1. Hội nghị Ngoại trưởng nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đã bế mạc hôm đầu tuần tại Hiroshima, Nhật Bản.
Hội nghị Ngoại trưởng G7 đã ra tuyên bố chung, trong đó phần trọng tâm được dành để nói về cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Các nước G7 khẳng định, chủ nghĩa khủng bố là mối đe dọa cực kỳ nghiêm trọng và khẩn cấp đối với an ninh toàn cầu. Tại Hội nghị Thượng đỉnh diễn ra vào tháng 5-2016, các nước G7 sẽ công bố Bản kế hoạch hành động chống khủng bố nhằm xóa bỏ những kẻ khủng bố và chủ nghĩa cực đoan.
Bên cạnh tuyên bố chung, G7 cũng ra Tuyên bố Hiroshima cam kết hướng đến một thế giới không còn vũ khí hạt nhân và kêu gọi các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nâng cao tính minh bạch về loại vũ khí hủy diệt này. G7 cũng ra Tuyên bố về an ninh hàng hải, trong đó nêu rõ, các nước G7 có chung nỗi quan ngại về diễn biến trên Biển Đông, kêu gọi các bên kiềm chế không tiến hành các hoạt động quân sự hóa và xây dựng quy mô lớn tại Biển Đông. Liên quan đến việc Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế, G7 kêu gọi các nước liên quan tuân thủ các quyết định của tòa án và xử lý tranh chấp một cách hòa bình.
Tại hội nghị lần này, các Ngoại trưởng G7 đã nêu rõ quan điểm về những vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân, chống khủng bố và an ninh hàng hải. Các nước G7 phản đối hành động đơn phương và áp đặt trên biển. Theo dự kiến, sau hội nghị Ngoại trưởng, các nước G7 sẽ tiến hành thêm nhiều hội nghị cấp Bộ trưởng trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh vào cuối tháng 5 tới tại tỉnh Mie, Nhật Bản.
Một động thái liên quan, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị dù không nêu đích danh Nhật Bản, nhưng cho biết các hội nghị G7 và G20 không nên bàn tranh chấp ở Biển Đông: “Chúng tôi hy vọng hội nghị G7 cũng như G20 tập trung vào thảo luận các chủ đề kinh tế và phát triển mà nhiều nước quan tâm. Nếu có những nước do mục đích chính trị, chèn thêm các vấn đề như tranh chấp lãnh thổ hoặc chủ quyền vào G20, điều này không chỉ không đem lại lợi ích cho việc giải quyết vấn đề mà còn ảnh hưởng tới tình hình ở khu vực và sự ổn định…”.
2. Sau nhiều lần tranh cãi, cuối cùng Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ CDC đã xác nhận virus Zika là nguyên nhân gây ra nhiều dị tật bẩm sinh nghiêm trọng, trong đó có bệnh đầu nhỏ.
Tuyên bố trên được các nhà khoa học CDC đưa ra sau khi xem xét kỹ lưỡng các nghiên cứu trong nhiều tháng qua. Đây là lần đầu tiên một loại muỗi truyền có liên hệ với dị tật bẩm sinh ở não người. CDC cũng cho biết, các nghiên cứu về virus Zika vẫn đang được phía Mỹ tiến hành nhằm phát triển vaccine phòng ngừa, tuy nhiên việc này sẽ phải mất nhiều năm.
Cho tới thời điểm này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn chưa khẳng định virus Zika chính là nguyên nhân gây ra bệnh đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, nhưng cho rằng Zika có liên quan tới căn bệnh nói trên.
Trong khi đó, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật hỗ trợ các công ty tham gia phát triển biện pháp điều trị virus Zika. Tổng thống Mỹ Obama được kỳ vọng ký ban hành dự luật này, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia tích cực trong cuộc chiến chống Zika.
Chính quyền Brazil xác nhận có 1.113 trường hợp mắc chứng đầu nhỏ và phần lớn là bị ảnh hưởng từ người mẹ nhiễm virus Zika, tăng cao so với 1.046 trường hợp một tuần trước đó.
PV