Hoạt động của các phó Thủ tướng Chính phủ

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp Đại sứ Campuchia

Chiều 13/12, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tiếp thân mật Đại sứ Vương quốc Campuchia Prak Nguon Hong đến chào xã giao nhân dịp đến nhận công tác tại Việt Nam.

Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhiệt liệt chúc mừng ông Prak Nguon Hong được bổ nhiệm làm Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Campuchia tại Việt Nam; tin tưởng rằng với kinh nghiệm đối ngoại và những tình cảm tốt đẹp dành cho Việt Nam, Đại sứ sẽ có nhiều đóng góp tích cực thúc đẩy quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa hai nước tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng chúc mừng những thành tựu to lớn về mọi mặt mà nhân dân Campuchia đã đạt được trong thời gian qua và chân thành chúc nhân dân Campuchia sẽ giành được những thành tựu mới to lớn hơn nữa trong công cuộc xây dựng đất nước Campuchia ngày càng phát triển thịnh vượng.

Hoan nghênh những kết quả hợp tác giữa hai nước nói chung và Bộ Ngoại giao hai nước nói riêng, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia, đặc biệt là Đại sứ quán Campuchia tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Bộ Ngoại giao và các cơ quan hữu quan của Việt Nam trong việc chuẩn bị cho các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước và các cơ chế hợp tác song phương quan trọng như Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Campuchia và Hội nghị Hợp tác và Phát triển các tỉnh biên giới Việt Nam-Campuchia.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao Việt Nam trong việc tổ chức kỷ niệm 50 năm Ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (24/6/1967-24/6/2017).

Về phần mình, Đại sứ Prak Nguon Hong bày tỏ vinh dự khi được bổ nhiệm làm Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Campuchia tại Việt Nam; ngưỡng mộ những thành tựu mà nhân dân Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua và hy vọng cá nhân sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa cho tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Đại sứ Prak Nguon Hong cũng bày tỏ mong muốn sẽ nhận được sự quan tâm, hợp tác, giúp đỡ của Chính phủ và các cơ quan chức năng của Việt Nam để hoàn thành trọng trách của mình.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc về bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV

Ngày 13/12, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc với các bộ, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho hoạt động bảo lãnh tín dụng (BLTD) cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Đánh giá về vai trò của BLTD, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, đây là nghiệp vụ ngân hàng rất quan trọng trong bối cảnh ngân sách Nhà nước khó khăn, chưa có nguồn lực hỗ trợ nhiều được cho cộng đồng DNNVV. Thông qua BLTD, các DNNVV, nhất là các DN siêu nhỏ có nhu cầu vay vốn, có khả năng phát triển nhưng không đủ điều kiện về tài sản bảo đảm có thể tiếp cận được nguồn vốn cần thiết từ ngân hàng thương mại.

Do đó, cần phải có quyết sách để thực hiện hiệu quả cơ chế BLTD cho DNNVV nhằm thực hiện tốt Nghị quyết số 35 của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, chỉ đạo Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đánh giá tình hình thực hiện Quyết định số 03/2011/QĐ-TTg về quy chế bảo lãnh cho DNNVV vay vốn ngân hàng thương mại, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện các cơ chế, chức năng về BLTD, nhất là việc xử lý những tồn đọng trong BLTD tại VDB.

Bộ Tài chính phối hợp với các địa phương đánh giá việc thực hiện Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg về quy chế thành lập, tổ chức, hoạt động của quỹ BLTD cho DNNVV tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chủ trì với các bộ khác dự thảo Nghị định quy chế BLTD cho DNNVV song song với tiến trình sửa đổi, bổ sung dự án Luật DNNVV đang được Quốc hội cho ý kiến, vì BLTD cũng là một nội dung quan trọng trong dự thảo Luật.

Về mô hình hoạt động của quỹ BLTD, Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục bám sát các quy định tại Quyết định số 58. Tuy nhiên, nguồn hình thành quỹ bước đầu lấy từ ngân sách Nhà nước và cấp bổ sung, từ tiền lãi gửi, tiền phí bảo lãnh thu được, chênh lệch thu chi, vốn tài trợ hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, bao gồm cả ODA phục vụ phát triển DNNVV.

Theo Phó Thủ tướng, quỹ này sẽ hướng tới BLTD cho DNNVV, siêu nhỏ không đủ sức tiếp cận nguồn lực từ ngân hàng, nhất là các quy định về tài sản thế chấp, tài sản bảo đảm, nhưng lại có phương án kinh doanh tốt.

