Qua khảo sát tại một số chợ trên địa bàn tỉnh như: Phan Rang, Thanh Sơn, Tháp Chàm, Tân Sơn…, chúng tôi nhận thấy, phần lớn các sạp hàng, điểm kinh doanh với hàng loạt mặt hàng như quần áo, thực phẩm tươi sống, vật dụng sinh hoạt gia đình… đều không niêm yết giá, mà nếu có thì vẫn theo kiểu “đối phó” với cơ quan chức năng. Khi được nguyên nhân, một tiểu thương là chủ quầy hàng bán giày dép ở chợ Phan Rang, cho biết: Do hàng bán rất nhiều mẫu mã và thường xuyên nhập hàng mới, giá cả lên xuống thất thường, nên việc ghi lại giá mất rất nhiều thời gian, chỉ khi có lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, nhắc nhở thì mới làm giá.
Nhiều quầy hàng không niêm yết giá bán tại chợ Phan Rang.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài lý do nêu trên của người bán hàng, còn một nguyên nhân khác mà các tiểu thương không thực hiện nghiêm việc niêm yết giá, đó là khách mua hàng ở chợ thường có thói quen trả giá vì sợ bị mua hớ. Anh Nguyễn Hữu Hoàng, chủ quầy hàng bán túi xách, va ly các loại ở chợ Phan Rang, cho hay: Mặc dù có niêm yết giá và bán theo giá niêm yết nhưng khách mua hàng vẫn trả giá, vì sợ bị mua nhầm. Chính vì vậy, nhiều chủ quầy hàng ít khi để bảng giá, khi khách mua thì chúng tôi nói giá.
Việc niêm yết giá bán nhằm đảm bảo sự công bằng, văn minh trong kinh doanh, tránh tình trạng cùng một sản phẩm nhưng nhiều quầy hàng bán giá khác nhau, tuy nhiên, thực tế này tại các chợ trên địa bàn tỉnh ta không biết đến khi nào mới thực hiện tốt. Chị Nguyễn Thị Hường (phường Đô Vinh, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) chia sẻ: Tôi thường mua hàng ở chợ, nhưng do đa số hàng hóa ở đây không được niêm yết giá nên trước khi muốn mua phải tham khảo một vòng xem giá ở nhiều nơi rồi mới quyết định, vì ở chợ, các tiểu thương hay nói thách, nếu mình không trả giá thì bị mua hớ, trả giá thấp thì bị người bán nói.
Theo ông Lê Văn Sơn, Trưởng ban Quản lý chợ Phan Rang, cho biết: Mặc dù không phải chức năng chính của chúng tôi, nhưng để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, Ban quản lý chợ vẫn thường xuyên vận động tiểu thương niêm yết giá và bán đúng giá. Tuy nhiên, việc làm này rất khó thực hiện, bởi hầu hết tiểu thương vẫn giữ lối bán truyền thống, không chịu thay đổi hình thức buôn bán văn minh. Lực lượng quản lý thị trường đã nhiều lần phối hợp với Ban quản lý chợ kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt các hành vi liên quan đến việc niêm yết giá bán, nhưng đâu vẫn vào đấy. Toàn chợ hiện có 500 hộ kinh doanh lớn nhỏ, nhưng chỉ có khoảng 50% hộ kinh doanh niêm yết giá.
Được biết, hiện nay, tỉnh ta có trên 100 chợ các loại, hàng năm Chi cục Quản lý thị trường đã phối hợp với Ban quản lý các chợ hướng dẫn tiểu thương niêm yết giá rõ ràng, bằng cách in trên bảng giá, trên giấy hoặc trên bao bì sản phẩm. Phối hợp cùng các sở, ngành tổ chức nhiều đợt kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt các trường hợp vi phạm về giá, nhằm thay đổi hình thức kinh doanh công khai giá hàng hóa. Thế nhưng, việc niêm yết giá ở các chợ rất khó thực hiện. Nghị định 109/2013/NĐ-CP ngày 24-9-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, lệ phí, hóa đơn; trong đó, có quy định xử phạt đối với hành vi không niêm yết giá hàng hóa, niêm yết giá không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng còn quá nhẹ. Theo quy định, nếu vi phạm lần đầu thì chỉ nhắc nhở, còn vi phạm lần 2 chỉ bị phạt tiền từ 300.000-500.000 đồng nên chưa đủ sức răn đe.
Ông Trần Minh Khoa, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, cho biết: Thời gian tới, chi cục tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, Ban quản lý các chợ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm thay đổi thói quen của hộ kinh doanh và người tiêu dùng. Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử phạt nghiêm chủ quầy hàng vi phạm. Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường cùng với Ban quản lý các chợ siết chặt việc niêm yết giá, hạn chế tiểu thương lợi dụng biến động giá cả để tăng giá bán. Hiện chi cục cũng đang xây dựng phương án thí điểm việc buôn bán văn minh tại một số chợ trên địa bàn tỉnh.
Tiến Mạnh