Xác định mục đích của hệ thống bài tập
Mục đích xây dựng hệ thống bài tập phần hóa vô cơ lớp 10 (chương trình cơ bản) nhằm củng cố kiến thức và phát triển năng lực vận dụng cho học sinh. Bên cạnh đó cũng xây dựng một số bài tập nâng cao nhằm phân loại đối tượng học sinh và phục vụ công tác ôn thi học sinh giỏi.
Xác định nội dung hệ thống bài tập
Nội dung của hệ thống bài tập phải bao quát được kiến thức của chương Halogen và chương Oxi - Lưu huỳnh. Để ra một bài tập hóa học thỏa mãn mục tiêu của chương giáo viên phải trả lời được các câu hỏi sau:
Bài tập giải quyết vấn đề gì? Nó nằm ở vị trí nào trong bài học? Cần ra loại bài tập gì (định tính, định lượng hay thí nghiệm)? Có liên hệ với những kiến thức cũ và mới không? Có phù hợp với năng lực nhận thức của học sinh không? Có phối hợp với những phương tiện khác không (thí nghiệm)? Có thỏa mãn ý đồ, phương pháp của thầy không?...
Xác định loại bài tập, các kiểu bài tập
Đối với phần hóa học, cô Nguyễn Thị Linh chia thành các loại bài tập: Bài tập định tính và bài tập định lượng.
Ứng với từng loại, cô Linh chia làm hai hình thức: Bài tập tự luận và bài tập trắc nghiệm. Sau khi đã xác định được loại bài tập, cần đi sâu hơn, xác định nội dung của mỗi loại.
Dấu hiệu đặc trưng của bài tập định tính là trong đề bài không yêu cầu phải tính toán trong quá trình giải và yêu cầu phải xác lập những mối liên hệ nhất định giữa các kiến thức và các kĩ năng. Trong chương phần hóa vô cơ lớp 10 trung học phổ thông (chương trình cơ bản), chia thành các kiểu bài tập sau:
- Kiểu 1: Giải các bài tập có quan sát và giải thích các hiện tượng.
- Kiểu 2: Điều chế các chất.
- Kiểu 3: Nhận biết các chất.
- Kiểu 4: Xác định tạp chất lẫn trong các chất, tách các hỗn hợp, điều chế nh ng chất mới.
- Kiểu 5: Viết phương trình phản ứng của dãy biến hóa của các chất.
- Kiểu 6: Thiết kế bài tập có sử dụng hình vẽ liên quan đến thí nghiệm. Dấu hiệu của bài tập định lượng là trong đề bài phải có tính toán trong quá trình giải.
Trong phần hóa vô cơ lớp 10 trung học phổ thông (chương trình cơ bản), cô Nguyễn Thị Linh chia thành các dạng bài tập sau:
- Dạng 1: Bài tập về nồng độ dung dịch: tính nồng độ dung dịch, pha chế dung dịch…
- Dạng 2: Tính thành phần % của hỗn hợp theo số mol, theo khối lượng, theo thể tích…
- Dạng 3: Hiệu suất của phản ứng
- Dạng 4: Xác định tên nguyên tố, thiết lập công thức phân tử…
Thu thập thông tin để soạn hệ thống bài tập
Gồm các bước cụ thể: Thu thập các sách bài tập, các tài liệu liên quan đến hệ thống bài tập cần xây dựng; Tham khảo sách, báo, tạp chí… có liên quan;
Tìm hiểu, nghiên cứu thực tế những nội dung hóa học có liên quan đến đời sống. Số tài liệu thu thập được càng nhiều và càng đa dạng thì việc biên soạn càng nhanh chóng và có chất lượng, hiệu quả. Vì vậy, cần tổ chức sưu tầm, tư liệu một cách khoa học và có sự đầu tư về thời gian.
Tiến hành soạn thảo bài tập
Bước đầu tiên trong công đoạn này là soạn từng loại bài tập, cụ thể:
Bổ sung thêm các dạng bài tập còn thiếu hoặc những nội dung chưa có bài tập trong sách giáo khoa, sách bài tập;
Chỉnh sửa các bài tập trong sách giáo khoa, sách bài tập không phù hợp như quá khó hoặc quá nặng nề, chưa chính xác…
Bước 2: Xây dựng các phương pháp giải quyết bài tập.
Bước 3: Sắp xếp các bài tập thành các loại như đã xác định theo trình tự: Từ dễ đến khó; từ lí thuyết đến thực hành; từ tái hiện đến vận dụng sáng tạo…
Tham khảo, trao đổi ý kiến với đồng nghiệp
Sau khi xây dựng xong các bài tập, giáo viên tham khảo ý kiến các đồng nghiệp về tính chính xác, tính khoa học, tính phù hợp với trình độ của học sinh.
Thực nghiệm, chỉnh sửa và bổ sung
Để khẳng định lại mục đích của hệ thống bài tập là nhằm củng cố kiến thức và phát triển tư duy sáng tạo cho học sinh, giáo viên trao đổi với các giáo viên thực nghiệm về khả năng nắm vững kiến thức và phát triển năng lực vận dụng cho học sinh thông qua hoạt động giải các bài tập.
Nguồn Báo Giáo dục & Thời đại