Dành hơn 397,7 tỷ đồng tặng quà cho người có công
Thủ tướng Chính phủ đồng ý ủy quyền Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chủ tịch nước xem xét tặng quà cho đối tượng người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 69 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2016).
Mức quà tặng theo phương án trình Chủ tịch nước được chia thành 2 loại: 400.000 đồng và 200.000 đồng.
Theo đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mức quà 400.000 đồng để tặng quà cho các đối tượng sau:
+ Bà mẹ Việt Nam anh hùng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng;
+ Thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hàng tháng; thân nhân hai liệt sĩ trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng;
+ Thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật từ 81% trở lên (bao gồm cả những thương binh loại B được công nhận từ trước ngày 31 tháng 12 năm 1993) đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng;
+ Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.
- Mức quà 200.000 đồng để tặng cho thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật từ 80% trở xuống (bao gồm cả những thương binh loại B được công nhận từ trước ngày 31 tháng 12 năm 1993) đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động; đại diện thân nhân chủ yếu của liệt sĩ (bố, mẹ; vợ, chồng; con; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ); đại diện gia đình thờ cúng liệt sĩ (anh, em, người được họ tộc ủy nhiệm việc thờ cúng liệt sĩ); người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 80% trở xuống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.
Tổng kinh phí để tặng quà cho đối tượng người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 69 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2016) là hơn 397,7 tỷ đồng. Khoản kinh phí này đã được bố trí trong kế hoạch Ngân sách Nhà nước năm 2016.
Phê duyệt thành viên BCĐ cải cách hành chính của Chính phủ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt danh sách thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ. Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình làm Trưởng Ban Chỉ đạo.
2 Phó Trưởng Ban Chỉ đạo là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân (Phó Trưởng ban thường trực) và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa.
Ban Chỉ đạo có 27 Ủy viên là lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan: Bộ Tư pháp; Bộ Tài chính; Văn phòng Chính phủ; Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Ngoại giao; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế; Bộ Công Thương; Bộ Xây dựng; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thanh tra Chính phủ; Ủy ban dân tộc; Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam; Thông tấn xã Việt Nam; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Bộ Nội vụ.
Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính theo chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của Chính phủ.
Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo là nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách và giải pháp quan trọng để đẩy mạnh công tác cải cách hành chính của Chính phủ; cho ý kiến về chương trình, kế hoạch cải cách hành chính dài hạn và hằng năm do Bộ Nội vụ trình Chính phủ.
Ban Chỉ đạo giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính; xem xét nội dung các đề án, dự án quan trọng về cải cách hành chính của Chính phủ, các dự thảo nghị quyết, nghị định của Chính phủ, quyết định và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ có nội dung chủ yếu liên quan đến cải cách hành chính trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Đồng thời, Ban Chỉ đạo giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của Chính phủ; các nghị định, nghị quyết của Chính phủ, quyết định và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác cải cách hành chính; giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác cải cách hành chính.
Quy chế làm việc Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định 1084/QĐ-TTg ban hành Quy chế làm việc của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia.
Theo đó, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia (Hội đồng) có chức năng nghiên cứu, tư vấn cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về những chủ trương, chính sách, đề án lớn và những vấn đề quan trọng khác trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ ở tầm vĩ mô của nền kinh tế quốc dân.
Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tư vấn. Ý kiến tư vấn của Hội đồng được thảo luận tập thể và do chủ tọa cuộc họp kết luận. Người chủ tọa và kết luận tại cuộc họp Hội đồng là Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch được Chủ tịch Hội đồng ủy quyền.
Những vấn đề quan trọng về tài chính, tiền tệ quốc gia có thể tác động lớn đến quốc phòng, an ninh và kinh tế - xã hội thì thành phần mời họp Hội đồng do Thường trực Hội đồng đề xuất và Chủ tịch Hội đồng quyết định.
Đối với những đề án lớn, phức tạp, Hội đồng tổ chức việc tham khảo ý kiến các chuyên gia, các doanh nhân, các nhà khoa học,… trước khi đưa ra Hội đồng họp thảo luận.
