Chúng tôi tìm về làng Chăm Bỉnh Nghĩa, xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) để được nghe tiếng trống Pa-ra-nưng rộn ràng, tiếng ghi-năng mạnh mẽ và tiếng kèn sa-ra-nai da diết, bộ ba nhạc cụ đặc trưng của dân tộc Chăm. Theo lời giới thiệu của đồng chí Thuận Sapa, Phó chủ tịch UBND xã Bắc Sơn chúng tôi tìm gặp anh Sầm Tánh, một trong những nghệ nhân tiêu biểu của thôn. Qua cuộc trò chuyện thân mật, chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi biết ông không những chơi mà còn thành thạo làm được cả ba loại nhạc cụ của dân tộc mình.
Đến nay, gần nửa thế kỷ ông Sầm Tánh đã gắn bó với bộ nhạc cụ không thể thiếu được trong các lễ hội của người Chăm. Hớp một hớp trà đặc quánh, ông bắt đầu đưa chúng tôi trở về với những ngày đầu tập tành học đánh trống ghi-năng từ cha mình - nghệ nhân Sầm Tới. Rồi những buổi theo chân cha đi tìm gỗ quý về làm trống, từng động tác vỗ, từng thao tác nhỏ được cha chỉ tay một cách cặn kẽ, cộng thêm lòng nhiệt huyết đến năm 25 tuổi, ông đã trở thành một nghệ nhân thực thụ. Hôm chúng tôi ghé thăm nhà nghệ nhân, tình cờ gặp Tiến sĩ Thành Phần (Giảng viên Trường Đại học Khoa học-Xã hội và Nhân văn - Tp. Hồ Chí Minh) về thăm quê, tin tưởng vào đôi tay tài nghệ và độ thẩm âm tuyệt vời của nghệ nhân Sầm Tánh, tiến sĩ vượt mấy trăm cây số đem đôi trống ghi-năng về nhờ ông chỉnh âm. Ngồi bệt trên thềm nhà, ông bắt đầu tìm bệnh cho đôi trống này theo thính giác ông cảm nhận: “Trống này bị trầm âm do các dây buộc bị lỏng”. Ông say sưa đánh một bài nhạc Chăm như lời cảm ơn những người bạn đã đến thăm, đã yêu quý những giai điệu rất riêng của đồng bào mình.
Làm trống đòi hỏi sự tỉ mỉ, đam mê và nghệ nhân Sầm Tánh làm trống không để bán mà vì lòng đam mê, cái nghề chính để nuôi gia đình vẫn là 6 sào ruộng và nghề thợ hồ của ông.
Nghệ nhân Sầm Tánh đau đáu trăn trở làm sao để lớp trẻ hôm nay yêu quý và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào mình. Ông thu nhận học trò rồi tận tâm truyền nghề biểu diễn bộ ba nhạc cụ Pa-ra-nưng, ghi-năng, kèn sa-ra-nai. Ông chỉ mong các thế hệ sau chơi thật hay, đánh thật giỏi những nhạc cụ của dân tộc. Phải mất 3 đến 4 năm rèn luyện mới có thể chơi thành thạo một loại nhạc cụ truyền thống. Thời gian tuy không ngắn nhưng nhiều lớp học trò của ông đã thành tài. “Hai đứa học trò của tui hiện nay là Đạo Quang Linh và Lượng Đại Vệ sau ba năm theo thầy đã đi biểu diễn phục vụ nhạc lễ cho bà con thôn xóm rồi đó”, nghệ nhân Sầm Tánh mỉm cười mãn nguyện.
NGỌC TUYỀN