Chỉ thị tăng cường an toàn giao thông đường thủy nội địa
Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 23/CT-TTg chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương liên quan tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới.
Chỉ thị nêu rõ, từ năm 2011 đến năm 2014, tai nạn giao thông đường thủy giảm liên tục cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, năm 2015, số vụ tai nạn giao thông đường thủy tăng 21,77%, số người chết tăng 20,34%, số người bị thương tăng 44,44% so với năm 2014. 6 tháng đầu năm 2016, tai nạn giao thông đường thủy tuy có giảm về số vụ, số người chết và số người bị thương, nhưng liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giữa phương tiện thủy với cầu vượt sông, gây thiệt hại lớn về tài sản. Bên cạnh đó, vấn nạn khai thác cát, sỏi trái phép làm biến đổi dòng chảy, gây sạt lở bờ sông, tình trạng vi phạm pháp luật về đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy, điều kiện của thuyền viên, cảng, bến không phép, không đảm bảo điều kiện an toàn... vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Phấn đấu giảm sâu tai nạn giao thông đường thủy
Để tiếp tục ngăn ngừa tai nạn giao thông đường thủy, bảo đảm an toàn cho người, phương tiện giao thông và công trình kết cấu hạ tầng giao thông trên sông và vùng nước đường thủy nội địa khu vực ven biển, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm nhằm kéo giảm sâu tai nạn giao thông đường thủy 6 tháng cuối năm để bảo đảm mức giảm chung của cả năm 2016 từ 5% đến 10%.
Đồng thời, tiến hành tổng điều tra phương tiện thủy nội địa và thuyền viên, người lái phương tiện, đơn vị kinh doanh vận tải đường thủy, hoàn thành trong năm 2017; đổi mới mô hình nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa; chỉ đạo tổng kiểm tra các cầu, đường dây tải điện, đường ống vượt sông; có giải pháp khắc phục đối với những công trình không phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật tuyến đường thủy nội địa.
Cấm phương tiện xuất bến khi chở quá tải
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các lực lượng chức năng của Bộ phối hợp với các lực lượng chức năng của ngành Công an thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa; trong đó, tập trung kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về phương tiện, thuyền viên và người lái, tải trọng phương tiện, kết cấu hạ tầng; nghiêm cấm phương tiện xuất bến khi vi phạm chở quá tải trọng, quá số người và thiếu các phương tiện cứu sinh cho hành khách theo quy định; phối hợp với các địa phương đình chỉ hoạt động các cảng, bến thủy nội địa, công trình trên sông không phép, không đủ điều kiện an toàn, vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông đường thủy nội địa.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo kiểm tra điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các phương tiện thủy nội địa, nhất là các phương tiện chở khách, tàu lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi, tàu hoạt động từ bờ ra đảo, giữa các đảo; tăng cường phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông trong tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các phương tiện không đăng kiểm hoặc hết hạn đăng kiểm.
Khắc phục "điểm đen" tai nạn giao thông
Cùng với đó, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Công an các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Giao thông vận tải tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa là nguyên nhân trực tiếp gây mất an toàn như phương tiện chở quá tải, quá số người quy định, không đăng ký, đăng kiểm; người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định...; phát hiện và khắc phục dứt điểm các "điểm đen" tai nạn giao thông đường thủy; chỉ đạo làm rõ nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông đường thủy đặc biệt nghiêm trọng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc ngoài việc thực hiện công tác bảo đảm an toàn đối với thuyền viên và tàu cá đánh bắt thủy sản như đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá...; việc đào tạo, cấp chứng chỉ chuyên môn cho người điều khiển phương tiện khai thác thủy sản cần bồi dưỡng kiến thức Luật giao thông đường thủy nội địa khi tàu cá hoạt động trong vùng nước thủy nội địa.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo UBND cấp huyện, xã phối hợp với Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông vận tải, các cơ quan liên quan tăng cường công tác quản lý, kiểm tra hoạt động bến khách ngang sông trên địa bàn; kiên quyết đình chỉ hoạt động nếu vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn; Chủ tịch UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tai nạn đối với vận tải hành khách ngang sông trên địa bàn quản lý.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học vận động các tổ chức, cá nhân trang bị đủ cặp phao, áo phao, dụng cụ nổi cho học sinh thường xuyên đi học bằng phương tiện thủy; đưa việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông là một tiêu chí đánh giá đạo đức của học sinh.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa và Cuộc vận động xây dựng phong trào "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước".
