Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị về cải cách hành chính
Ngày 7-12, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ chủ trì hội nghị tổng kết công tác năm 2016, triến khai nhiệm vụ 2017 của Ban Chỉ đạo (BCĐ).
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nhấn mạnh từ đầu 2016 đến nay, BCĐ đã tích cực triển khai các hoạt động, chỉ đạo, đôn đốc công tác CCHC, cải cách thể chế, bộ máy có hiệu quả.
Về nhiệm vụ, giải pháp năm 2017, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai đồng bộ các nội dung của Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2016-2020, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả nền hành chính và đẩy mạnh CCHC, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tiếp tục đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp trong công tác CCHC.
Tập trung triển khai Quyết định 225/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch CCHC Nhà nước giai đoạn 2016-2020 một cách đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tiễn của bộ, ngành, địa phương; tập trung cải cách TTHC theo các nghị quyết của Chính phủ; tiếp tục loại bỏ các thủ tục rườm rà, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ; công bố công khai, minh bạch các quy trình thủ tục; tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết TTHC, mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính các cấp.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng lưu ý, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhất là những công chức, viên chức làm nhiệm vụ giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp. Kiên quyết loại bỏ tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động cung cấp dịch vụ công.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, trọng tâm là công tác bổ nhiệm, quản lý cán bộ, công chức việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật; hoàn thiện thể chế như xây dựng các văn bản về tăng trách nhiệm giải trình của người đứng đầu, giám sát chặt chẽ quy trình xử lý các vụ án về người đứng đầu mà dư luận xã hội quan tâm.
Các thành viên BCĐ cần phát hiện cho được những vấn đề đang gây trở ngại cho CCHC, từ đó đề xuất những giải pháp cụ thể. Hiện, hoạt động của một số thành viên chưa đều tay, trách nhiệm chưa đầy đủ, phát hiện và đề xuất các kiến nghị chưa đến nơi đến chốn, cố gắng tránh bệnh hình thức trong họp hành, đóng góp ý kiến để phát huy trách nhiệm cao của từng thành viên BCĐ.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong việc xây dựng thể chế phải chống cho được lợi ích nhóm, bảo vệ cho được quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục, đề ra các quy định, quy chuẩn chặt chẽ cũng như tăng cường công tác kiểm tra và quản lý Nhà nước.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc về cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Ngày 7-12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc về việc thành lập cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN).
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ việc thành lập cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN là chủ trương của Đảng. Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV cũng thống nhất việc thành lập cơ quan này.
Việc thành lập cơ quan này nhằm tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của nhà nước và chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN), sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu của các Bộ, UBND các cấp để các cơ quan quản lý nhà nước làm tốt hơn công tác xây dựng chính sách.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh đề án thành lập cơ quan này phải rất chi tiết. Cụ thể, đề án cần thể hiện rõ các nội dung về sự cần thiết và căn cứ thành lập cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN, lưu ý tới việc dự báo cho giai đoạn sau năm 2020 khi số lượng DNNN sẽ giảm đi, chỉ tập trung vào những lĩnh vực then chốt; vai trò của DNNN được nâng lên và hiệu quả tốt hơn.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư – cơ quan chủ trì soạn thảo - làm rõ hơn trong đề án về 5 chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước được quy định trong Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN.
Với mục tiêu của Đề án, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu làm nổi bật được việc tập trung thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN thay vì cách làm phân tán như hiện nay. Việc thành lập cơ quan này sẽ không làm giảm nhẹ mà còn tạo điều kiện để các Bộ làm tốt hơn chức năng quản lý nhà nước đối với vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào DN.
Về nhiệm vụ, quyền hạn, Phó Thủ tướng đề nghị cụ thể hóa các nhiệm vụ tham mưu, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các quyền trực tiếp của cơ quan này thực hiện quyền, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu nhà nước (tại các Điều 40, 41, 42, 43 của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN); tham mưu phối hợp với các cơ quan liên quan giúp Chính phủ thực hiện các quyền chủ sở hữu; giám sát, thanh tra, quản lý hoạt động đầu tư quản lý sử dụng vốn nhà nước tại DN. Cơ quan này chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Quốc hội về việc thực hiện chức năng, quyền hạn của mình.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các Bộ phải làm rõ cơ chế hoạt động, tổ chức bộ máy và tài chính của cơ quan này ngay trong đề án. Đi kèm với đó là rà soát các văn bản pháp luật, tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bãi bỏ các văn bản quy định về đại diện chủ sở hữu nhà nước không còn phù hợp.
Đối với các vấn đề còn ý kiến khác nhau như tên gọi, mô hình tổ chức, phạm vi quản lý và lộ trình chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân tích sâu các phương án để xin ý kiến các cấp có thẩm quyền.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết sẽ sớm hoàn thiện đề án trong tuần sau để sớm báo cáo Chính phủ cho ý kiến, trước khi trình lên Bộ Chính trị thảo luận.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp đoàn người có công tỉnh Kiên Giang
Chiều 7-12, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã tiếp đoàn đại biểu người có công với cách mạng tỉnh Kiên Giang ra thăm Hà Nội, vào Lăng viếng Bác.
Bày tỏ niềm vui được đón tiếp đoàn đại biểu người có công từ cực Nam xa xôi của Tổ quốc, Phó Thủ tướng khẳng định, trong mọi thành quả của cả nước đạt được từ xưa tới nay, công lao đóng góp của Kiên Giang là rất lớn.
Phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, đến nay, toàn tỉnh có hơn 84.000 người được công nhận là người có công, trên 16.000 liệt sỹ, 1.800 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, hơn 8.000 người có công giúp đỡ cách mạng. Dù có nỗ lực cố gắng đến đâu, cũng không bù đắp được những sự hy sinh xương máu đó.
Phó Thủ tướng cũng khẳng định Chính phủ đã và đang dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu, chống xâm ngập mặn, bảo đảm đời sống và an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người dân.
Phó Thủ tướng nêu rõ, hơn 70 năm thành lập nước, trải qua các công cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, đất nước ta đã phải hy sinh nhiều xương máu, mồ hôi nước mắt, nhiều anh hùng đã ngã xuống, nhiều người là thương binh, bệnh binh, bị địch bắt giam, tù đày. Cả nước hiện có 8,8 triệu người có công với cách mạng.
Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách với người có công như chính sách phụ cấp hàng tháng, trợ cấp 1 lần, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, chế độ điều dưỡng. Ngân sách địa phương cũng dành nguồn lực đáng để chăm lo, xây dựng nhà ở cho các gia đình người có công. Phong trào uống nước, nhớ nguồn phát triển rộng khắp đã thu hút thêm nhiều nguồn lực chăm lo cho các gia đình người có công với cách mạng, đặc biệt là phong trào xã hội hóa xây dựng nhà ở cho người có công, nhận phụng dưỡng các mẹ Việt Nam anh hùng suốt đời.
Đánh giá cao sự cố gắng của Tỉnh ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp của tỉnh Kiên Giang trong chăm lo cho người có công, Phó Thủ tướng mong muốn tỉnh tổ chức thêm nhiều đoàn người có công đi thăm Thủ đô Hà Nội, không chỉ người có công mà cả thân nhân của họ.
Phó Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn các đại biểu người có công luôn là chỗ dựa tinh thần cho người thân trong gia đình, góp thêm ý kiến cho cấp ủy Đảng, chính quyền, là lực lượng cốt cán xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh.
Nguồn Văn phòng Chính phủ