Ý tưởng về Khoản thu nhập cơ bản vô điều kiện (UBI) do một nhóm công dân độc lập đề xuất, cho rằng việc cấp một khoản thu nhập như vậy sẽ giúp chống đói nghèo và bất bình đẳng, trong xã hội hiện nay đang tồn tại nhiều bất hợp lý trong các vấn đề như việc làm, trình độ nghiệp vụ, đào tạo, trong đó khoảng cách về tiền lương tiếp tục nới rộng. UBI đủ để mọi công dân chi trả cho những nhu cầu cơ bản của bản thân, qua đó có thể xóa bỏ tình trạng phụ thuộc vào trợ cấp xã hội của những người không đủ phương tiện sinh kế, cho phép mỗi người lựa chọn một công việc hài lòng, khuyến khích sáng tạo và sự tận tâm trong công việc, đồng thời tăng giải pháp về việc trông giữ trẻ em và chăm sóc người già hoặc người bệnh.
Hiện có nhiều ý kiến trái chiều trong các đảng phái chính trị ở Thụy Sĩ về vấn đề này.
Tại Hạ viện chỉ có 19 phiếu thuận trong khi có 157 phiếu chống và 16 phiếu trắng. Tại Thượng viện, duy nhất nghị sĩ đảng Xã hội Anita Fetz (A-ni-ta Phét) là ủng hộ đề xuất. Theo bà Fetz, đề xuất này đáng để xem xét vì đây có thể trở thành một giải pháp cụ thể cho tương lai trong 20-30 năm nữa khi nhiều việc làm bị mất do sử dụng các robot và dây chuyền tự động hóa. Trong khi đó, nghị sỹ Raymond Clottu (Rây-môn Clô-tu), thuộc đảng Liên minh dân chủ trung lập (UDC), cho rằng khoản tiền UBI có nguy cơ gây tổn hại hệ thống an sinh xã hội. Do đó, theo ông cần phải tìm cách cải thiện hệ thống an sinh xã hội chứ không phải đưa ra một khoản tiền UBI tạo gánh nặng cho người lao động và các doanh nghiệp cũng như không kích thích người lao động làm việc. Cũng có ý kiến cho rằng sẽ phát sinh những chi phí "khủng" từ ý tưởng này. Tuy nhiên, hiện nay, chưa xác định cụ thể số tiền UBI là bao nhiêu và chỉ được đưa ra sau khi đề xuất trên được đa số người dân tán thành.
Những người đề xuất ý tưởng trên dự tính mỗi người Thụy Sĩ trưởng thành sẽ nhận được khoản UBI 2.500 francs Thụy Sĩ (tương đương 2.500 USD) mỗi tháng và 625 francs cho trẻ em. Dựa trên những số liệu thống kê dân số năm 2012, để đáp ứng các khoản này, Nhà nước liên bang ước tính phải chi 208 tỷ francs/năm, tương đương với 35% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thụy Sĩ.
Theo TTXVN