Ngành du lịch cần tự đánh giá theo chuẩn quốc tế

Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo về công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017.

 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng những chuyển biến tích cực của ngành du lịch,
có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành và sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương. Ảnh: VGP/Đình Nam

Theo báo cáo tại cuộc họp, trong năm 2016, du lịch Việt Nam đã đón trên 10 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ trên 62 triệu lượt khách nội địa, với tổng doanh thu khoảng 400.000 tỷ đồng.

Hệ thống các DN lữ hành và cơ sở lưu trú du lịch không ngừng phát triển với 1.602 DN lữ hành quốc tế, 21.000 cơ sở lưu trú.

Nhiều đoàn kiểm tra liên ngành đã được thành lập nhằm chấn chỉnh kịp thời những vi phạm trong lĩnh vực lữ hành, lưu trú. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được tăng cường đổi mới.

Nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò du lịch đối với phát triển kinh tế-xã hội được nâng cao và chuyển biến rõ rệt với những chính sách đẩy mạnh phát triển du lịch tại địa phương.

Nhiều địa phương đã thu hút mạnh mẽ nguồn lực đầu tư của xã hội, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực tài chính vào những dự án xây dựng cơ sở lưu trú quy mô lớn đẳng cấp 4-5 sao, khu vui chơi giải trí tiêu chuẩn quốc tế.

Hiện đã có 11 địa phương thành lập sở du lịch, tổ chức liên kết, hình thành các tuyến du lịch đặc trưng, độc đáo; nhiều sản phẩm du lịch mới tại các đô thị được đẩy mạnh như phố đi bộ ở Hà Nội; du lịch xe buýt, du lịch đường sông ở TPHCM; du lịch trực thăng ở Đà Nẵng; tham quan mỏ than ở Quảng Ninh…

Ý kiến của thành viên Ban Chỉ đạo nhận định các bộ, ngành đã tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tối đa cho các DN du lịch.

Cụ thể, Bộ Công an chủ trì xây dựng đề án thí điểm cấp thị thực điện tử cho khách du lịch; nâng cao văn hóa ứng xử, rút ngắn thời gian làm thủ tục xuất nhập cảnh cho du khách; triển khai nhiều hoạt động nghiệp vụ tại các địa bàn du lịch trọng điểm, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trong lĩnh vực du lịch và du khách.

Bộ GTVT tích cực phối hợp kết nối hàng không tới các thị trường du lịch trọng điểm, nâng cao năng lực vận chuyển, đặc biệt là hình thức thuê nguyên chuyến, đẩy mạnh xúc tiến hàng không kết hợp với du lịch.

Ảnh: VGP/Đình Nam

Từ kinh nghiệm của Tràng An (Ninh Bình), Sầm Sơn (Thanh Hóa) hay gần đây là Phú Quốc (Kiên Giang) khi thu hút được những nhà đầu tư lớn thì khách du lịch tăng ngay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng điểm nổi bật của ngành du lịch trong năm 2016 là có rất nhiều công trình lớn được đầu tư từ những năm trước bắt đầu được đưa vào sử dụng hàng loạt, hình thành mạng lưới, hệ thống lưu trú, khu du lịch lớn.

“Nếu không có những công trình của các nhà đầu tư lớn, cứ manh mún thì không thu hút được du khách. Quan trọng hơn là để những tỉnh có tiềm năng du lịch nhưng chưa có nhà đầu tư lớn không vội vàng giao ngay cho nhưng DN nhỏ, dẫn đến xé lẻ thậm chí phá vỡ quy hoạch, cảnh quan”, Phó Thủ tướng nói.

Trong những chuyển biến tích cực của ngành du lịch, Phó Thủ tướng cho rằng sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành và sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương rất quan trọng.

Nhiều vấn đề không mới của ngành du lịch như cấp thị thực điện tử, miễn thị thực, thành lập quỹ xúc tiến du lịch… đã có tiếng nói, giải pháp chung giữa các bộ, ngành.

Còn đối với các địa phương, khi những nỗi sợ của khách du lịch quốc tế được “vạch mặt, chỉ tên” rất cụ thể: ép giá, chèo kéo khách, ăn mày, ăn xin, vệ sinh ăn uống, môi trường cùng các chỉ đạo sâu sát của Trung ương… các địa phương đã vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ hơn. Chất lượng của các cơ sở lưu trú được chấn chỉnh, siết chặt với việc rút sao của 36 khách sạn.

“Những việc này cần tiếp tục duy trì, chấn chỉnh, phải quy được trách nhiệm với các địa phương”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Bên cạnh các đề xuất về những nhiệm vụ mà ngành du lịch sẽ tập trung triển khai trong năm 2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh khi du lịch đã được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, cần phải nhanh chóng lượng hóa các chỉ tiêu phát triển cụ thể.

“Ngành du lịch phải tự xem lại mình so với thế giới, chỉ ra những điểm yếu kém nhất để tập trung khắc phục, cải thiện. Từng năm cần đánh giá mức độ tiến bộ đến đâu, chuyển biến những gì. Ngay cả việc xếp hạng sao cho khách sạn cũng cần kiên quyết không để tình trạng “sao Việt Nam”, “sao thế giới”.

Chủ trương, cơ chế, chính sách chúng ta đã có đầy đủ, vì vậy cần kiểm tra, giám sát mạnh mẽ đối với việc thực hiện. Các đoàn kiểm tra, giám sát không nên chỉ có người của Tổng cục Du lịch mà cần huy động, kêu gọi sự tham gia của các hiệp hội trong ngành du lịch để cùng khảo sát, đánh giá”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý với tốc độ phát triển của du lịch Việt Nam hiện nay đang đặt ra yêu cầu rất lớn về nhân lực du lịch, đặc biệt ở nhóm quản lý cấp cao.

“Hiện phần lớn khoa du lịch ở các trường đại học đào tạo sinh viên chưa đạt yêu cầu theo chuẩn quốc tế về kỹ năng, ngoại ngữ, năng lực quản lý… Bộ GD&ĐT phải làm việc với một số khách sạn, trường đại học để xây dựng các chương trình liên kết đào tạo. Đây cũng là trách nhiệm của các khách sạn”, Phó Thủ tướng nói.

Trong năm 2017, ngành du lịch đặt mục tiêu thu hút 11,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 66 triệu lượt khách nội địa, đạt doanh thu 460.000 tỷ đồng.

Nguồn www.chinhphu.vn