Hội đồng họp định kỳ mỗi quý một lần vào tháng cuối quý. Trường hợp cần thiết theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ hoặc Chủ tịch Hội đồng, Hội đồng sẽ tiến hành họp đột xuất. Ngoài việc tổ chức thảo luận tập trung để các thành viên cho ý kiến trực tiếp tại các cuộc họp Hội đồng, Hội đồng có thể lấy ý kiến tham gia của thành viên bằng văn bản.
Cơ cấu thành viên
Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Hội đồng. Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo cấp bộ một số bộ, ngành liên quan tham gia Hội đồng.
Các Ủy viên là lãnh đạo cấp bộ của một số bộ, ngành liên quan và một số chuyên gia am hiểu sâu về lĩnh vực tài chính, tiền tệ.
Tổ Thư ký giúp việc Hội đồng gồm: Tổ trưởng là lãnh đạo Văn phòng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; các tổ phó và tổ viên gồm cán bộ của một số bộ, ngành liên quan tham gia Hội đồng.
Các thành viên Hội đồng và Tổ Thư ký giúp việc làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Nhân sự cụ thể do Thường trực Hội đồng đề xuất, Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Điều chỉnh quy hoạch các KCN tỉnh Hưng Yên
Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Hưng Yên đến năm 2020.
Cụ thể, đưa ra khỏi quy hoạch 3 KCN với tổng diện tích 700 ha gồm các KCN: Bãi Sậy (150 ha), Dân Tiến (150 ha), Thổ Hoàng (400 ha); giữ nguyên diện tích 3 KCN gồm: Kim Động 100ha và Lý Thường Kiệt 300 ha, Tân Dân 200 ha.
Điều chỉnh tăng diện tích KCN Phố Nối A từ 594 ha lên 596,44 ha; điều chỉnh giảm diện tích KCN Phố Nối B từ 480,94 ha xuống 467,01 ha và đổi tên, tách thành 2 KCN, gồm: KCN Dệt may Phố Nối (121,81 ha) và KCN Thăng Long (345,2 ha); điều chỉnh giảm diện tích 5 KCN gồm: Minh Đức từ 200 ha xuống 198 ha, Vĩnh Khúc từ 380 ha xuống 180 ha, Yên Mỹ II từ 230 ha xuống 190 ha, Ngọc Long từ 150 ha xuống 100 ha, Minh Quang từ 350 ha xuống 150 ha.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) chủ đầu tư 2 KCN Tân Dân và Lý Thường Kiệt huy động các nguồn lực để triển khai xây dựng, phát triển các KCN nêu trên bảo đảm hiệu quả, đúng quy định; tiếp thu ý kiến của các Bộ, thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cho phù hợp; tổ chức thực hiện quy hoạch đã được duyệt.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng quy hoạch chi tiết, thực hiện thủ tục đầu tư, thành lập khu công nghiệp theo từng giai đoạn phù hợp với khả năng thu hút đầu tư trên cơ sở tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng nhà ở công nhân và các công trình phúc lợi xã hội tại các khu công nghiệp để đảm bảo điều kiện sống, làm việc của người lao động.
Chuẩn bị Hội nghị toàn quốc về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình về việc chuẩn bị Hội nghị toàn quốc về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Phó Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an và các cơ quan có liên quan chuẩn bị kỹ nội dung, xác định quy mô, hình thức tổ chức hội nghị về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cần đánh giá đầy đủ, toàn diện tình hình khiếu nại, tố cáo và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo từ sau hội nghị trực truyến toàn quốc về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày 2/5/2012 đến nay, nhất là việc thực hiện các giải pháp đã đề ra, kiến nghị các giải pháp cụ thể, sát thực tế, khả thi nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm an ninh, trật tự, quyền khiếu nại, tố cáo của công dân.
Phó Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ chuẩn bị báo cáo chung về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; Bộ Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị báo cáo chuyên đề về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai.
Bộ Công an chuẩn bị báo cáo chuyên đề về công tác bảo đảm an ninh, trật tự liên quan đến khiếu nại, tố cáo.
