Cần có hướng xử lý, khắc phục khu vực sạt lở nhà dân hợp lý

(NTO) Ngày 12-10, Báo Ninh Thuận nhận được phản ảnh của ông Nguyễn Tựu (khu phố 5, thị trấn Tân Sơn, Ninh Sơn) về việc Nhà máy Thủy điện Thượng Sông Ông, thuộc Công ty Cổ phần Thủy điện Quảng Sơn ngăn đập nước làm thay đổi lượng nước hai bên bờ sông Ông đoạn qua khu vực gia đình ông, gây sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sinh hoạt và kinh tế gia đình.

Chiều cùng ngày, có mặt tại hiện trường, theo ghi nhận của chúng tôi, hàng chục mét đất canh tác hoa màu của gia đình ông Tựu đã bị xói mòn và sạt lở do nước sông tràn vào, khu vực bờ rào cũng bị sập đổ xuống sông hoàn toàn. Nghiêm trọng hơn, tại hai công trình phụ là nhà vệ sinh và khu nhà xưởng cũng sạt lở đến mép móng nền, hoàn toàn có khả năng bị sụp đổ xuống sông bất cứ lúc nào. Ông Tựu cho biết: Mặc dù đã kiến nghị phía công ty và chính quyền địa phương đến xem xét để khắc phục nhưng vẫn chưa giải quyết, trong khi phần sạt lở ngày càng nghiêm trọng, gia đình rất lo lắng và hoang mang.

 
Khu vực sạt lở nhà ông Nguyễn Tựu do lượng nước sông thay đổi gây ra.

Qua tìm hiểu, không riêng gì hộ ông Tựu, dọc khu vực bờ sông Ông (đoạn qua khu vực tổ 5, khu phố 5) có ít nhất 4 hộ bị ảnh hưởng do lượng nước sông thay đổi, gây sạt lở hàng trăm mét đất canh tác của người dân. “Chúng tôi sống ở đây đã hai thế hệ, nhiều trận mưa lũ rất lớn nhưng không có trường hợp sạt lở đất như thế này, từ khi Nhà máy Thủy điện Thượng Sông Ông ngăn đập và đi vào hoạt động, lượng nước sông bắt đầu thay đổi khi mưa lớn đổ về, làm sạt lở ngày càng nghiêm trọng”-ông Nguyễn Đình Hợi, một hộ dân có gần 100m² đất canh tác hoa màu bị sạt lở bức xúc.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Giang, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Quảng Sơn xác nhận: Khu vực sạt lở có phần trách nhiệm liên quan từ phía Nhà máy thủy điện của đơn vị. Tuy nhiên không phải hoàn toàn do khu vực đập ngăn của nhà máy, phía công ty cũng đã chủ động đến khảo sát khu vực các hộ dân bị ảnh hưởng để có hướng khắc phục, nhưng do hướng khắc phục phía công ty đưa ra người dân chưa đồng ý nên thời gian khắc phục mới kéo dài.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Hoàng Anh, Chủ tịch UBND thị trấn Tân Sơn, cho biết: Sáng 13-10, thị trấn đã tổ chức buổi đối thoại giữa các hộ dân bị ảnh hưởng và đại diện Nhà máy Thủy điện Thượng Sông Ông. Trước mắt, để đảm bảo an toàn khu vực nhà dân và khắc phục tình trạng sạt lở, thị trấn đã đề nghị phía Nhà máy thủy điện cần khẩn trương ngay trong ngày 14-10 tiến hành thi công các phương án đóng cọc, thả rọ đá đảm bảo chống sạt lở cho người dân, phía các hộ dân cũng đã đồng ý.

Cũng theo ông Anh, đó cũng chỉ là giải pháp trước mắt trong mùa mưa lũ. Sau khi đơn vị thi công tiến hành khắc phục xong khu vực sạt lở, UBND thị trấn sẽ đề nghị phía công ty triển khai phương án cụ thể hơn để đảm bảo an toàn dọc khu vực sạt lở về lâu dài cho người dân an tâm canh tác. Đồng thời, đề nghị phía công ty sau khi khắc phục sự cố, cũng cần xem xét hỗ trợ những thiệt hại của người dân trong phần đất bị sạt lở trước đó.

Được biết, hiện nay đang thời điểm bước vào mùa mưa lũ, huyện Ninh Sơn là địa phương có nhiều nhà máy thủy điện và khu vực sông, suối nằm phía hạ lưu, nên thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở. Từ sự việc trên, rất mong chính quyền các cấp, ngành và các đơn vị quản lý thủy điện trên địa bàn huyện cần đẩy mạnh công tác phối hợp, xử lý tốt hơn nữa các vụ việc liên quan đến việc đảm bảo an toàn cho người dân khu vực ven sông, suối. Về phía người dân, cũng cần chủ động phối hợp với các đơn vị, không nên gây khó dễ trong việc xử lý các vụ việc, cần bình tĩnh, tìm hiểu để tạo được sự đồng thuận cao, cùng chính quyền địa phương xử lý một cách hợp lý, hợp tình.