Qua tìm hiểu sự việc, bà Nguyễn Thị Yến Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận cho biết: Hộ bà Năng vay vốn HSSV từ năm 2007, theo quy định đến nay đã quá hạn nhưng gia đình không chịu trả nợ. Nhằm xóa nợ xấu và kéo dài thời gian cho vay đối với hộ bà, Tổ vay vốn đã “linh động”, tạo điều kiện và thuyết phục hộ bà chuyển sang vay hộ cận nghèo để lấy tiền trả nợ vay HSSV. Lúc đầu hộ bà đã đồng ý ký vào hồ sơ vay, cung cấp sổ vay vốn, chứng minh nhân dân. Nhưng đến ngày nhận tiền vay (15-6), hộ bà đổi ý không tới nhận nên Tổ vay vốn đã đề nghị Tổ xử lý nợ của xã gồm Công an, dân phòng, đại diện các ban ngành, mặt trận đoàn thể phối hợp giải quyết, nhưng hộ bà vẫn không đồng ý.
Bà Yến Thu, cho biết thêm: Hiện dư nợ tín dụng HSSV trên địa bàn rất nhiều, trong đó có nhiều trường hợp vay vốn HSSV nhưng chây ỳ không chịu trả làm tăng tỷ lệ nợ xấu, ảnh hưởng đến hoạt động cho vay vốn ngân hàng chính sách tại địa phương. Do đó, việc đảo nợ, giảm nợ quá hạn, tăng thời gian trả nợ cho người dân đã được các tổ vay vốn triển khai cho nhiều trường hợp, hầu hết các hộ đều đồng ý thực hiện. Riêng hộ bà Năng, mặc dù, đã được tuyên truyền, vận động nhưng không thống nhất thực hiện, mà có ý so bì, chưa chịu trả, gây khó khăn trong việc thu hồi nợ tại địa phương. Theo quy định và nghị quyết, địa phương không được để nợ quá hạn tăng cao, nếu không xử lý thì nợ HSSV quá hạn tại địa phương sẽ rất cao. Người vay đã có thỏa thuận cam kết trả lãi nhưng không thực hiện đúng phương án trả nợ định lỳ hàng tháng, hàng quý dẫn đến nợ quá hạn.
Theo ông Nguyễn Thế Hoàn, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ninh Phước cho biết: Hộ bà Năng vay vốn HSSV quá hạn thì trách nhiệm xử lý nợ thuộc về đơn vị được ủy thác cho vay tại xã giải quyết. Căn cứ Quyết định 157/QĐ-TTg năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HSSV, trường hợp hộ bà Năng đến tháng 6-2016 là hết thời hạn trả nợ và không được phép gia hạn, nên lãi quá hạn bằng 130% mức lãi vay, tương đương mức 0,65%. Trong khi đó, nếu hộ bà vay vốn cận nghèo thì lãi suất là 0,6%, thời hạn vay 3 năm. Nên tổ vay vốn đã linh động giải quyết cho hộ bà vay để xóa nợ xấu và kéo dài thời gian trả nợ. Tuy nhiên, việc linh động này là không đúng quy định. Vì khi người vay chưa trả hết nợ cũ thì không thể giải quyết cho vay mới. Việc tổ vay vốn địa phương huy động đông người là các lực lượng thuộc thành viên tổ xử lý nợ có cả Công an, dân phòng, mặt trận, đoàn thể… tới nhà và sau đó tới chợ-nơi bà Năng đang kinh doanh trong trường hợp này là không cần thiết. Qua đây, Phòng giao dịch sẽ rà soát, chấn chỉnh các trường hợp tương tự; xử lý, nhắc nhở các trường hợp cán bộ tín dụng hướng dẫn địa phương xử lý nợ không đúng quy định như trường hợp hộ bà Năng.
Ông Trần Ngọc Tú, Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết thêm: Việc xử lý nợ xấu, cơ cấu lại nợ bằng hình thức cho vay mới để người dân có điều kiện về vốn làm ăn trả nợ tiếp là cần thiết. Nhưng phải trả hết nợ cũ thì mới được vay mới. Người dân không đồng ý vay thì không được ép buộc, mà phải vận động cho người dân hiểu trách nhiệm và nghĩa vụ trả nợ. Thời gian tới Ngân hàng chính sách xã hội sẽ phối hợp đề nghị địa phương làm rõ, xử lý vấn đề này.
Phòng Bạn đọc