Hoạt động của Phó Thủ tướng Chính phủ

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chủ trì cuộc họp Ban Thường trực Ủy ban ATGT

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các lực lượng chức năng xử lý kiên quyết, triệt để, không do dự các trường hợp vi phạm an toàn giao thông theo đúng quy định trong Nghị định 46/NĐ-CP của Chính phủ.

Sáng 7/9, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia đã họp sơ kết công tác bảo đảm ATGT tháng 8 và nhiệm vụ tháng 9 dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đánh giá những kết quả nổi bật về công tác bảo đảm trật ATGT trong 8 tháng năm 2016, tai nạn giao thông tiếp tục được kiềm chế trên cả 3 tiêu chí là số vụ, số người chết, số người bị thương. Điều này đã thể hiện quyết tâm và nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm trật tự ATGT trong cả nước.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng chỉ rõ những hạn chế, yếu kém cần khắc phục trong thời gian tới. Đó là, tình hình trật tự ATGT trong tháng 8 lại đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, tình hình vi phạm về tải trọng phương tiện tuy được kiểm soát, nhưng trong 2 năm qua, tỷ lệ giữa số phương tiện vi phạm chở quá tải trọng được phát hiện trên tổng số phương tiện đưa vào kiểm tra là rất thấp. Riêng năm 2015, nhiều nơi có tỷ lệ dưới 10%, thậm chí có nơi chỉ đạt 5%.

Chỉ rõ các nguyên nhân, Phó Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành phải thực sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo về công tác này gắn với trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu từng địa phương. Đồng thời, có biện pháp kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm những cán bộ có hành vi chung chi, nhũng nhiễu trong quá trình thực thi công vụ.

Để tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông, Phó Thủ tướng yêu cầu các lực lượng chức năng phải thực hiện kiên quyết, triệt để, không do dự hay chần chừ theo đúng quy định trong Nghị định 46/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông.

Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và công an các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền và xử phạt theo quy định tại Nghị định 46, chú trọng xử lý các hành vi: Nồng độ cồn, vi phạm tốc độ, chở hàng hoá quá tải trọng cầu đường, chở quá số người quy định, sử dụng phương tiện thủy hết niên hạn, phương tiện chở khách đường thủy không trang bị thiết bị cứu sinh; tăng cường kiểm soát, xử lý đối với xe hết niên hạn sử dụng và quá hạn kiểm định; chỉ đạo cảnh sát giao thông các địa phương tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự ATGT trên tuyến Quốc lộ 5 và tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng theo Công điện số 1251 của Thủ tướng Chính phủ.

Tổng kết, đánh giá kết quả đợt cao điểm bảo đảm trật tự ATGT, trật tự xã hội, trong đó trọng tâm là cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn từ ngày 16/8 đến hết 15/9; chỉ đạo cảnh sát giao thông các địa phương duy trì thực hiện kiểm soát vi phạm nồng độ cồn từ giờ đến hết năm âm lịch. Tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ.

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, từ ngày 16/7 đến 15/8, toàn quốc xảy ra 1.760 vụ, làm chết 705 người, làm bị thương 1.495 người. So với cùng kỳ năm 2015 tăng 48 vụ (2,8%), tăng 51 người chết (7,8%), giảm 96 người bị thương (-6,03%)./.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu đánh giá tỷ lệ đóng, hưởng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, BHXH và nghiên cứu điều chỉnh mức đóng, hưởng cho phù hợp; hoàn tất việc lấy ý kiến về phương án mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong tháng 9 này.

Chiều 7/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH), trợ cấp ưu đãi người có công chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo, cho ý kiến về việc kiện toàn nhân sự của Ban, xây dựng các Đề án hành động, cho ý kiến về mức điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 và các giải pháp đẩy mạnh cải cách các đơn vị sự nghiệp công lập…

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hoàn tất việc lấy ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp về phương án mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong tháng 9 này.

Ngoài ra, Bộ LĐTB&XH tiếp tục đánh giá mức lương tối thiểu này tác động tới đời sống của người lao động, doanh nghiệp; nghiên cứu bổ sung, sửa đổi căn cứ mức xác định tiền lương tối thiểu vùng; tăng cường giải pháp cung cấp thông tin thị trường lao động để bảo đảm đồng thuận xã hội trong thống nhất mức tăng lương tối thiểu vùng hằng năm; tổ chức sơ kết 4 năm hoạt động của Hội đồng tiền lương quốc gia, báo cáo Thủ tướng kiện toàn Hội đồng nhằm nâng cao chất lượng các khuyến nghị với Chính phủ; phối hợp với các bộ, ngành liên quan đánh giá tỷ lệ đóng, hưởng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, BHXH và nghiên cứu điều chỉnh mức đóng, hưởng cho phù hợp, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người sử dụng lao động và người lao động.

Đối với các hoạt động cải cách đơn vị sự nghiệp công lập, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng Bộ Y tế thực hiện “có nét”, hiệu quả nhưng ngành giáo dục và đào tạo, văn hóa thể thao và du lịch… vẫn chưa quyết liệt thực hiện. Lãnh đạo Chính phủ cho rằng Nghị quyết Đại hội Đảng XII cho phép đơn vị sự nghiệp công được hạch toán như doanh nghiệp là cơ sở quan trọng để thực hiện tự chủ, đồng thời yêu cầu các bộ đẩy mạnh hơn nữa việc trao quyền tự chủ cả về biên chế, nhân sự, tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và thu nhập cho viên chức, người lao động.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề nghị Văn phòng Chính phủ tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ sớm thành lập Ban soạn thảo Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập để tìm ra giải pháp đột phá trong đổi mới hoạt động.

Báo cáo về việc tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động trong doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho biết, mức tăng trung bình 7,3% của lương tối thiểu vùng cho người lao động trong doanh nghiệp vào năm 2017 đã được sự đồng thuận của các bên cao nhất từ trước tới nay.

Vẫn theo ông Phạm Minh Huân, năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện chính sách thu BHXH theo Luật BHXH (sửa đổi) nên nhiều doanh nghiệp lo lắng tăng chi phí chi trả. Hiện tỷ lệ đóng BHXH hiện nay là 32,5%, trong đó chủ sử dụng lao động phải chi trả 22%. Nhiều chủ sử dụng lao động đề nghị giảm từ 22% xuống 18%.

Nguồn Văn phòng Chính phủ