1. Pháp vừa chủ trì Hội nghị quốc tế về hòa bình Trung Đông với sự tham dự của đại diện 28 quốc gia, Liên hiệp quốc, Liên đoàn Arập (AL) và Liên hiệp châu Âu (EU) nhằm đánh thức những nỗ lực thúc đẩy đàm phán giữa Israel và Palestine sau các nỗ lực trung gian hòa giải của Mỹ “dậm chân tại chỗ” suốt hai năm qua.
Kể từ khi nỗ lực trung gian của Mỹ sụp đổ hồi tháng 4-2014, các cuộc đàm phán rơi vào bế tắc, xung đột và bạo lực tiếp tục xảy ra hằng ngày trên các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine. Sáng kiến của Pháp nhằm nhắc nhở cộng đồng quốc tế rằng, vẫn có một điểm nóng xung đột kéo dài hơn 50 năm qua. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Marc Ayrault cảnh báo, khoảng trống ngoại giao khiến triển vọng về một giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel-Palestine đang lâm nguy và thế giới không thể đứng nhìn cuộc đàm phán hòa bình gián tiếp bị sụp đổ hơn hai năm qua.
Hội nghị Pari lần này thảo luận khả năng tổ chức một hội nghị hòa bình quốc tế với sự tham dự của cả Israel và Palestine cuối năm nay. Tuy nhiên, để cả hai phía cùng dự hội nghị và tham gia một giải pháp do cộng đồng quốc tế đề xuất là rất khó, khi Israel luôn phản đối các nỗ lực quốc tế. Israel không ủng hộ sáng kiến của Pháp, cho rằng không thể tìm giải pháp hòa bình thông qua một hội nghị quốc tế. Nhà nước Do Thái chỉ ủng hộ đàm phán trực tiếp với Palestine nhằm giải quyết các tranh chấp. Và điều kiện này cũng sẽ khó thực hiện khi Israel chỉ chấp thuận đàm phán mà không có điều kiện tiên quyết nào.
Dù sao, nỗ lực trung gian của Pháp làm dấy lên hy vọng phá vỡ bế tắc, mang lại hòa bình cho Trung Đông.
2. Tổng thống Syria Bashar Al-Assad vừa cam kết sẽ tiếp tục cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố tại Syria và khẳng định, quân đội Syria sẽ giải phóng tất cả các khu vực của nước này đang nằm dưới sự kiểm soát của những nhóm khủng bố.
Quân đội Syria cùng với sự hỗ trợ từ các cuộc không kích của Nga gần đây đã giành quyền kiểm soát được một số khu vực từ tay nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Nga hôm 7-6, cũng tuyên bố lực lượng không quân nước này sẽ tiếp tục hỗ trợ “tích cực nhất” cho quân đội chính phủ Syria nhằm không để thành phố chiến lược Aleppo ở miền Bắc Syria và khu vực phụ cận rơi vào tay các phần tử khủng bố.
Sự phối hợp giữa Nga và Mỹ cũng đang tạo đà cho quân đội Syria tiến vào tỉnh Raqqa, nơi được coi là thành trì của IS tại Syria. Đây là lần đầu tiên quân đội chính phủ vượt qua ranh giới Raqqa kể từ khi các tay súng IS đánh bật khỏi tỉnh này hồi tháng 8-2014.
Một thông tin liên quan được Đặc phái viên Liên hiệp quốc về Syria đưa ra trong cuộc họp báo ở Geneva hôm 9-6 là sẽ không có thêm vòng đối thoại hòa bình nào cho đến khi các bên nhất trí được các điều khoản cơ bản về chuyển giao quyền lực chính trị ở Syria. Ông bày tỏ không hài lòng về những bước tiến gần đây trong các cuộc đối thoại hòa bình ở Syria.
P.V