Đồng thời, Phó Thủ tướng giao các bộ đặt ra tiêu chí xác định đối tượng rõ ràng để có thể “hỗ trợ các DN chiến thắng, chứ không hỗ trợ các DN chiến bại”.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng Nghị định về cơ chế tổ chức, điều hành, cơ chế BLTD theo hướng bảo lãnh toàn bộ nhu cầu vay, không đặt vấn đề phải có tài sản bảo đảm như yêu cầu vay vốn tại NHTM, không hủy ngang bảo lãnh và có mức thu phí bảo lãnh phù hợp.

Các cơ quan liên quan phối hợp nghiên cứu xác định mối quan hệ 3 bên quỹ BLTD, ngân hàng thương mại và DNNVV theo nguyên tắc thị trường, các quy định của luật pháp, nhưng vẫn đảm bảo thủ tục thuận lợi cho DNNVV và quy định trách nhiệm cuối cùng cho quỹ BLTD.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu dự thảo Nghị định nhấn mạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp chia sẻ rủi ro cho BLTD là trích lập dự phòng rủi ro, bảo đảm có sự tham gia của bảo hiểm vào hoạt động này.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ hội đàm với Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam

Chiều 13/12, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng các lãnh đạo các Bộ, ngành đã có cuộc hội đàm bàn tròn với ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam và các chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng này trong khu vực châu Á về cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Trước đó vào đầu giờ chiều, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có buổi tiếp xã giao ông Ousmane Dione vừa mới bắt đầu nhận nhiệm vụ từ ngày hôm qua (12/12).

Bước vào hội đàm, các chuyên gia kinh tế của WB chia sẻ với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ một số nghiên cứu về cải cách DNNN, nhất là khi Chính phủ Việt Nam đang thảo luận về việc thành lập một cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo đó, các chuyên gia khuyến nghị cần để các DNNN chỉ tập trung vào các lĩnh vực quan trọng, liên quan tới an ninh, quốc phòng. Đối với việc thành lập cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước, cần phải cân bằng được trách nhiệm giải trình và tính độc lập của cơ quan này trong mối tương quan với các tập đoàn, tổng công ty, các cơ quan quản lý nhà nước.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết những khuyến nghị của WB đã được Chính phủ thảo luận và đặt ra trong việc hình thành cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp nhằm tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng cổ đông đại diện chủ sở hữu nhà nước.

Về mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu, Phó Thủ tướng đồng tình với khuyến nghị của WB rằng có nhiều cách để xây dựng mô hình, như chuyển mô hình đại diện chủ sở hữu phân tán hiện nay từ các bộ ngành thành mô hình tập trung với 1 cơ quan chuyên trách hoặc thành lập thêm một số Tổng công ty kinh doanh vốn SCIC. Hay thành lập một cơ quan đại diện nhưng quản lý các SCIC phụ trách các khu vực kinh tế lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…

Phó Thủ tướng cho rằng mỗi mô hình đều có thuận lợi và hạn chế riêng và đề nghị WB hỗ trợ tư vấn cho Chính phủ Việt Nam. Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng đề đề nghị WB chia sẻ các giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN khi Việt Nam đang vướng mắc ở các khâu xác định giá trị doanh nghiệp, lựa chọn tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp và quy trình công bố thông tin doanh nghiệp cổ phần hóa trên thị trường chứng khoán.

Cùng với đó là các vấn đề, tiêu chuẩn quản trị của DNNN theo tiêu chuẩn quốc tế, của các nước OECD được thực hiện ra sao? Vai trò của ban điều hành, ban kiểm soát, cơ chế tiền lương và tiền thưởng, làm thế nào để biến một cổ đông nhà nước gần như trở thành như một cổ đông tư nhân tức là có trách nhiệm bảo lưu và phát triển tài sản?

Các chuyên gia kinh tế cao cấp của WB đều chia sẻ những vướng mắc từ quá trình cổ phần hóa DNNN của Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh về chiến lược thì với DNNN có quy mô vừa và nhỏ thì cổ phần hóa hoàn toàn giúp tư nhân tham gia điều hành. Đối với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thì có thể cổ phần hóa một phần, giúp Chính phủ đạt được các mục tiêu: Giảm thiểu khó khăn của Chính phủ trong áp dụng quy định về quản trị doanh nghiệp tốt, việc bán cổ phần các tập đoàn, tổng công ty giúp Chính phủ có thêm lợi nhuận và khi doanh nghiệp này niêm yết trên thị trường chứng khoán thì Chính phủ có thêm công cụ giám sát hoạt động của doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán.

Giám đốc WB tại Việt Nam và các chuyên gia kinh tế của WB cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, thảo luận với các bộ, ngành Việt Nam về các vấn đề này và sẽ có các khuyến nghị cụ thể gửi tới Chính phủ Việt Nam.

Văn phòng Chính phủ