Khoảnh khắc & sự kiện 7-1

 * Ngày 7-1-1929: Báo “Thần Chung” ra số đầu tiên. Thần Chung nghĩa là tiếng chuông buổi sáng. Đây là tờ nhật báo xuất bản vào các ngày thứ 2, 3, 4, 5, 6, 7, tại Sài Gòn. Mỗi kỳ báo gồm từ 4 - 6 trang khổ lớn (65 x 40cm). Tờ báo có ban biên tập gồm những nhà báo xuất sắc. Chủ nhiệm là Diệp Văn Kỳ, chủ bút là Nguyễn Văn Bá. Các trợ bút trong Ban biên tập đều là những cây bút tên tuổi: Ngô Tất Tố, Phan Khôi, Đào Trinh Nhất, Bùi Thế Mỹ, Phan Văn Hùm. Xu hướng chính trị của báo là “tinh thần chống chính quyền thực dân”, cùng “ý thức quốc gia dân tộc biểu lộ quá rõ rệt”. Đây là điều được giải thích lý do sâu xa khiến tờ báo này sớm bị đóng cửa theo Nghị định ngày 22-3-1930 của Toàn quyền Đông Dương.

* Ngày 7-1-1959: Bộ Chính trị họp để bàn về “Đường lối Cách mạng miền Nam”. Sau khi chỉ ra đặc điểm khác nhau giữa miền Nam với các thuộc địa khác trên thế giới, phân tích thế của ta và của địch, Bác Hồ đưa ra ý kiến chỉ đạo: “Phải lấy chính trị, lực lượng quần chúng là chính. Phải đoàn kết toàn dân, trừ bọn phản dân. Đề án viết phải có lý có tình. Cũng có thể nói: Giải phóng miền Nam là nhiệm vụ thần thánh của nhân dân ta”. Đúng như Người chỉ đạo, nhân dân ta hoàn thành được nhiệm vụ thần thánh là giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh là do nhiều nguyên nhân, trong đó quan trọng nhất là sự đoàn kết thống nhất cao trong Đảng, sự đoàn kết toàn dân trên dưới một lòng, triệu người như một.

* Ngày 7-1-1972: Việt Nam và Ấn Độ thiết lập quan hệ ngoại giao. Nằm ở Nam Á, Ấn Độ rộng khoảng 3,3 triệu km2 với hơn 1,2 tỷ người. Ấn Độ có trên 1.000 năm lịch sử và là một trong những cái nôi văn minh của loài người. Mối quan hệ truyền thống tốt đẹp Việt Nam - Ấn Độ đã được hai vị lãnh đạo tiền bối kiệt xuất của hai nước là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng J. Nehru tạo dựng. Sau đó, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước không ngừng vun đắp. Hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ. Không chỉ tăng cường hợp tác trên lĩnh vực ngoại giao, hai bên còn mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật… Ấn Độ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Ấn Độ trong ASEAN. Hai nước đang nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu nâng tổng kim ngạch thương mại hai chiều lên 15 tỷ USD vào năm 2020.

* Ngày 7-1-1979: Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Đây là ngày có ý nghĩa vô cùng trọng đại đối với nhân dân Campuchia. Chiến thắng này đã đưa đất nước và nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, khép lại một thời kỳ đen tối của Campuchia, mở ra một trang sử mới độc lập, hòa bình, tự do, dân chủ, ổn định và phát triển xã hội. Chiến thắng là kết quả của sự kết hợp tài tình giữa các nhân tố, các lực lượng trong xã hội, đặc biệt là sự kết hợp giữa hai nhân tố cơ bản, tiên quyết là tinh thần đoàn kết yêu nước của nhân dân Campuchia và sự giúp đỡ lớn lao của quân tình nguyện Việt Nam. Từ sau chiến thắng lịch sử này, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Campuchia, dân tộc và nhân dân Campuchia đã hồi sinh, khắc phục mọi khó khăn, trở ngại để xây dựng một đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Theo TTXVN