Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tiếp đại biểu người có công tỉnh Tiền Giang

Chiều 8/6, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã tiếp Đoàn đại biểu người có công với cách mạng tỉnh Tiền Giang, nhân dịp đoàn ra thăm Thủ đô Hà Nội và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định Đảng và Nhà nước luôn ghi nhớ và tri ân những hy sinh và cống hiến to lớn của các chiến sĩ, người có công với cách mạng trên cả nước nói chung, tỉnh Tiền Giang nói riêng, đã đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước.

Biểu dương những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Tiền Giang đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc thực hiện chính sách và chế độ ưu đãi đối với người có công, thể hiện sâu sắc truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị địa phương cần làm tốt hơn nữa công việc này trong thời gian tới để bù đắp phần nào những mất mát to lớn đối với các gia đình có công đã cống hiến cho dân tộc.

Phó Thủ tướng mong muốn người có công với cách mạng tỉnh Tiền Giang tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, ý chí của người chiến sĩ cộng sản, nêu gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo, góp phần xây dựng, phát triển quê hương Tiền Giang ngày càng giàu mạnh.

Tỉnh Tiền Giang hiện có 23.647 đối tượng đang hưởng trợ cấp ưu đãi thường xuyên; 98% hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú. Đặc biệt, 100% mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các tổ chức, cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời. Đối với gia đình thương binh, bệnh binh nặng có tỷ lệ mất sức lao động do thương tật và bệnh tật từ 81% trở lên đều được các cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương chăm lo, hỗ trợ vốn làm ăn, trợ cấp phương tiện và dụng cụ phục hồi chức năng...

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi

Sáng 8/6, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là cuộc họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo sau khi được kiện toàn, có nhiều thành viên mới và trong bối cảnh mới có Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trong tình hình mới.

Qua báo cáo và ý kiến phát biểu tại cuộc họp, khó khăn nổi lên trong 6 tháng đầu năm và cũng là khó khăn chung trong 5 năm qua khi thực hiện các dự án là khâu chuẩn bị dự án, thẩm định dự án, giải phóng mặt bằng, nguồn vốn đối ứng, sự chậm trễ trong giải ngân, trình độ và năng lực của các ban quản lý dự án…Từ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai trên thực tế, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo quán triệt, thực hiện tốt các quy định mới trong Nghị định số 16 của Chính phủ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cần khẩn trương xác định rõ chương trình, dự án, lĩnh vực nào được ưu tiên, phải được cấp phép, phải vay lại… Phải chú ý không tăng thêm các bước làm chậm quá trình, thủ tục chuẩn bị dự án; giảm bớt các thủ tục hành chính song vẫn phải bảo đảm quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Các bộ, ngành chức năng khác cũng rà soát, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, các quy định liên quan đến huy động, quản lý nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

Về vấn đề huy động vốn, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh lưu ý, hiện Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình; nhiều nguồn tài trợ, vốn hỗ trợ, ưu đãi bị cắt giảm. Các bộ, ngành cần quan tâm xây dựng kế hoạch vận động thích hợp cho quá trình chuyển từ vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi sang vốn vay có mức độ ưu đãi kém hơn.

Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước cùng với Bộ KH&ĐT, Tài chính, Ngoại giao tiếp tục làm việc với Ngân hàng Thế giới để tạo ra lộ trình phù hợp, chuyển tiếp thành công vốn vay sang các khoản vay có mức độ ưu đãi kém hơn mà không để ảnh hưởng đến thành quả đạt được trong huy động và sử dụng nguồn vốn thời gian qua.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, cần quan tâm, sử dụng hiệu quả hơn nữa nguồn vốn vay, trong đó có tiếp tục đẩy mạnh tiến độ giải ngân, bảo đảm tiến độ thực hiện của các dự án; bố trí đủ, kịp thời nguồn vốn đối ứng cho các dự án ODA; thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, có sự phối chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong công tác này; nâng cao năng lực cũng như cần tăng cường hơn nữa trao đổi thông tin, kinh nghiệm giữa các ban quản lý các dự án ODA và vay ưu đãi.

 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam

Ngày 8/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã làm việc với Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, để thực hiện chỉ tiêu của Bộ Chính trị (tới năm 2020 cả nước sẽ có 50% lượng lượng lao động tham gia BHXH và 35% tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 21/NQ-TW của Bộ Chính trị), BHXH Việt Nam cần phối hợp với các bộ, ngành đề xuất Chính phủ ban hành nghị quyết, giao chỉ tiêu bắt buộc thực hiện BHXH với người lao động.

Với phát triển bảo hiểm thất nghiệp, Phó Thủ tướng cho rằng BHXH Việt Nam phải tìm các giải pháp để giữ người lao động trong hệ thống, chứ không để họ rời hệ thống bảo hiểm; phối hợp với các bộ, ngành chủ động rà soát, tích cực hoàn thiện sớm hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHXH và BHYT (sửa đổi).

