Đầu phiên làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại đoàn về cơ cấu tổ chức của Chính phủ. Báo cáo do Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày nêu rõ: Ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội đều nhất trí với nội dung Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.
Bên cạnh đó, đại biểu một số đoàn có ý kiến đề nghị thành lập thêm một số bộ, chuyển lĩnh vực của một số bộ cho nhau.
Có ý kiến đề nghị Chính phủ cần cải thiện lề lối làm việc, xây dựng quy chế phối hợp các bộ, cơ quan ngang bộ, rà soát sắp xếp lại các cơ quan của Chính phủ, các tổ chức phối hợp liên ngành, tăng cường phân cấp cho địa phương, cải tiến thu gọn đầu mối, tinh gọn biên chế tại các đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, bảo đảm không tăng cơ cấu bên trong, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để khắc phục những tồn tại hạn chế.
Báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại đoàn về cơ cấu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 Nguyễn Xuân Phúc cho biết, qua tổng hợp, ý kiến của các đại biểu Quốc hội ở tất cả 63 Đoàn về cơ bản đều nhất trí với Tờ trình của Chính phủ.
Trước một số ý kiến của đại biểu Quốc hội về đề xuất thành lập mới, đổi tên một số bộ, ngành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cơ cấu tổ chức Chính phủ theo mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực đã được giữ ổn định từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII đến nay, phù hợp với xu thế chung của thế giới, thực tiễn ở nước ta, đã phát huy hiệu quả, góp phần cải cách hành chính, thu gọn bộ máy các cơ quan nhà nước.
Chính phủ đã thảo luận kỹ và thống nhất trình Quốc hội cho giữ ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ như hai nhiệm kỳ qua, đúng theo tinh thần chỉ đạo và Kết luận số 64 của Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, Nghị quyết số 39 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và văn bản của Văn phòng Trung ương về thông báo ý kiến của Bộ Chính trị về cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước và giới thiệu nhân sự lãnh đạo các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Tên của các bộ, cơ quan ngang bộ đã được sử dụng trong thời gian dài, kể cả trong nước và quốc tế, không ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
Vì vậy để tiết kiệm, tránh lãng phí, không phát sinh vướng mắc trong hoạt động, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho giữ tên các bộ, cơ quan ngang bộ như hiện nay. Chính phủ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện tổ chức bộ máy của Chính phủ.
Tiếp đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ bằng hệ thống biểu quyết điện tử. Với 93,52% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết này.
Theo Nghị quyết, cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 gồm 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ.
Cụ thể, 18 bộ, gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế.
Bốn cơ quan ngang bộ, gồm: Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ.
Trước đó, chiều 25/7, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.
Nội dung Tờ trình đánh giá cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ khóa 2011-2016 khẳng định những kết quả cũng như những mặt còn hạn chế cần tiếp tục hoàn thiện, từ đó đề xuất phương án cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 với mục tiêu, yêu cầu là xây dựng cơ cấu tổ chức của Chính phủ tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ với vị trí là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội, đáp ứng vai trò quản lý Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.
Việc kiện toàn cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 được đặt trong tổng thể yêu cầu đổi mới, kiện toàn bộ máy Nhà nước và các cơ quan trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.
Về cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh từ thực tiễn hoạt động thời gian qua cho thấy, cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ mới về cơ bản là phù hợp, Chính phủ đã hoàn thành chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ và các luật liên quan.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Chính phủ trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV giữ ổn định như khóa XIII gồm 22 bộ và cơ quan ngang bộ.
Báo cáo thẩm tra về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ đã được thực hiện ổn định từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII đến nay, đúng với chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và phù hợp với tình hình thực tế của nước ta trong thời gian qua.
Nhiệm kỳ 2011-2016, Chính phủ tiếp tục duy trì tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và mỗi việc, mỗi lĩnh vực chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện chịu trách nhiệm chính, đồng thời coi trọng công tác phối hợp tổ chức thực hiện. Chính phủ đã tập trung quản lý điều hành vĩ mô, bao quát các chức năng nhiệm vụ trên các mặt của đời sống kinh tế-xã hội một cách có hiệu quả, cơ bản phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu chỉ đạo điều hành trong bối cảnh phải đối phó với rất nhiều khó khăn, thách thức.
Công tác xây dựng thể chế, cải cách hành chính Nhà nước được đẩy mạnh, bộ máy hành chính Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở tiếp tục được kiện toàn, khắc phục cơ bản những chồng chéo, trùng lắp và bỏ sót nhiệm vụ. Sự phối hợp giữa các cơ quan chặt chẽ và hiệu quả hơn. Cơ cấu tổ chức các bộ, bên trong các bộ tích cực được sắp xếp, điều chỉnh.
Về phương án cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ mới, Ủy ban Pháp luật nhất trí với cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV như trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, gồm 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ. Việc thực hiện theo phương án này phù hợp với chủ trương của Đảng, Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Nguồn www.chinhphu.vn