(NTO) Có thể nói, đến nay Chỉ thị 57 của Tỉnh ủy đã thực sự “thấm sâu” vào mỗi cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) thông qua việc làm cụ thể công tác thường ngày. Điều dễ nhận thấy nhất là giờ giấc làm việc tại các cơ quan, đơn vị đã trở nên nghiêm túc, trong giờ làm việc gần như đã chấm dứt tình trạng CB, CC, VC “la cà” ở các quán cà phê, ăn sáng… như trước đây, tạo nên hình ảnh mới trong mắt người dân các địa phương trong tỉnh. Kết quả cũng đáng ghi nhận nữa là thái độ ứng xử của CB, CC,VC tại các cơ quan công quyền, những đơn vị thường xuyên quan hệ trực tiếp với tổ chức, công dân cũng có nhiều chuyển biến, nhiều “nụ cười” tôn trọng hơn; trong giải quyết công việc khi người dân, tổ chức có yêu cầu đúng hẹn hơn với thủ tục công khai, rõ ràng… giảm thiểu tình trạng quen thì giải quyết trước, không quen thì cứ từ từ để người dân phải đi lại nhiều lần, tạo nên những bức xúc không cần thiết. Thói quen bia, rượu vào buổi trưa đối với CB, CC, VC trong các ngày làm việc gần như đã “dứt” hẳn, ngay cả chuyện tiếp khách vào buổi trưa của không ít cơ quan, đơn vị nay đã “vắng” bia, rượu trong “thực đơn” đã trở nên bình thường…
Những kết quả đã nêu là đáng phấn khởi, tuy nhiên thực tế cần nhận rõ đó là vẫn còn có những cơ quan, đơn vị tình trạng CB, CC, VC chưa làm hết việc bằng trách nhiệm cao hoặc làm nhưng không chạy việc; còn sử dụng thời gian trong giờ làm việc vào việc riêng… như chơi điện tử, chơi “facebook”… thay vì toàn tâm toàn ý giải quyết tốt công việc được phân công hoặc sử dụng thời gian trống vào nghiên cứu, tìm hiểu thêm chuyên môn để nâng cao nghề nghiệp, mà cụ thể là ứng dụng vào công việc để đạt hiệu quả cao nhất... Nguyên nhân của tình trạng này thì nhiều, trong đó có “tồn tại” là phân công không đúng sở trường, sở đoản, đúng chuyên ngành được đào tạo dẫn đến không làm được việc, hay nói khác hơn là phân công “ngồi nhầm chỗ”, đào tạo một đường, làm một nẻo!. Kế đến là thiếu năng lực nên làm không trôi việc nhưng lại không cố gắng tự học, tự rèn để khắc phục hạn chế “nội tại” chính mình. Nguyên nhân cũng không kém phần quan trọng là ý thức trách nhiệm chưa cao, cộng với người đứng đầu cơ quan, đơn vị giao việc nhưng thiếu kiểm tra… dẫn đến “lãng công” để làm việc cá nhân.
Vậy liệu có “phương thuốc” nào khả dĩ khắc phục tình trạng trên?. Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 26/CT-TTg về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Theo đó, CB, CC không sử dụng thời giờ làm việc để làm việc riêng; Nghiêm túc thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao, không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được phân công; không đùn đẩy trách nhiệm, không né tránh công việc; Nghiêm cấm CB, CC, VC lợi dụng chức năng, nhiệm vụ để gây nhũng nhiễu, phiền hà, trục lợi khi xử lý, giải quyết công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp... Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: CB, CC, VC và người lao động vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính phải bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật. Kiên quyết tinh giản CC,VC năng lực yếu, thiếu trách nhiệm...
Thiết nghĩ, nếu thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ sẽ tạo "động lực" để mọi CB, CC, VC toàn tâm, toàn ý với công việc và hy vọng sẽ không còn tình trạng sử dụng giờ làm việc để làm việc riêng, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết công việc chung.
HH