Gợi ý giải đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2016- 2017

KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT
Khóa ngày 14 tháng 6 năm 2016 tại Ninh Thuận
Môn thi : NGỮ VĂN
Thời gian: 120 phút (Không kể thời gian phát đề)

ĐỀ CHÍNH THỨC
(Đề thi gồm 01 trang)

I. ĐỌC HIỂU VĂN BẢN (3,0 điểm):

Đọc đoạn văn sau đây rồi trả lời câu hỏi từ câu 1 đến câu 4:

(…) “ Đọc sách vốn có lợi ích cho riêng mình, đọc nhiều không thể coi là một vinh dự, đọc ít cũng không phải là xấu hổ. Đọc ít mà đọc kĩ, thì sẽ tập thành nếp suy nghĩ sâu xa, trầm ngâm tích lũy, tưởng tượng tự do đến mức thay đổi khí chất; đọc nhiều mà không chịu nghĩ sâu, như cưỡi ngựa qua chợ, tuy châu báu phơi đầy, chỉ tổ làm cho mắt hoa ý loạn, tay không mà về. Thế gian có biết bao người đọc sách chỉ để trang trí bộ mặt, như kẻ trọc phú khoe của chỉ biết lấy nhiều làm quý. Đối với việc học tập, cách đó chỉ là lừa mình dối người, đối với việc làm người thì cách đó thể hiện phẩm chất tầm thường, thấp kém” (…)

(Trích “Bàn về đọc sách” – Chu Quang Tiềm, Ngữ văn 9, tập 2, NXBGDVN, 2015)

Câu 1 (0,5 điểm): Nêu phương thức biểu đạt của đoạn trích trên.

Câu 2 (0,75 điểm): “đọc nhiều mà không chịu nghĩ sâu”, từ “sâu” ở đây là từ loại gì? Nó có nghĩa là gì?

Câu 3 (0,5 điểm): Xác định thái độ của tác giả được gửi gắm vào câu văn “Thế gian có biết bao người đọc sách chỉ để trang trí bộ mặt, như kẻ trọc phú khoe của chỉ biết lấy nhiều làm quý”.

Câu 4 (1,25 điểm): Em đọc sách ở mức độ nào? Em có đồng ý với ý kiến sau: “Sách luôn có ích cho con người” ? Vì sao?

II. TẠO LẬP VĂN BẢN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm):

Em có suy nghĩ gì về nhận định sau: “ Học sinh trung học cơ sở hiện nay ở nước ta đa phần chỉ thích đọc truyện tranh” ? Theo em loại sách nào mà học sinh trung học cơ sở nên đọc? Vì sao?

Viết một đoạn văn khoảng 200 từ để trình bày quan điểm của em về nội dung đã nêu ở trên.

Câu 2 (5,0 điểm):

(…) “Ta hát bài ca gọi cá vào,

Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao.

Biển cho ta cá như lòng mẹ

Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.

Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng,

Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng.

Vẩy bạc đuôi vàng loé rạng đông,

Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.” (…)

(Trích “Đoàn thuyền đánh cá” Huy Cận, Ngữ văn 9, tập 1, NXBGDVN, 2015)

Trình bày cảm nhận của em về hai khổ thơ trên. Từ đó hãy bàn về vấn đề con người với môi trường và tài nguyên biển Việt Nam hiện nay.

---Hết---

BÀI GỢI Ý
(Tham khảo)

Câu 1 (0,5 điểm): Phương thức biểu đạt của đoạn trích: Nghị luận .

Câu 2 (0,75 điểm): “đọc nhiều mà không chịu nghĩ sâu”, từ “sâu” ở đây là tính từ. “Sâu” có nghĩa là: sâu sắc, sâu rộng.

Câu 3 (0,5 điểm): Xác định thái độ của tác giả được gửi gắm vào câu văn “Thế gian có biết bao người đọc sách chỉ để trang trí bộ mặt, như kẻ trọc phú khoe của chỉ biết lấy nhiều làm quý”:

Thái độ phê phán những người đọc sách chỉ để trang trí bộ mặt, đọc sách chỉ biết đọc số lượng mà không chú trọng vào chất lượng của sách.

