1. Công bố của Tổ chức Di trú quốc tế (IMO), trong 6 tháng qua, số người di cư và tị nạn vào châu Âu bằng đường biển tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều nhà quan sát cho rằng, số lượng người di cư và tị nạn tăng mạnh cho thấy chính sách di cư của Liên minh châu Âu đã thất bại, bất chấp việc khối này đã phải ký một thỏa thuận bị coi là “phá hủy các giá trị châu Âu” với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giải quyết bài toán khủng hoảng người tị nạn. Tuy nhiên, số lượng người di cư tiếp tục gia tăng trong thời gian gần đây. Thay vì chọn Thổ Nhĩ Kỳ làm điểm trung chuyển, nhiều người tị nạn Syria và một số nước khác đã lựa chọn tuyến đường khác đến với châu Âu thông qua “cửa ngõ” Ai Cập.
Theo số liệu của IMO, có hơn 227.000 người di cư và tị nạn tới châu Âu bằng đường biển trong 6 tháng đầu năm 2016. Những người này chủ yếu đến Italy, Hy Lạp, Cộng hòa Síp và Tây Ban Nha.
Không chỉ số người di cư gia tăng, tỷ lệ người di cư thiệt mạng trên biển Địa Trung Hải khi tìm đến châu Âu cũng tăng ở mức hơn 1.000 người trong năm 2016. Số người thiệt mạng trên biển khi tới châu Âu trong tháng 6-2016 được cho là cao nhất ba năm qua.
Bài toán di cư không được giải quyết tiếp tục thách thức sự đoàn kết của Liên minh châu Âu vốn đang bị lung lay sau khi Anh quyết định dọn khỏi ngôi nhà chung châu Âu. Hungary hôm 5-7 tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 2-10 tới về việc người dân nước này có chấp nhận việc EU áp đặt hạn ngạch người tị nạn mà không tham vấn với chính phủ Hungary hay không. Quyết định này diễn ra sau khi EU bắt đầu thảo luận các quy tắc tị nạn, buộc các nước thành viên phải chấp nhận hạn ngạch phân bổ người tị nạn.
Với những tác động từ cuộc bỏ phiếu của nước Anh, giới quan sát cho rằng cuộc trưng cầu ý dân tại Hungary với trung tâm là vấn đề di cư có thể là dấu hiệu khởi đầu cho một chiến dịch Hexit (Hungary ra khỏi EU).
Các nhà lãnh đạo EU đang đau đầu giải quyết những hậu quả Brexit khi nó đang tạo ra một hiệu ứng lan truyền khắp châu Âu với nhiều khu vực khác ở Pháp, Tây Ban Nha… rục rịch lên tiếng đòi phát động phong trào ly khai khỏi nước mẹ và EU. Cuộc khủng hoảng di cư mà châu Âu đang đối mặt không được giải quyết sẽ tiếp tục làm trầm trọng thêm những vấn đề có thể đặt EU đứng trước nguy cơ tan rã.
2. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon ngày 7-7 phát biểu bày tỏ lo ngại về tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời khẳng định đàm phán là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề tại cuộc họp báo sau hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ở thủ đô Bắc Kinh.
Tổng Thư ký LHQ đã thảo luận với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc về tình hình bán đảo Triều Tiên - vấn đề mà ông cho rằng vẫn là một mối lo ngại lớn trong khu vực và trên toàn cầu. Tổng Thư ký LHQ kêu gọi Triều Tiên ngừng các hành động khiêu khích, đồng thời các nước liên quan cần gia tăng nỗ lực giúp giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Ông Ban Ki-moon nhấn mạnh điều quan trọng là phải duy trì đàm phán để bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân, và với cương vị là người lãnh đạo LHQ, ông sẵn sàng góp phần cải thiện mối quan hệ và nối lại các cuộc đàm phán giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng phản đối việc sử dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương chống Triều Tiên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra tuyên bố phản đối tại một cuộc họp báo thường kỳ, sau khi Mỹ ngày 6-7 công bố áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng một số quan chức cấp cao nước này với các cáo buộc liên quan nhân quyền. Đây là lần đầu tiên Mỹ áp đặt trừng phạt đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Trung Quốc tán thành những biện pháp trừng phạt cứng rắn của LHQ áp đặt với Triều Tiên liên quan vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng, song đã phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương trước đây của Mỹ.
P.V