Kiểm tra thông tin UBND xã "ỉm" sổ đỏ của dân
Tại văn bản 5525/VPCP-TTĐT ngày 5/7/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND thành phố Hải Phòng khẩn trương kiểm tra, làm rõ vấn đề báo chí phản ánh về việc UBND xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng giữ sổ đỏ của 150 hộ dân suốt 19 năm mà không có lý do.
Trước đó, ngày 29/6 và sáng ngày 4/7/2016, Đài Truyền hình Việt Nam phát phóng sự phản ánh việc UBND xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng giữ sổ đỏ của 150 hộ dân suốt 19 năm mà không có lý do, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Về việc này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND thành phố Hải Phòng khẩn trương kiểm tra, làm rõ vấn đề báo chí phản ánh, xử lý nghiêm sai phạm (nếu có), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 16/7/2016.
Tạm dừng ký ban hành 7 Nghị định
Thủ tướng Chính phủ đồng ý tạm dừng việc ký ban hành 7 Nghị định quy định chi tiết Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam.
Cụ thể, tạm dừng việc ký ban hành 7 Nghị định gồm:
- Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền phải nộp để bảo đảm thi hành án; việc tạm giữ, hoàn trả, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã nộp.
- Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản.
- Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết việc niêm phong, mở niêm phong vật chứng.
- Nghị định của Chính phủ quy định chế độ báo cáo về điều tra hình sự.
- Nghị định của Chính phủ quy định về đồn biên phòng thuộc vùng sâu, vùng xa.
- Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam.
- Nghị định của Chính phủ quy định xây dựng, thu nhập, lưu giữ, xử lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam.
Trước đó, Quốc hội đã có Nghị quyết quy định lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam từ ngày 1/7/2016 đến ngày Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự có hiệu lực thi hành, trừ một số quy định có lợi cho người phạm tội.
Phê duyệt Hiệp định miễn thị thực Việt Nam - Síp
Chính phủ vừa phê duyệt Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Síp được ký chính thức ngày 11/9/2015.
Bộ ngoại giao hoàn tất thủ tục đối ngoại theo quy định và thông báo cho các cơ quan có liên quan biết ngày có hiệu lực của Hiệp định.
Trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc tại Cộng hòa Síp từ ngày 11-12/9/2015, Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Síp Ioannis Kasoulides và Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã ký Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Síp.
Hai bên cũng nhất trí tăng cường trao đổi đoàn ở các cấp; nỗ lực thúc đẩy đưa hợp tác thương mại và đầu tư trở thành điểm nhấn trong quan hệ song phương; thống nhất triển khai một số biện pháp cụ thể để khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai nước tăng cường tiếp xúc, trao đổi kinh nghiệm, kết nối đối tác, đặc biệt là trong những lĩnh vực Cộng hòa Síp có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như cung ứng lực lượng lao động, thương mại, dịch vụ du lịch, chế biến lâm sản…
Nhân sự UBND 6 tỉnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa quyết định phê chuẩn nhân sự UBND 6 tỉnh: Lào Cai, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bắc Kạn, Nam Định nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Đối với tỉnh Lào Cai, tại Quyết định 1259/QĐ-TTg, Thủ tướng phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Đặng Xuân Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nhiệm kỳ 2011- 2016.
Tại Quyết định 1260/QĐ-TTg, Thủ tướng phê chuẩn kết quả bầu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với: Ông Nguyễn Thanh Dương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nhiệm kỳ 2011- 2016; ông Nguyễn Hữu Thể, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nhiệm kỳ 2011- 2016; ông Lê Ngọc Hưng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nhiệm kỳ 2011- 2016; ông Đặng Xuân Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nhiệm kỳ 2011-2016.
Đối với tỉnh Long An, Thủ tướng đã ký Quyết định 1261/QĐ-TTg phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch UBND tỉnh Long An nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Trần Văn Cần, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Long An.