Câu 4 (1,25 điểm): Em đọc sách ở mức độ nào? Em có đồng ý với ý kiến sau: “Sách luôn có ích cho con người” ? Vì sao?

- Học sinh chỉ ra mức độ đọc sách của bản thân: đọc thường xuyên, mọi lúc mọi nơi hoặc thỉnh thoảng đọc sách…

- Học sinh đồng ý với ý kiến “Sách luôn có ích cho con người”. Vì: Đọc sách giúp cho em có được vốn kiến thức sâu rộng; Đọc sách giúp tăng cường khả năng giao tiếp; Đọc sách giúp rèn luyện năng lực tưởng tượng, liên tưởng, sáng tạo; Đọc sách giúp rèn luyện năng lực ngôn ngữ; Đọc sách giúp sống tốt hơn…

(Học sinh có thể lập luận theo nhiều cách khác nhau nhưng phải bám sát yêu cầu của đề ra)

II. TẠO LẬP VĂN BẢN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm):

Em có suy nghĩ gì về nhận định sau: “ Học sinh trung học cơ sở hiện nay ở nước ta đa phần chỉ thích đọc truyện tranh” ? Theo em loại sách nào mà học sinh trung học cơ sở nên đọc? Vì sao?

Viết một đoạn văn khoảng 200 từ để trình bày quan điểm của em về nội dung đã nêu ở trên.

a.Yêu cầu về kĩ năng

- Viết một đoạn văn khoảng 200 từ để bày tỏ quan điểm của em về việc học sinh trung học cơ sở hiện nay ở nước ta đa phần chỉ thích đọc truyện tranh. Các loại sách nào mà học sinh trung học cơ sở nên đọc.

- Đoạn văn phải chặt chẽ, hợp lí, không mắc lỗi diễn đạt về chính tả, dùng từ, đặt câu.

b.Yêu cầu về kiến thức

Học sinh có thể viết theo nhiều cách khác nhau miễn là làm sáng tỏ vấn đề, thuyết phục người đọc. Sau đây là một số gợi ý:

- Nêu được vấn đề nghị luận: Học sinh trung học cơ sở hiện nay ở nước ta đa phần chỉ thích đọc truyện tranh. Các loại sách học sinh trung học cơ sở nên đọc.

- Thể hiện quan điểm của bản thân:

+ Nêu tác hại của việc học sinh chỉ thích đọc truyện tranh.

+ Chỉ ra các loại sách nên đọc như: sách dạy làm người, sách kỹ năng sống, các loại thiên về các môn khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội, các loại sách tham khảo phục vụ học tập…

+ Học sinh trung học cơ sở nên đọc các loại sách trên vì: Sách cung cấp thông tin, tri thức mọi mặt; Bồi dưỡng giáo dục, nâng cao khiếu thẩm mĩ; Giáo dục đạo đức, tình cảm, hoàn thiện bản thân; Giúp học sinh học tập tốt hơn…

Câu 2 (5,0 điểm):

(…) “Ta hát bài ca gọi cá vào,

Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao.

Biển cho ta cá như lòng mẹ

Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.

Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng,

Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng.

Vẩy bạc đuôi vàng loé rạng đông,

Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.” (…)

(Trích “Đoàn thuyền đánh cá” Huy Cận, Ngữ văn 9, tập 1, NXBGDVN, 2015)

Trình bày cảm nhận của em về hai khổ thơ trên. Từ đó hãy bàn về vấn đề con người với môi trường và tài nguyên biển Việt Nam hiện nay.

1. Yêu cầu về kĩ năng:

Biết cách làm bài văn nghị luận văn học, vận dụng khả năng đọc - hiểu để phát biểu cảm nhận về đoạn thơ trữ tình. Kết cấu chặt chẽ, hành văn trôi chảy, lưu loát, không mắc lỗi dùng từ, ngữ pháp, chính tả…

2.Yêu cầu về kiến thức:

Trên cơ sở hiểu biết về tác giả Huy Cận và bài thơ Đoàn thuyền đánh cá, học sinh có thể làm bài làm theo nhiều cách khác nhau, sau đây là một số gợi ý:

a. Giới thiệu vấn đề nghị luận:

- Giữa năm 1958, Huy Cận có chuyến đi thực tế dài ngày ở vùng mỏ Quảng Ninh. Từ chuyến đi thực tế này, hồn thơ Huy Cận mới thực sự nảy nở trở lại và dồi dào trong cảm hứng về thiên nhiên đất nước, về lao động và niềm vui trước cuộc sống mới. Bài Đoàn thuyền đánh cá được sáng tác trong thời gian này.

