên bố: VFF đã phải chịu thiệt trong nhiều năm dài.
Theo tiết lộ của Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ, sau khi thu được tiền bán bản quyền từ AVG, VFF sẽ chia tiền bản quyền trong mỗi trận theo tỷ lệ 4-4-2 ở mùa bóng 2011. Trong đó, VFF và đội chủ nhà nhận mỗi bên 40% giá trị bản quyền, còn đội khách hưởng 20%. Tỷ lệ ấy có vẻ là rất hoàn hảo nếu xét ở hoàn cảnh, đa số các đội bóng ở Việt Nam từ trước đến nay chủ yếu… cho không, thậm chí còn tốn thêm tiền để được truyền hình trực tiếp.
Song, nói đi thì phải nói lại, tỷ lệ ấy tưởng lớn cho đội bóng, nhưng thật ra là như bị… chèn ép. Bởi VFF là được hưởng lợi lớn nhất khi luôn nhận được phần cứng tối đa, còn đội bóng - những nhân vật chính tạo ra sản phẩm - lại chỉ hưởng phần nhỏ của miếng bánh. Càng ngạc nhiên hơn khi 28 đội V-League, hạng Nhất còn phải đóng thêm tiền niên liễm để được chơi trong những giải đấu ấy. Nói ví von, VFF là “bầu show” của V-League và giải hạng Nhất, nhưng đã xơi cả cát-sê lần “tiền cò” trong phi vụ bản quyền truyền hình, còn đội bóng thì bị bóc lột sức lao động.
• Sẽ ra sao ngày mai?
Trong cuộc họp với AVG, đại diện đài truyền hình An Giang nêu ra vấn đề khá cắc cớ: “Ngân sách của An Giang chi 14 tỷ đồng cho đội bóng không phải chỉ để cho 10 vạn người xem 1 trận đấu mà phải cho tất cả nhân dân của tỉnh này xem. Nếu ai đó bỏ ra mấy tỷ mua bản quyền không cho chúng tôi phát sóng trực tiếp là rất vô lý. Nhân dân An Giang đã bỏ tiên nuôi CLB, và truyền thống là CLB An Giang cứ đá sân nhà thì chúng tôi sẽ phát sóng trực tiếp để phục vụ người hâm mộ”.
Rõ ràng “nhà đài” An Giang có cái lý của họ, bởi nếu chi thêm tiền mua bản quyền truyền hình trận đấu của An Giang thì có thể hiểu rằng, khán giả (người dân ở vùng đất này) sẽ phải trả tiền đến 2 lần. Trên thực tế, xu thế của bóng đá chuyên nghiệp, cứu cánh chính sẽ là bản quyền truyền hình. Điều tréo ngoe ở đây là việc nhiều đội bóng Việt Nam (tiêu biểu là An Giang) không phải là đội bóng chuyên nghiệp khi vẫn phải sống bằng bầu sữa ngân sách. Vì vậy, đội bóng nhận tiền của nhân dân để thở và sống, đương nhiên không có cái quyền làm khó đơn vị phục vụ nhân dân (truyền hình địa phương) bằng cách thu tiền bản quyền truyền hình.
Hiện tại, giới chuyên môn nhận định, dù chưa ngã ngũ, nhưng rốt cục, AVG - đơn vị giữ bản quyền truyền hình nhưng chưa có cơ sở vật chất- sẽ phải bằng cách này, cách khác phủ sóng V-League và hạng Nhất lên sóng các nhà đài. AVG có thể chấp nhận lỗ để đáp ứng điều kiện đưa hình ảnh bóng đá Việt Nam đến cho người xem rộng nhất. Tuy nhiên, đó mới là câu chuyện của mùa 2011, còn sau đó thì mới là câu chuyện mà xu thuế mua-bán bản quyền truyền hình phải được rạch ròi. Lúc ấy, đội bóng không thể hít và thở bằng tiền ngân sách, trong khi còn đòi thêm cả tiền bản quyền truyền hình…
(Theo SGGPO)