Tập trung thực hiện tái cơ cấu và xử lý nợ xấu
Trong Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Phát triển Việt Nam tiếp tục, tập trung thực hiện tái cơ cấu và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016–2020.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Ngân hàng Phát triển Việt Nam cần tiếp tục, tập trung thực hiện tái cơ cấu và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016–2020 theo Chiến lược phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 369/QĐ-TTg ngày 28/2/2013 và Đề án xử lý nợ xấu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2619/QĐ-TTg ngày 31/12/2013. Trường hợp có khó khăn vướng mắc, kịp thời đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền biện pháp xử lý phù hợp.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ ngành liên quan tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, bố trí cấp đủ vốn điều lệ theo các giai đoạn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, chi phí cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý còn thiếu đến hết năm 2015 và của năm 2016 để đảm bảo đủ nguồn lực tài chính cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Đồng thời, Bộ Tài chính nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, sớm hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp ngày 3/6/2016.
Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông
Trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải phải đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực cho đầu tư hạ tầng giao thông, khắc phục những bất hợp lý trong cơ cấu các loại hình đường giao thông; kết nối hài hòa giữa các vùng miền, khu vực và quốc tế.
Đây là một trong những nhiệm vụ được nêu tại Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) và BT giai đoạn 2011-2015 do Bộ Giao thông vận tải quản lý.
Để đạt được mục tiêu trên, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp tục rà soát chiến lược, quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông, gắn với đề án tái cấu trúc Ngành, hướng tới phát triển hài hòa các phương thức vận tải; chủ trì xây dựng, đề xuất các dự án ưu tiên đầu tư theo hình thức PPP trong tất cả các lĩnh vực (đường bộ, đường sắt, cảng biển, hàng không, đường thủy nội địa); định hướng lập các trạm thu phí, khắc phục các hạn chế như thời gian qua.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề xuất cơ chế, chính sách huy động nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông theo hình thức PPP, trong đó đẩy mạnh thu hút vốn của nhà đầu tư nước ngoài.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, tăng cường kiểm soát nhà nước về đầu tư xây dựng. Các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT cần được kiểm soát chặt chẽ trong tất cả các giai đoạn: chuẩn bị đầu tư, khảo sát thiết kế, lập và phê duyệt dự án, tổ chức thi công, nghiệm thu... theo đúng quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, trên nguyên tắc đảm bảo lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng; xác định đúng tổng mức đầu tư và minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu.
Bộ Giao thông vận tải tiếp tục rà soát các dự án BOT đã và đang thực hiện để có điều chỉnh kịp thời; công khai thông tin dự án để các cơ quan quản lý nhà nước và nhân dân giám sát.
Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra theo quy định về thủ tục đầu tư, khối lượng, chất lượng xây dựng, thực hiện thu phí..., kiến nghị xử lý khắc phục nếu có sai phạm.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính rà soát, điều chỉnh mức phí đường bộ, phí BOT theo Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; kịp thời ban hành các thông tư hướng dẫn quản lý về giá phí sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông đầu tư theo hình thức PPP khi Luật Giá có hiệu lực; hướng dẫn và quyết toán các hợp đồng BOT, quản lý doanh thu bảo đảm chặt chẽ, tránh thất thu thuế; hướng dẫn việc giải ngân phần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp dự án tham gia đầu tư vào dự án, bảo đảm quản lý chặt chẽ việc góp vốn theo đúng quy định.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục phối hợp với các Bộ, nghiên cứu giải pháp để huy động và quản lý chặt chẽ nguồn vốn tín dụng đầu tư hạ tầng; chỉ đạo các ngân hàng thương mại thẩm định chặt chẽ các dự án BOT trước khi cho vay và có giải pháp quản lý hiệu quả nguồn vốn cho vay.
UBND các tỉnh, thành phố nghiên cứu kỹ tác động của các dự án BOT đến phát triển kinh tế, xã hội của địa phương trước khi thống nhất chủ trương đầu tư và lập trạm thu phí; phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải và các nhà đầu tư trong thực hiện giải phóng mặt bằng, bảo đảm tiến độ triển khai các dự án.
Phó Thủ tướng yêu cầu các nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng; sớm thực hiện thu phí tự động không dừng, bảo đảm minh bạch số liệu thu phí, giảm ùn tắc giao thông.
Văn phòng Chính phủ