Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI) của tỉnh Ninh Thuận

LTS: Ngày 26-7-2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TU về nâng cao Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI) của tỉnh Ninh Thuận. Báo Ninh Thuận trân trọng giới thiệu toàn văn Chỉ thị này.

Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (gọi tắt là Chỉ số PAPI) là bộ chỉ số đo lường và đánh giá tính hiệu quả về quản trị và hệ thống hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam, dựa trên kết quả khảo sát lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với hiệu quả công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công của các cơ quan hành chính nhà nước.

Trong những năm qua, các cấp uỷ đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều nỗ lực, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh và đạt nhiều kết quả tích cực: Cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh; chất lượng cung ứng dịch vụ công được cải thiện đáng kể; nhận thức và trách nhiệm trong việc tham gia vào đời sống chính trị, xã hội của người dân ở cấp cơ sở ngày càng được nâng lên… góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế đó là: Chỉ số PAPI của tỉnh trong những năm gần đây đều xếp thứ hạng thấp; một số chỉ số thành phần chưa có sự chuyển biến tích cực và có điểm số thấp dưới mức trung bình. Việc thực hiện công khai, minh bạch các nội dung ở một số xã, phường, thị trấn chưa được chú trọng. Vai trò tham gia của người dân ở cấp cơ sở chưa được phát huy đúng mức; trách nhiệm giải trình với người dân của bộ máy chính quyền cấp cơ sở còn hạn chế. Tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa tốt, còn có biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu, nhất là trong thực hiện các dịch vụ công.

Để kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém, nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh trong những năm tiếp theo, hướng đến mục tiêu xây dựng một nền hành chính minh bạch, liêm chính, hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho người dân; Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể trong tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:

1- Tập trung quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 04-NQ/TU, ngày 1-7-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cải cách hành chính, gắn với đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, nội dung, mục đích, yêu cầu của việc nâng cao chỉ số PAPI, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tinh thần và thái độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với người dân, tổ chức; lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước.

2- Chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương tổ chức rà soát, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm các cơ quan liên quan đối với kết quả thực hiện các chỉ số thành phần PAPI của tỉnh. Từ đó, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá cần tập trung thực hiện để cải thiện số điểm trên từng trục nội dung, nâng thứ hạng về chỉ số PAPI của tỉnh ngay trong năm 2016 và những năm tiếp theo; phấn đấu đưa chỉ số PAPI của tỉnh nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có vị trí xếp hạng cao của cả nước vào năm 2020.

- Nghiên cứu, cụ thể hóa nhiệm vụ trên các trục nội dung để tiến hành đánh giá kết quả thực hiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cho các ngành, các địa phương; định kỳ đánh giá kết quả thực hiện và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của các địa phương, đơn vị. Người đứng đầu của các ngành, các địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả thực hiện nhiệm vụ nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công của địa phương, đơn vị mình.

- Tập trung rà soát, cắt giảm mạnh các thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp gắn với thực hiện công bố, công khai đầy đủ các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết tại trụ sở các cơ quan hành chính các cấp, trên cổng thông tin điện tử của tỉnh và trang thông tin điện tử của các sở, ngành. Phát huy hiệu quả hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại tại UBND Tp. Phan Rang-Tháp Chàm và xem xét, nhân rộng áp dụng đối với các huyện còn lại, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cá nhân, tổ chức khi đến giao dịch với cơ quan hành chính nhà nước.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức; tăng số lượng các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4. Thiết lập hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý kiến nghị và kết quả giải quyết thủ tục hành chính để người dân đánh giá, phản ánh về chính sách, thủ tục hành chính và việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính.

- Thực hiện tốt việc công khai danh sách hộ nghèo; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; khung giá đền bù, thu hồi đất; việc thu, chi ngân sách cấp xã... bằng nhiều hình thức thích hợp, hiệu quả để người dân hiểu, thông suốt thực hiện và giám sát việc thực hiện.

- Nâng cao chất lượng dịch vụ công, nhất là trong các lĩnh vực: y tế, giáo dục, đất đai, xây dựng, hạ tầng giao thông, cung cấp điện, nước, thu gom rác thải... Tiếp tục đẩy mạnh phong trào quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn khu dân cư.

3- Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại cộng đồng dân cư, đảm bảo người dân hiểu và thực hiện đúng quy định của pháp luật; ý thức đầy đủ về quyền lợi và trách nhiệm của mình trong việc tham gia vào đời sống chính trị tại cơ sở; đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo hướng đi vào thực chất, đảm bảo đúng các lĩnh vực “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, góp phần xây dựng chính quyền cơ sở dân chủ, trong sạch, vững mạnh.

4- Nâng cao trách nhiệm giải trình với người dân của chính quyền các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, nhất là đối với các vấn đề nhạy cảm, bức xúc; thực hiện tốt công tác tiếp dân, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn.

5- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên tiếp xúc với người dân, tổ chức; chú trọng lựa chọn, bố trí cán bộ có năng lực công tác và phẩm chất đạo đức tốt làm việc tại bộ phận “một cửa”, “một cửa liên thông”. Rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh các quy định, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong quan hệ giao tiếp với Nhân dân gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn, phong cách làm việc vui vẻ, nhiệt tình, trách nhiệm cao theo tinh thần “vì dân phục vụ”.

6- Tăng cường công tác thanh tra hành chính, thanh tra công vụ; xử lý nghiêm các biểu hiện tắc trách, nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức, viên chức đối với Nhân dân; phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của các tổ chức cơ sở đảng trong cơ quan, đơn vị về việc thực hiện các chủ trương của Trung ương, của tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, về công tác phòng, chống tham nhũng, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu...

7- Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc căn cứ Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và tình hình thực tiễn tại địa phương chỉ đạo UBND các cấp, các sở, ngành chức năng xây dựng kế hoạch cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, đảm bảo đạt mục tiêu đề ra.

8- Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp các Ban Đảng Tỉnh ủy theo dõi, kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị; định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy để theo dõi, chỉ đạo.

Chỉ thị này được phổ biến đến các chi, đảng bộ.