Về đề xuất BHXH cần phải liên thông về số liệu thu nhập với cơ quan thuế của Phó Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng tình và yêu cầu BHXH Việt Nam phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong chia sẻ dữ liệu thu, bảo đảm việc thu công bằng giữa các khu vực. Trong quá trình thực hiện, nếu thấy vướng mắc thì báo cáo Chính phủ xem xét, cho ý kiến.

Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51 để thực hiện chức năng này của BHXH Việt Nam. Do đó, BHXH Việt Nam cần cung cấp đầy đủ thông tin nợ đọng BHXH, chia sẻ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để tiến hành đề nghị cơ quan tố tụng khởi tố với trường hợp doanh nghiệp có khả năng chi trả nhưng chây ì không đóng BHXH khi Bộ luật Tố tụng hình sự có hiệu lực từ 1/7/2016.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề nghị BHXH Việt Nam và Bộ Y tế phối hợp xây dựng đề án đấu thầu giá thuốc trong danh mục chi trả của bảo hiểm y tế để góp phần giảm giá thuốc, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Bộ Tài chính

Chiều ngày 8/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chủ trì buổi làm việc với Bộ Tài chính để cho ý kiến về dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản công.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính làm rõ tên gọi của dự án luật và phạm vi điều chỉnh của Luật. Theo đó, ngoài tài sản công là tài nguyên thiên nhiên thì phải làm rõ tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý hay bàn giao cho đơn vị sự nghiệp thì được xác định là gì? Trên thực tế, Nhà nước không có chủ trương tạo tài sản để cho thuê nhưng hầu hết các đơn vị sử dụng tài sản công như mặt bằng đất đai,… để cho thuê nhưng ngân sách nhà nước không thu được mà vào quỹ riêng của đơn vị đó.

Với quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với tài sản công, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị phải xác định rõ được quyền và trách nhiệm của các cấp theo hướng tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm; Bộ Tài chính cần tiếp tục nghiên cứu, tổ chức các hội thảo để xin ý kiến các chuyên gia, các địa phương nhằm hoàn thiện dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản công.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam Hugh Borrowman và lãnh đạo ngân hàng Commonwealth

Chiều ngày 8/6, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam, ông Hugh Borrowman và ông Ian Narev, Tổng Giám đốc Ngân hàng Commonwealth Australia.

Phó Thủ tướng nêu rõ quan hệ giữa Việt Nam và Australia đang phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, đặc biệt, hai nước đều là thành viên Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Phó Thủ tướng tin tưởng khi Hiệp định được phê chuẩn và có hiệu lực, quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước sẽ phát triển với quy mô lớn hơn nhiều so với hiện nay (hiện kim ngạch thương mại hai nước mới đạt 5 tỷ USD).

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mong muốn nhà đầu tư của quốc gia này tăng cường đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam, cả đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp. Trong 5 tháng đầu năm 2016, vốn đầu gián tiếp vào Việt Nam tăng gấp 6 lần. Vốn đầu tư trực tiếp FDI đã đạt 10,4 tỷ USD, tăng gần 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong số này, vốn của nhà đầu tư Australia còn rất khiêm tốn.

Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam đang trong quá trình tái cấu trúc mạnh mẽ kinh tế, đặt biệt là tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, tái cấu trúc đầu tư công, hệ thống tài chính ngân hàng và nông nghiệp, Việt Nam sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư nước ngoài trong đó có Australia tới tìm hiểu và hợp tác đầu tư.

Về hệ thống ngân hàng, Việt Nam đang tăng cường xử lý nợ xấu và xử lý dứt điểm ngân hàng yếu kém. Việt Nam luôn mở ra khả năng kêu gọi các ngân hàng lớn trong đó có Ngân hàng Commonwealth tham gia vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng này.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ mong muốn Australia hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện khung khổ thể chế pháp lý cũng như kinh nghiệm về mô hình đối tác công tư (PPP). Đặc biệt, với vai trò là một trong bốn ngân hàng lớn nhất của Australia, có trên 100 năm kinh nghiệm hoạt động trong các dịch vụ tài chính như bán lẻ, đầu tư và dịch vụ môi giới, quản lý quỹ, bảo hiểm, Phó Thủ tướng mong rằng CBA tiếp tục hợp tác đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao việc CBA hợp tác với Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam VIB với tỷ lệ sở hữu 20% vốn điều lệ cũng như những hỗ trợ của CBA đối với VIB trong lĩnh vực kỹ thuật, quản trị.

Cảm ơn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã dành thời gian đón tiếp, cho biết đây là cuộc gặp gỡ chính thức cuối cùng trước khi kết thúc nhiệm kỳ, Đại sứ Hugh Borrowman khẳng định trong 5 năm tới, Australia cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển. Bên cạnh đó, Australia còn muốn tăng cường hợp tác sâu sắc hơn, bền chặt hơn trong vấn đề đầu tư. Ông Ian Narev, Tổng Giám đốc Ngân hàng CBA mong muốn đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam, thông qua sự hợp tác sâu rộng hơn nữa với Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam, trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam.

Văn phòng Chính phủ