Báo cáo công tác của Viện KSND Tối cao năm 2016 do Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí trình bày tại phiên họp khẳng định, năm 2016, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về công tác tư pháp, Viện trưởng Viện KSND Tối cao đã chỉ đạo toàn ngành triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Theo đó, Viện KSND Tối cao đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định pháp luật; đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm theo các nghị quyết của Quốc hội; trong đó, đã tập trung thực hiện nhiều biện pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự và hoạt động điều tra tội phạm thuộc thẩm quyền; tăng cường quan hệ phối hợp với các cơ quan tư pháp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng; chú trọng thực hiện nhiệm vụ chống oan, sai; nâng cao chất lượng công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp khác…
Đồng thời, tập trung triển khai quán triệt và thi hành các đạo luật mới về tư pháp; chú trọng thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng ngành.
Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2017, ngành kiểm sát xác định tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ: Hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong các nghị quyết của Quốc hội, tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm; nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa; giảm số đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tồn đọng; tạo chuyển biến nâng chất lượng công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, các vụ việc dân sự.
Thực hiện nghiêm túc chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội; tích cực tham gia xây dựng dự án luật liên quan đến công tác của ngành; phối hợp hiệu quả trong việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật, nhất là các đạo luật mới về tư pháp.
Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác cán bộ; lựa chọn, bố trí trúng và đúng người đứng đầu các đơn vị, Viện Kiểm sát địa phương. Tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
* Báo cáo công tác thi hành án năm 2016 của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày đã nêu lên những kết quả cụ thể về kết quả công tác thi hành án, đồng thời nhấn mạnh tới những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2017, trong đó có việc tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án dân sự, hành chính, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, hành chính được giao theo Nghị quyết của Quốc hội. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ công chức; bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc cho cơ quan thi hành án dân sự. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành và công tác chuyên môn nghiệp vụ....
Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội quan tâm, tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế liên quan đến công tác thi hành án, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án trong thực tiễn. Tiếp tục quan tâm bố trí ngân sách để bảo đảm điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho cơ quan thi hành án, nhất là các đơn vị mới thành lập hoặc còn phải thuê, mượn trụ sở; xây dựng, nâng cấp các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ đã xuống cấp hoặc quá tải, chưa đủ diện tích giam giữ.
Đồng thời, đề nghị các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, Mặt trận Tổ quốc các cấp tăng cường giám sát theo thẩm quyền, nhất là giám sát chuyên đề, tập trung vào một số vụ việc gặp khó khăn trong phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp liên ngành; tăng cường giám sát đối với hoạt động cho vay và các hoạt động liên quan đến tín dụng, ngân hàng, siết chặt quản lý đối với hoạt động này, hạn chế tối đa tỷ lệ nợ xấu không thể thi hành án.
* Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2016 của Chính phủ do Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu trình bày khẳng định, công tác PCTN đã thúc đẩy sự chuyển biến rõ nét trên hầu hết các lĩnh vực quản lý Nhà nước, góp phần tích cực xây dựng xã hội công khai, minh bạch, dân chủ, củng cố và giữ vững niềm tin của nhân dân. Hệ thống bộ máy Nhà nước, thể chế, chính sách được hoàn thiện hơn cùng với việc mở rộng công khai, minh bạch, thực hiện trách nhiệm giải trình, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm. Chính sách, pháp luật về PCTN được đưa vào hệ thống truyền thông, giáo dục, đào tạo góp phần nâng cao nhận thức trong xã hội và tạo lập nền tảng quan trọng để hình thành văn hóa PCTN.
Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với mức độ phổ biến, tính chất rất nghiêm trọng và chưa bị đẩy lùi. Công tác PCTN tại các bộ, ngành, địa phương còn chưa đồng đều. Không ít địa phương đã thực hiện chưa tốt công tác PCTN. Công tác PCTN nói chung chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra và vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Báo cáo cũng nêu lên phương hướng, nhiệm vụ công tác PCTN năm 2017 là tiếp tục quán triệt sâu sắc mục tiêu, quan điểm, nội dung và giải pháp PCTN đã nêu trong các Nghị quyết của Đảng và các quy định của Luật PCTN; kiên quyết, kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp PCTN với những bước đi vững chắc, tích cực, có trọng tâm, trọng điểm gắn với thực hiện toàn diện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng… Kiên quyết không để tham nhũng diễn biến phức tạp hơn, nghiêm trọng hơn, tiến tới ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng. Xác định rõ PCTN là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Để PCTN hiệu quả hơn, năm 2017, Chính phủ tiếp tục xác định PCTN là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành và tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ cụ là: Chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ các chủ trương, giải pháp PCTN, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương và từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN; triển khai quyết liệt chương trình công tác trọng tâm của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá cụ thể trách nhiệm trong công tác PCTN của các cấp, các ngành trong cả hệ thống chính trị.
Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục về những biểu hiện, tác hại của tham nhũng đối với việc phát triển kinh tế, xã hội. Tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng tăng cường trách nhiệm cá nhân trong thực hiện công vụ, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chế độ công vụ, có cơ chế hữu hiệu để loại khỏi bộ máy Nhà nước những cán bộ, công chức, viên chức thoái hoá, biến chất; đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; hoàn thành dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) trình Quốc hội…
* Chiều 28/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các báo cáo về công tác của Chánh án TAND Tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng...
Nguồn www.chinhphu.vn