Với giá trị dinh dưỡng cao, được ưa chuộng, sấy khô có thể xuất khẩu nên người dân Phước Dinh xem mứt biển như “lộc trời. Gành đá khu vực biển Sơn Hải – Mũi Dinh (Phước Dinh) là nơi có điều kiện thuận lợi để mứt biển phát triển. Khác với rong biển thường, dài và sống ở dưới nước, còn mứt biển lại ngắn và sống bám trên những tảng đá, vì thế, nghề hái mứt phụ thuộc nhiều vào con nước. Thời gian “ăn” mứt trong ngày thường bắt đầu khi thủy triều rút và kết thúc khi thủy triều lên. Mứt biển khá nhỏ và bám rất chắc vào đá, nên bà con nghĩ ra cách dùng một miếng tôn mỏng để cào, nhưng như vậy mứt bị dập và dễ bị lẫn sạn ốc, giá không cao. Cách tốt nhất vẫn là dùng tay để hái mứt.
Nhọc nhằn nghề cào mứt.
Ông Huỳnh Văn Tám (65 tuổi, ở thôn Sơn Hải 2) cho biết: Hồi trước, tui có làm biển, nhưng giờ lớn tuổi không đi biển được nữa. Tới mùa mứt thì đi hái, rồi đem bán. Nhiều thì được cả chục kg/ngày, ít thì cũng được vài ba kg. Năm nay, thời tiết thuận lợi, được mùa mứt biển, bà con ai cũng vui vẻ.
Để hái mứt biển, đôi khi người ta phải “liều”. Thủy triều xuống, bất kể 1- 2 giờ sáng hay chập choạng tối, bà con làng chài lại đội đèn, xách túi, rổ rá bơi thúng ra các gềnh đá. Trời mùa đông, gió biển quật mạnh, lạnh như cắt. Mỏm đá có sóng đánh vào càng dữ, càng nhiều mứt biển mọc. Vậy nên, người đi hái mứt biển phải luôn trong tư thế sẵn sàng chạy sóng, vừa chăm chỉ hái mứt, vừa phải canh chừng những con sóng lớn bất chợt ập vào. Người đi hái mứt bị bong gân, bị hàu cứa, trầy tay, trầy chân là chuyện thường.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Phước Dinh, cho biết: Dù nguy hiểm là vậy, nhưng mỗi mùa mứt biển đến, người dân xã Phước Dinh vẫn rủ nhau đi hái mứt vì đây là nguồn thu nhập chính của họ trong những tháng mùa Đông, chuẩn bị đón Tết. Chính quyền địa phương thường xuyên khuyến cáo bà con mặc áo phao khi đi hái mứt, đi từng nhóm để hỗ trợ nhau, cẩn thận và tránh đi vào những ngày sóng quá lớn để giảm thiểu tối đa tai nạn có thể xảy ra.
Xuân Nguyên