Ý nghĩa lớn nhất của chương trình tiên tiến là đã tăng cường năng lực quản trị chương trình, năng lực đào tạo và hợp tác quốc tế cho trường đại học.
Ảnh minh họa
Lan tỏa đến các chương trình khác
Ông Phan Quang Thế, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế-Kĩ thuật Công nghiệp Thái Nguyên cho rằng sự xuất hiện của các chương trình tiên tiến đã có tác động đến cả các chương trình đào tạo khác.
Điển hình là Trường Đại học Kinh tế-Kĩ thuật Thái Nguyên, sau khi triển khai một số chương trình tiên tiến, hiện có tới 95% giảng viên có trình độ tiếng Anh đạt TEOFL, IELTS 450, trong đó 62% đạt 500 trở lên; sinh viên có gần 4000 em đạt TOEFL 400 trở lên.
“Có chương trình tiên tiến, có giảng viên ở nước ngoài đến giảng dạy và chúng ta cử giảng viên ra nước ngoài học, theo đó phong cách cả giảng viên cũng chuyên nghiệp, hội nhập hơn” ông Thế cho biết.
Một ví dụ khác là ‘thương hiệu” chương trình tiên tiến của ĐH Ngoại thương được PGS. TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ, những sinh viên học chương trình này thường điểm rất cao, nhưng vẫn chưa đủ mà cần thêm năng lực và ngoại ngữ. Như vậy, cũng đã tạo ra cách tuyển sinh mới cho các em khi tham gia học các chương trình tiên tiến.
Uy tín của chương trình tiên tiến thể hiện ở chất lượng đầu vào và đầu ra, sự công nhận của các đối tác nước ngoài, cũng như của doanh nghiệp và các đơn vị sử dụng lao động. Từ những chương trình tiên tiến, ĐH Ngoại thương cũng phát triển thêm các chương trình mang cách tiếp cận giống như chương trình tiên tiến.
“Năm 2016, Nhà trường đã xây dựng thêm các chương trình về đào tạo Kế toán, Kiểm toán, đây là chương trình nằm trong 8 nội dung di chuyển lao động của Asean. Để đào tạo bảo đảm được chất lượng theo yêu cầu của thị trường quốc tế thì trường xây dựng theo chuẩn đầu ra quốc tế”, ông Tuấn thông tin.
Từ thực tiễn của Trường Đại học Ngoại thương khi triển khai chương trình tiên tiến, ông Bùi Anh Tuấn cho rằng vấn đề lớn nhất là làm chủ được chương trình đào tạo. Thứ nữa là sự lan tỏa và bền vững của các chương trình tiên tiến, vấn đề này rất khó vì cần có sự chung sức của tất cả các cán bộ giáo viên, lãnh đạo nhà trường.
Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho rằng, Nhà trường chỉ có một chương trình tiên tiến duy nhất là Điều dưỡng, lợi ích mà chương trình này mang lại là đã có 3 khóa tốt nghiệp, mỗi khóa 30-50 sinh viên. 20 sinh viên khóa đầu tiên đã tham gia khóa đào tạo điều dưỡng tại Đức và được cấp chứng chỉ điều dưỡng chuẩn châu Âu. Với chứng chỉ này, các em có thể ở lại và làm việc tại bất cứ đâu ở châu Âu.
Không để hết tiền tài trợ hết chương trình
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, chương trình tiên tiến ra đời trong giai đoạn đất nước có nhiều đổi mới, biến động, lại là lần đầu tiên triển khai thực hiện, nên mục tiêu chủ yếu là làm quen với việc tiếp cận, chuyển giao, củng cố và tổ chức đào tạo thành công theo mô hình mới.
Vì vậy, có thể nói giai đoạn 10 năm vừa qua đã tạo tiền đề về cơ bản là vững chắc cho một số ngành đào tạo (như 35 ngành của chương trình tiên tiến), để xây dựng những điều kiện cần thiết cho việc đào tạo những sản phẩm chất lượng cao và nghiên cứu khoa học đỉnh cao thời gian tới.
“So lượng tiền bỏ ra với kết quả đạt được thì chúng ta đã làm tốt. Nếu đào tạo 3600 cử nhân, kỹ sư này ở nước ngoài, chúng ta cần một lượng tiền gấp hàng chục lần như thế, mà các em còn không trở về cống hiến. Nhìn ở góc độ hiệu quả đầu tư, rõ ràng mô hình này tiết kiệm hơn các đề án 911, 322 rất nhiều”, Bộ trưởng Nhạ nhận xét.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các chương trình tiên tiến, có rất nhiều bài học kinh nghiệm mà nếu được làm lại từ đầu, nhiều trường đại học, nhiều hiệu trưởng, chủ nhiệm chương trình sẽ làm khác. Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại Hội thảo tổng kết 10 năm chương trình tiên tiến được Bộ GD&ĐT tổ chức vào một ngày cuối năm 2016.
Việc lựa chọn chương trình tiên tiến chưa dựa trên những phân tích, dự đoán nhu cầu thực tế của nền kinh tế mà chủ yếu dựa vào các ngành đã có thế mạnh. Nhiều trường ĐH chưa có thời gian chuẩn bị cho cả thầy và trò về ngoại ngữ trong quá trình đào tạo, dẫn tới chất lượng trong một số chương trình tiên tiến chưa đạt được mục tiêu.
Một bất cập nữa của một số cơ sở đào tạo khi tham gia các chương trình tiên tiến là sau khi sinh viên ra trường không theo dõi, sát sao, thu nhận phản hồi của nhà tuyển dụng, từ đó có những đánh giá chất lượng hiệu quả đầu ra chính xác để có những điều chỉnh lại với chương trình giảng dạy cho sát thực và hiệu quả hơn. Độ gắn kết của chương trình với nghiên cứu khoa học và với doanh nghiệp chưa cao, một số trường có tâm lý “buông”, hết tiền tài trợ là hết chương trình tiên tiến.
Ông Nhạ đã nhìn nhận thẳng thắn: Với nền móng để nâng cao chất lượng đào tạo ĐH theo hướng tinh hoa, nếu ngành giáo dục không tiếp tục một cách chủ động thì hiệu quả của 10 năm chương trình tiên tiến sẽ lãng phí.
“Chính phủ đã giao cho Bộ GD&ĐT thực hiện “Đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế”. Do vậy, một trong những tiêu chí của chương trình đào tạo chất lượng cao tới đây là phải đào tạo phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động được dự báo, tăng cường các ngành công nghiệp mũi nhọn theo xu hướng của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và 8 nhóm ngành di chuyển lao động tự do ASEAN ưu tiên trước để đầu tư.
Phương thức triển khai đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là hợp đồng giao nhiệm vụ, hỗ trợ theo đầu người học chứ không phân bổ vốn theo mục đích như trước. Mỗi trường ĐH chỉ cần có một số chương trình xuất sắc, trọng điểm, bám sát thị trường, tập trung đầu tư vun cao để xây dựng và phát triển thương hiệu, không dàn hàng ngang”, ông Nhạ khẳng định.
Nguồn www.chinhphu.vn