Năm 2015, chỉ số này được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xây dựng trên cơ sở điều tra, khảo sát, đánh giá cảm nhận của khoảng 11.700 lượt DN; trong đó, có 1.823 DN mới thành lập, nhằm đánh giá chính xác hơn công tác đăng ký DN ở các địa phương.
Nhà máy Thủy điện Hạ Sông Pha 1.
Ở tỉnh ta, năm 2015, VCCI đã gửi 298 phiếu điều tra, kết quả nhận được 98 ý kiến phản hồi của DN (chiếm 33%). Trên cơ sở phân tích, đánh giá của VCCI, năm 2015, chỉ số PCI của tỉnh ta đạt 57,45 điểm, xếp hạng 42/63; tăng 0,57 điểm và tăng thứ hạng 1 bậc so với năm 2014. Kết quả này đã đưa tỉnh ta từ nhóm điều hành kinh tế trung bình lên nhóm có kết quả điều hành kinh tế khá. Tuy kết quả đạt được là vậy, nhưng theo đánh giá của VCCI cho thấy, trong 10 chỉ số thành phần PCI năm 2015, tỉnh ta chỉ có 5 chỉ số, gồm: Gia nhập thị trường; tính minh bạch; thiết chế pháp lý; đào tạo lao động và dịch vụ hỗ trợ DN được cải thiện điểm số và thứ hạng. Trong số này, chỉ số gia nhập thị trường có sự bứt phá thứ hạng tốt nhất, tăng tới 30 bậc so với năm 2014, xếp thứ 23/63 tỉnh, thành trong cả nước. Những chỉ số còn lại số điểm tăng không đáng kể, nên thứ hạng tăng cũng không bao nhiêu. Trong khi đó, 5 chỉ số còn lại như: Chi phí thời gian chỉ đạt 7,02 điểm, giảm 1 điểm và tụt thứ hạng 3 bậc (xếp thứ 19/63); tiếp cận đất đai chỉ đạt 6,45 điểm, giảm 0,12 điểm và tụt thứ hạng 7 bậc (xếp thứ 14/63); cạnh tranh bình đẳng đạt 4,93 điểm, giảm 0,93 điểm, tụt thứ hạng 15 bậc (xếp thứ 31/63); đặc biệt, có hai chỉ số là tính năng động của chính quyền tỉnh chỉ đạt 4,01 điểm, giảm 0,72 điểm và tụt thứ hạng đến 27 bậc (xếp thứ 55/63) và chi phí không chính thức chỉ đạt 4,97 điểm, giảm 1,03 điểm và tụt thứ hạng đến 25 bậc (xếp hạng 32/63).
Cán bộ UBND phường Thanh Sơn (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) tiếp công dân tại bộ phận “Một cửa”.
Theo phân tích của đồng chí Trương Xuân Vỹ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, các chỉ số thành phần còn diễn biến theo xu hướng không tích cực xuất phát từ các nguyên nhân chủ yếu: Về khách quan, trong năm 2015, tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn khó khăn, khôi phục chậm, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Bên cạnh đó, thời gian qua, tỉnh ta đang kiên quyết xử lý đối với những dự án chậm tiến độ, nhà đầu tư không đủ năng lực triển khai theo cam kết. Đặc biệt, trong tiếp nhận dự án đầu tư mới tỉnh có chọn lọc kỹ hơn... đã phần nào ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư, DN. Về chủ quan, các DN trong tỉnh phần lớn là DN nhỏ và vừa, hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn. Qua phản ánh của các DN cho thấy, việc cung cấp thông tin, công khai các văn bản, cơ chế, chính sách của tỉnh qua cổng thông tin điện tử của các sở, ngành, địa phương còn chưa thường xuyên và hiệu quả; lãnh đạo các cấp chưa thật sự tích cực trong giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh có liên quan cho DN; thủ tục hành chính còn phức tạp, nhất là thủ tục hành chính về thuế chưa thật sự tốt. Hầu hết DN đều chưa hài lòng về chất lượng nguồn lao động của tỉnh và cho rằng việc tiếp cận tín dụng, tiếp cận đất đai còn khó khăn...
Nhà máy bia Sài Gòn-Ninh Thuận hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Ảnh: V.M
Để kịp thời đánh giá, tìm ra giải pháp cải thiện mạnh mẽ chỉ số PCI của tỉnh trong năm 2016 và những năm tiếp theo, cuối tháng 5 vừa qua, Ban Chỉ đạo nâng cao chỉ số PCI của tỉnh đã tổ chức cuộc họp, qua đó đề ra 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện trong thời gian tới. Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng Ban chỉ đạo, cho biết: Giải pháp cụ thể mà tỉnh đã làm từ đầu năm đến nay, đó là chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Nội vụ, Văn phòng UBND tỉnh tham mưu kiện toàn tổ chức Ban Chỉ đạo, ban hành Kế hoạch triển khai PCI năm 2016, trong đó phân công trách nhiệm cho từng sở, ngành rất cụ thể. Cùng với đó, tỉnh còn triển khai nội dung Chỉ thị 59-CT/TU của Tỉnh ủy; Quyết định số 1683/QĐ-UBND của UBND tỉnh và một số văn bản có liên quan về việc chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số PCI đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ của Chương trình hành động nâng cao chỉ số PCI. Tập trung rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến thuế, đất đai, đầu tư, xây dựng… theo hướng dễ thực hiện nhằm giảm bớt chi phí, thời gian của DN theo tinh thần Nghị quyết số 43/NQ-CP ngày 6-6-2014 và Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12-3-2015 của Chính phủ. Tỉnh cũng tăng cường chấn chỉnh lề lối làm việc, kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm và chất lượng phục vụ trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, những cán bộ, công chức thường xuyên tiếp xúc với người dân và DN...
Công ty May Tiến Thuận hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Ảnh: V.M
Sự quyết tâm trong chỉ đạo cải thiện chỉ số PCI của tỉnh đã rõ. Vấn đề còn lại là các sở, ngành, địa phương cần phải có quyết tâm cao, phải xây dựng cho được kế hoạch thực hiện cụ thể, hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Một điều hết sức quan trọng nữa là các ngành chức năng của tỉnh cần phải vào cuộc một cách đồng bộ; phải tăng cường công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xây dựng, các quy hoạch ngành, lĩnh vực, các dự án, danh mục kêu gọi đầu tư, các chính sách liên quan đến hoạt động DN…, tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng giữa các DN trong tiếp cận thông tin. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương coi đây là thước đo khách quan đánh giá mức độ hoàn thành trách nhiệm công việc, để tập trung đánh giá những việc làm được, chưa được của đơn vị mình, từ đó có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh trong thời gian tới.
Văn Thanh