Thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9-12-2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; trong những năm qua, lãnh đạo các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã triển khai đồng bộ các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đạt hiệu quả, góp phần tạo chuyển biến cơ bản về ý thức tôn trọng và chấp hành nghiêm pháp luật của cán bộ và nhân dân trong tỉnh, giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy Nhà nước, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Tuy nhiên, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn tỉnh có lúc, có nơi vẫn thực hiện chưa nghiêm; chưa tạo nên ý thức tự giác học tập và tôn trọng pháp luật; chưa tập trung phổ biến các nội dung pháp luật có liên quan trực tiếp đến các hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức nên đã ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành trên các lĩnh vực đời sống-xã hội của tỉnh.
Theo chỉ đạo của Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ tại Công văn số 3535/HĐPH ngày 4-10-2010 về việc triển khai thực hiện “Ngày pháp luật”, nhằm tạo ý thức tôn trọng pháp luật và đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật, nâng cao trình độ pháp luật, tinh thần trách nhiệm và hiệu quả công tác trong cán bộ, công chức, viên chức, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và quản lý xã hội bằng pháp luật, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, các đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện một số nhiệm vụ
sau đây:
1/ Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các sở, ngành, Mặt trận, đoàn thể, tổ chức kinh tế, cơ quan Nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân; các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện “Ngày pháp luật” cho cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị mình. Việc tổ chức thực hiện “Ngày pháp luật” phải phù hợp với tình hình, điều kiện của từng cơ quan, đơn vị, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm.
2/ Về nội dung và hình thức sinh hoạt “Ngày pháp luật”, các sở, ngành, Mặt trận, đoàn thể, tổ chức kinh tế, cơ quan Nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân; các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc cần chủ động lựa chọn nội dung pháp luật và gắn nội dung sinh hoạt trong “Ngày pháp luật” với phục vụ việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; tập trung giới thiệu những văn bản pháp luật mới được Nhà nước ban hành, các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo có liên quan thiết thực phạm vi quản lý, lĩnh vực hoạt động, công tác chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm nâng cao ý thức pháp luật, tinh thần trách nhiệm và hiệu quả công tác của cán bộ, công chức, viên chức.
Hình thức triển khai “Ngày pháp luật” phải đảm bảo phù hợp với đặc thù, điều kiện của từng cơ quan, đơn vị, địa phương bằng một trong các hình thức: Tổ chức học tập, quán triệt văn bản pháp luật tập trung có báo cáo viên tham gia giới thiệu về các nội dung pháp luật; sưu tầm tài liệu để tự nghiên cứu (đề cương giới thiệu Luật, văn bản pháp luật, sách báo, tờ gấp pháp luật…); tổ chức tọa đàm, giao lưu trao đổi thảo luận về các nội dung pháp luật; tổ chức học tập pháp luật thông qua việc nghiên cứu tài liệu tại Tủ sách pháp luật; nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật qua các phương tiện thông tin đại chúng; lồng ghép việc phổ biến văn bản pháp luật với việc tổ chức nội dung sinh hoạt khác của cơ quan, đơn vị, địa phương với thời lượng, thời gian thích hợp; khuyến khích các hình thức phù hợp khác.
3/ Thời gian tổ chức sinh hoạt “Ngày pháp luật”.
“Ngày pháp luật” được tổ chức định kỳ mỗi tháng một lần vào sáng thứ 2 tuần đầu tiên của tháng với thời lượng từ 30 đến 45 phút. Trường hợp do tính chất của công việc chuyên môn không thể tổ chức sinh hoạt “Ngày pháp luật” vào sáng thứ 2 tuần đầu tiên của tháng thì phải tổ chức vào một buổi khác trong tháng, đảm bảo mỗi tháng phải tổ chức được một buổi sinh hoạt “Ngày pháp luật”.
4/ Sở Tư pháp (cơ quan thường trực Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh) phải thường xuyên thực hiện tốt công tác tham mưu, giúp UBND tỉnh theo dõi việc triển khai thực hiện sinh hoạt “Ngày pháp luật”; kịp thời phát hiện, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo nhân rộng, khen thưởng động viên những cơ quan, đơn vị, tổ chức có cách làm sáng tạo trong triển khai thực hiện “Ngày pháp luật” trên địa bàn tỉnh.
5/ Sở thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận và các cơ quan thông tin đại chúng trong tỉnh cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng về tổ chức triển khai thực hiện “Ngày pháp luật” ở các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, kịp thời tham mưu đề xuất UBND tỉnh biểu dương những đơn vị thực hiện tốt các nội dung sinh hoạt “Ngày pháp luật” và chấn chỉnh những cơ quan, đơn vị chấp hành chưa nghiêm nội dung của Chỉ thị này.
6/ Về kinh phí thực hiện “Ngày pháp luật” từ nguồn kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật đã được xác định trong các Kế hoạch, Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật (hoặc bổ sung), kết hợp với kinh phí hoạt động chuyên môn theo các nội dung chi và mức chi cụ thể: chi báo cáo viên pháp luật; chi biên soạn tài liệu; chi chế độ đại biểu (trường hợp tổ chức tọa đàm, tập huấn kết hợp phổ biến, giới thiệu pháp luật); chi phô tô tài liệu pháp luật cho đại biểu để nghiên cứu… theo Thông tư Liên tịch số 73/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 14-5-2010 của Bộ Tài chính – Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
7/ UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các phòng, ban liên quan trực thuộc và UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn triển khai thực hiện nghiêm việc sinh hoạt “Ngày pháp luật”. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ thị này.
8/ Định kỳ hằng năm, các sở, ngành, Mặt trận, đoàn thể, tổ chức kinh tế, cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân; các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc tổ chức tổng kết đánh giá kết quả thực hiện “Ngày pháp luật” và gửi báo cáo về cơ quan Thường trực Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh (Sở Tư pháp) trước ngày 25-12 để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
9/ Chỉ thị có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày ký ban hành.
Trong quá trình thực hiện Chỉ thị này, nếu có khó khăn, vướng mắc, phải phản ảnh kịp thời về cơ quan Thường trực Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh (Sở Tư pháp) để tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét, giải quyết.