Theo đơn trình bày, hộ ông Đứng, ở thôn Lạc Tân 1, chăn nuôi cừu tại thôn Quán Thẻ 3 (xã Phước Minh) với tổng đàn 175 con. Do nắng hạn, thiếu thức ăn, đàn gia súc của ông bị chết 30 con. Tương tự hộ ông Trần Minh Tường, ở thôn Lạc Tân 3, xã Phước Diêm, chăn nuôi dê, bò tại thôn Lạc Tân 1, bị thiệt hại với số lượng 16 con dê. Hộ ông Nguyễn Văn Minh, thôn Lạc Tân 1, bị chết 30 con dê và 1 con bò. Tháng 6-2015, các hộ nói trên đã làm đơn đề nghị hỗ trợ thiệt hại gửi UBND xã Phước Diêm nhưng đến nay chưa nhận được sự hỗ trợ. Ông Trần Văn Đứng cho biết: Đơn của ông đã được Ban quản lý thôn xác nhận và gửi trực tiếp qua bộ phận tiếp dân của UBND xã, nhưng không hiểu sao lại không được hỗ trợ?
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phạm Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Phước Diêm cho biết: UBND xã đã làm việc với các hộ dân nói trên, qua xác minh, các hộ đều có số gia súc chết trước tháng 6-2015, nhưng không khai báo kịp thời, không có biên bản xác định thiệt hại. Tháng 6-2015, các hộ có đơn đề nghị hỗ trợ lên UBND xã. Nhưng việc tiếp nhận, chuyển đơn và tham mưu giải quyết của bộ phận chức năng thiếu kịp thời nên gây bức xúc, băn khoăn đối với người dân. Trong khi đó, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về việc hỗ trợ khắc phục thiệt hại do hạn hán vụ đông-xuân và hè-thu năm 2015, yêu cầu việc hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi có gia súc bị chết phải có hồ sơ cụ thể như: biên bản xác định thiệt hại, nguyên nhân thiệt hại… do UBND xã lập, làm cơ sở hỗ trợ và thanh quyết toán. Nhưng đến tháng 6-2015, các ngành chức năng mới hướng dẫn triển khai việc lập hồ sơ cụ thể. Trước đó, địa phương chỉ thống kê gia súc chết theo khai báo của hộ chăn nuôi mà không lập biên bản thiệt hại ban đầu. Do vậy, việc giải ngân kinh phí hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi có gia súc chết trước tháng 6-2015 là chưa thực hiện được. Các hộ dân có đơn nói trên rơi vào trường hợp này, nên không đủ điều kiện về hồ sơ theo quy định để được hỗ trợ thiệt hại.
Tuy nhiên, xét về trách nhiệm trước dân, UBND xã đã tiến hành kiểm điểm cán bộ tiếp nhận hồ sơ không tham mưu kịp thời, không giải thích, tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân biết để thực hiện chủ trương chính sách. UBND xã cũng cho thôi việc đối với cán bộ Thú y xã do quá trình công tác không sâu sát, không nắm được tình hình thiệt hại về gia súc để tham mưu UBND xã có hướng giải quyết. UBND xã cũng đã tổ chức đối thoại, lắng nghe ý kiến của các hộ dân, đồng thời xin lỗi, nhận khuyết điểm khắc phục. Đến nay, toàn xã có 22 hộ chăn nuôi bị thiệt hại đã được nhận 284 triệu đồng chi phí hỗ trợ theo đúng chính sách, chủ trương của tỉnh.
Phòng bạn đọc