Cảnh báo: Khả năng trong 24 giờ tới khu vực toàn tỉnh Ninh Thuận tiếp tục có mưa vừa, mưa to và dông.
Trong ngày hôm nay (06/12), trên Sông Cái và Sông Lu khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này mực nước tại trạm Thủy văn Tân Mỹ và Thủy văn Phước Hà lên mức xấp xỉ BĐII.
Đặc biệt chú ý các khu vực trọng điểm thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất: Xã Lâm Sơn, xã Mỹ Sơn, xã Hòa Sơn, xã Ma Nới (huyện Ninh Sơn); xã Phước Chính, xã Phước Thành, xã Phước Trung, xã Phước Bình (huyện Bác Ái); xã Lợi Hải, xã Bắc Phong, xã Công Hải, xã Phước Chiến (huyện Thuận Bắc). Và cần đề phòng ngập úng vùng trũng ven biển: TP.Phan Rang, huyện Ninh Phước.
Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi về tình hình xả lũ tại các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận: hồ Sông Sắt 35,74 m3/s, Phước Trung 21,3 m3/s, Sông Trâu 82,29 m3/s, Bà Râu 47,16 m3/s, Tân Giang 26,5 m3/s, Cho Mo 93,15 m3/s, Nước Ngọt 26,79 m3/s, Thành Sơn 27,82 m3/s…
Để đối phó với mưa lũ và xả lũ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh đề nghị UBND, BCH PCTT & TKCN tỉnh Khánh Hòa, UBND thành phố Cam Ranh và yêu cầu các Sở, ban ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thuộc tỉnh Ninh Thuận thực hiện các công việc như sau:
I. Đối với tỉnh Khánh Hòa:
Do hồ Sông Trâu (tỉnh Ninh Thuận) đang xả lũ với lũ lượng 82,29 m3/s sẽ ảnh hưởng đến các xã Cam Thịnh Đông, Cam Lập và các khu lân cận thuộc thành phố Cam Ranh. Do đó, đề nghị UBND, BCH PCTT & TKCN tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo UBND thành phố Cam Ranh: Kiểm tra dân cư sống tại các khu vực ven sông, suối, vùng trũng thấp, bị ngập lũ, lồng bè nuôi trồng thủy sản, nhất là những khu vực ngập sâu, thường xuyên bị chia cắt để kịp thời sơ tán dân đến nơi an toàn; Kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, triển khai phương án sơ tán dân đến nơi an toàn. Bố trí lực lượng kiểm soát đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại các tràn, đường ngập nước.
II. Đối với tỉnh Ninh Thuận:
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, tổ chức trực ban 24/24 giờ và kiểm tra các hồ chứa, chủ động việc xả lũ đúng quy trình, đảm bảo an toàn cho đập và hạ du, nhất là đối với các hồ chứa vận hành bằng cửa van, các hồ chứa đã đầy hoặc gần đầy nước.
2. Sở Giao thông vận tải chỉ đạo việc bố trí lực lượng, phương tiện tại những khu vực trọng điểm có nguy cơ sạt lở, ngập úng để kịp thời khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ. Đồng thời bố trí lực lượng chốt chặn các tuyến đường, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông tại các khu vực nguy hiểm, khu vực bị chia cắt.
3. Công an tỉnh phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố cử lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông, hướng dẫn và cấm người và phương tiện qua các tràn, tuyến đường giao thông bị ngập sâu, khu vực nước chảy xiết, khu vực bị chia cắt.
4. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng quân đội, công an trên địa bàn sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ thực hiện việc sơ tán nhân dân, cứu nạn, cứu hộ theo đề nghị của địa phương.
5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
- Kiểm tra dân cư sống tại các khu vực ven biển, cửa sông, trũng thấp, bị ngập lũ, lồng bè nuôi trồng thủy sản, nhất là những khu vực ngập sâu, thường xuyên bị chia cắt để kịp thời sơ tán dân đến nơi an toàn và tổ chức cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân.
- Kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, triển khai phương án sơ tán dân đến nơi an toàn. Nghiêm cấm người và phương tiện qua các sông suối, các tràn qua đường bị ngập lũ. Đồng thời bố trí lực lượng kiểm soát, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
Do xả lũ của hồ Sông Trâu đề nghị huyện Thuận Bắc đặc biệt chú các vùng hạ du hồ chứa như các khu dân cư dọc suối Sông Trâu, Suối Giang, Suối Giếng.
6. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Ninh Thuận thường xuyên theo dõi diễn biến mưa lũ, kịp thời thông báo cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các Sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan để theo dõi diễn biến của mưa lũ.
7. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phát sóng thường xuyên và thông báo diễn biến của mưa lũ để các Sở, ngành, địa phương và nhân dân biết, chủ động phòng tránh.
8. Yêu cầu các Sở, ban ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức trực ban 24/24 giờ theo dõi chặt chẽ diễn biến của tình hình mưa lũ để đối phó kịp thời với tình huống xấu có thể xảy ra, thường xuyên báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Trần Quốc Nam