Khoảnh khắc & Sự kiện 17-9

* Ngày 17-9-2003: Khởi công phục hồi, tôn tạo Khu di tích đôi bờ Hiền Lương. Hiệp định Geneva năm 1954 đã chia cắt đất nước Việt Nam thành hai miền Nam - Bắc, lấy Vĩ tuyến 17, nơi con sông Bến Hải ở tỉnh Quảng Trị chảy qua là ranh giới. Cuộc phân li tạm thời tưởng rằng chỉ kéo dài 2 năm nhưng thực tế đã kéo dài tới 21 năm. Trong 21 năm đó, đôi bờ Hiền Lương đã trở thành một “nhân chứng lịch sử”, nơi không chỉ chứng kiến sự cách trở, chờ đợi, ngóng trông, sự chia ly và nỗi đau mất mát, mà còn chứng kiến sự quả cảm, niềm tin chiến thắng son sắt của nhân dân đôi bờ. Với những giá trị đặc biệt, năm 1986, đôi bờ Hiền Lương được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia; năm 2013 được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Cụm di tích trở thành điểm sáng trong hành trình của du khách trong và ngoài nước.

 
Cầu Hiền Lương nối liền Quốc lộ 1A, bắc qua sông Bến Hải (xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị).

* Ngày 17-9-2015: Lễ khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1. Vũng Áng 1 là nhà máy nhiệt điện chạy bằng than lớn nhất từ trước tới nay được xây dựng ở Việt Nam, với tổng mức đầu tư gần 1,25 tỷ USD.Nhà máy có công suất 1.200 MW, gồm 2 tổ máy lò hơi-tua bin-máy phát. Lò hơi sử dụng công nghệ than phun PC. Nhiên liệu chính là than cám 5a được cung cấp từ Hòn Gai, Uông Bí (Quảng Ninh), với lượng than tiêu thụ hàng năm trên 3,2 triệu tấn; nhiên liệu phụ là dầu FO. Việc nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 đi vào hoạt động, hòa lưới điện quốc gia cung cấp khoảng 7,2 tỷ kWh mỗi năm, góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt điện năng của hệ thống điện quốc gia.

* Ngày 17-9-2014: Khám phá hố đen “siêu khổng lồ” tại thiên hà M60-UCD1. Bằng việc sử dụng kính thiên văn Hubble, nhóm các nhà thiên văn quốc tế đã khám phá ra một hố đen “siêu khổng lồ" nằm tại trung tâm của thiên hà M60-UCD1. Các nhà thiên văn học cho rằng hố đen “siêu khổng lồ” trên chiếm diện tích tới 15% dải thiên hà M60-UCD1 và có trọng lượng tương đương với 20 triệu Mặt Trời và nặng gấp 5 lần so với hố đen ở trung tâm của dải Ngân hà chứa Hệ Mặt Trời (Milky Way). Thiên hà M60-UCD1 nằm cách Trái Đất khoảng 50 triệu năm ánh sáng. M60-UCD1 có chứa khoảng 140 triệu ngôi sao trong khi chiều rộng của dải thiên hà này chỉ tương đương 300 năm ánh sáng, bằng 1/500 đường kính của dải Ngân hà chứa Hệ Mặt Trời (Milky Way), trong đó có Trái Đất của chúng ta.

* Ngày 17-9-1857: Ngày sinh nhà bác học Nga Konstantin Eduardovich Tsiolkovsky. Konstantin Eduardovich Tsiolkovsky là người đặt nền móng cho ngành du hành vũ trụ hiện đại và là nhà sáng chế tên lửa. Ông đã có hơn 500 công trình về du hành vũ trụ và những vấn đề có liên quan. Trong đó, công trình quan trọng nhất là “Khám phá khoảng không vũ trụ bằng động cơ phản lực” (Exploration of Cosmic Space by Means of Rocket Devices) xuất bản năm 1903. Các công trình nghiên cứu của ông đã đóng góp rất nhiều cho việc thám hiểm thượng tầng khí quyển và dùng cho các chuyến bay liên hành tinh, đồng thời là động lực to lớn thúc đẩy sự nghiên cứu, sáng tạo của một thế hệ các nhà khoa học không gian sau này. Ông mất ngày 19-9-1935.

Theo TTXVN