Thủ tướng cũng có Quyết định 1262/QĐ-TTg phê chuẩn kết quả bầu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với: Ông Lê Tấn Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An nhiệm kỳ 2011 - 2016; ông Nguyễn Văn Được, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An nhiệm kỳ 2011 - 2016; ông Nguyễn Văn Liên, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An nhiệm kỳ 2011 - 2016; ông Phạm Văn Cảnh, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An.
Đối với tỉnh Đồng Tháp, tại Quyết định 1253/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Nguyễn Văn Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhiệm kỳ 2011- 2016.
Đồng thời, tại Quyết định 1254/QĐ-TTg, Thủ tướng phê chuẩn kết quả bầu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với: Ông Nguyễn Thanh Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhiệm kỳ 2011- 2016; ông Châu Hồng Phúc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhiệm kỳ 2011- 2016; ông Đoàn Tấn Bửu, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp.
Còn với tỉnh Tiền Giang, tại Quyết định 1255/QĐ-TTg, Thủ tướng quyết định phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Lê Văn Hưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ 2011- 2016.
Tại Quyết định 1256/QĐ-TTg, Thủ tướng cũng phê chuẩn kết quả bầu Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với: Ông Lê Văn Nghĩa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ 2011- 2016; ông Trần Thanh Đức, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ 2011- 2016; ông Phạm Anh Tuấn, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ 2011-2016.
Đối với tỉnh Bắc Kạn, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1258/QĐ-TTg phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Lý Thái Hải, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn nhiệm kỳ 2011-2016.
Với tỉnh Nam Định, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1251/QĐ-TTg phê chuẩn kết quả bầu Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 đối với: Ông Ngô Gia Tự, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định nhiệm kỳ 2011-2016; ông Trần Lê Đoài, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định nhiệm kỳ 2011-2016; ông Bạch Ngọc Chiến, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định nhiệm kỳ 2011-2016; ông Nguyễn Phùng Hoan, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định nhiệm kỳ 2011-2016.
Lập Hội đồng thẩm định Dự án xây dựng Trung tâm KH&CN hạt nhân
Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm Chủ tịch Hội đồng.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung làm Phó Chủ tịch Hội đồng.
Các ủy viên gồm lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Công Thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; lãnh đạo UBND các tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng.
Hội đồng thẩm định có nhiệm vụ tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân theo quy định tại Luật Đầu tư công, Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công và pháp luật có liên quan.
Trách nhiệm của Hội đồng thẩm định; Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các uỷ viên Hội đồng theo quy định tại Điều 65, Điều 66 Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định. Hội đồng tự giải tán sau khi kết thúc nhiệm vụ.
Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan được giao chuẩn bị đầu tư Dự án có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ liên quan đến quá trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, thanh toán chi phí thẩm định theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định.
Kiểm tra việc chấp hành bảo vệ môi trường của Nhà máy giấy Lee&Man
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 5510/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về Dự án nhà máy giấy Lee&Man của Công ty TNHH Lee&Man tại Cụm công nghiệp Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, cùng UBND tỉnh Hậu Giang khẩn trương kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường một cách nghiêm túc đúng quy định của pháp luật đối với Dự án nhà máy giấy Lee&Man của Công ty TNHH Lee&Man tại Cụm công nghiệp Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, bảo đảm ngăn chặn, chủ động phòng tránh có hiệu quả việc ô nhiễm môi trường có thể xảy ra do hoạt động của nhà máy giấy, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ và chịu trách nhiệm về vấn đề này.
Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, xử lý kiến nghị của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam về Dự án nhà máy giấy Lee&Man nêu trên, có văn bản trả lời cho Hiệp hội.
Việt Nam đăng cai tổ chức Diễn đàn du lịch ASEAN
Tại văn bản 5492/VPCP-QHQT ngày 5/7/2016, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đăng cai tổ chức Diễn đàn Du lịch ASEAN vào năm 2019.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Đề án chi tiết, trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Quyết định số 76/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức, quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam.
ADB hỗ trợ khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh vừa có ý kiến chỉ đạo về việc tiếp nhận khoản hỗ trợ khẩn cấp của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.
Phó Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định chủ trương đầu tư khoản hỗ trợ nêu trên theo đúng quy định tại khoản 4, Điều 12 Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan khẩn trương tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định để sớm tiếp nhận khoản hỗ trợ trên.
Nguồn Văn phòng Chính phủ