- Bài thơ đã khắc họa hình ảnh đẹp tráng lệ, thể hiện sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người lao động, bộc lộ niềm vui, niềm tự hào của nhà thơ trước đất nước và cuộc sống. Đoạn thơ được xem là đoạn tiêu biểu nhất của bài thơ.

b. Cảm nhận của em về hai khổ thơ:

* Về nội dung:

- Bài hát gõ thuyền gọi cá đã vang lên trên sóng biển. Thiên nhiên quá đẹp làm cho con người thêm hào hứng nhiệt tình say mê lao động, thiên nhiên như cũng sẵn sàng hòa đồng, thâm nhập theo. Công việc lao động trên biển nguy hiểm, nặng nhọc cũng đã trở thành bài ca nhịp nhàng hòa điệu giữa con người và vũ trụ.

- Cảnh buông lưới, chờ đợi, ngắm biển đêm, cảnh kéo lưới đều được tác giả hình dung đầy chất thơ. Riêng cảnh kéo lưới đã được tả khái quát sát thực và cụ thể bằng hình ảnh kéo xoăn tay chùm cá nặng. Kéo hết sức, liền tay, liên tục để cá không thể thoát được. Những con cá to, nhỏ mặc lưới, dính sát nhau như những chùm quả nặng trĩu từ dưới biển sâu đổ xuống khoang thuyền. Cứ kéo như thế suốt ngày đêm, cho đến lúc sao mờ, trời lặn. Trời vừa sáng thì lưới cá cũng vừa kéo hết lên thuyền.

- Hình ảnh vẩy bạc, đuôi vàng lóe rạng đông là hình ảnh lãng mạn - ẩn dụ nhưng cũng xuất phát từ thực tế qua tưởng tượng của nhà thơ: trong ánh nắng ban mai rực rỡ tinh khiết, hiện lên hàng nghìn, hàng vạn con cá lấp lánh vẩy bạc, đuôi vàng xếp ăm ắp trên những con thuyền trĩu nặng.

* Nghệ thuật:

- Nét nổi bật là sự kết hợp giữa bút pháp hiện thực và lãng mạn. Chính bút pháp lãng mạn với cảm hứng say sưa, bay bổng, với các thủ pháp khoa trương, phóng đại về hình ảnh con người, vũ trụ... đã tạo nên vẻ đẹp độc đáo của đoạn thơ cũng như bài thơ này.

- Sự sáng tạo trong việc sử dụng hình ảnh thơ: vừa kỳ vĩ, vừa lung linh, huyền ảo, được tạo nên bởi trí tưởng tượng bay bổng và những liên tưởng phong phú, bất ngờ.

- Âm hưởng, giọng điệu trong đoạn thơ vừa sôi nổi, khỏe khoắn vừa bay bổng, nhịp thơ biến hóa linh hoạt...

* Đánh giá chung:

Đây là đoạn thơ đặc sắc của bài thơ Đoàn thuyền đánh cá, kết tinh vẻ đẹp, thể hiện giá trị nội dung và nghệ thuật của toàn bài thơ, góp phần khiến cho bài thơ trở thành khúc tráng ca khỏe khoắn, say sưa, bay bổng ngợi ca vẻ đẹp của con người lao động mới, cuộc sống mới động thời thể hiện sự biến chuyển về tư tưởng, tình cảm trong thơ Huy Cận.

c. Bàn về vấn đề con người với môi trường và tài nguyên biển Việt Nam hiện nay.

- Vai trò của môi trường và tài nguyên biển đối với con người.

- Vấn đề bảo vệ môi trường và tài nguyên biển hiện nay.

- Cảm xúc của bản thân về môi trường và tài nguyên biển Việt Nam hiện nay.

d. Khái quát và khẳng định lại vấn đề.