Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định điều này khi phát biểu tại Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ V tổ chức vào sáng 8-4 ở Hà Nội.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Người khuyết tật và những người có hoàn cảnh đặc biệt cần sự
tôn trọng, chia sẻ của cả cộng đồng để vươn lên khẳng định mình, đem giá trị của bản thân phục vụ xã hội. Ảnh: VGP/Đình Nam
Tấm gương của nghị lực, ý chí
Đến dự Hội nghị có nhiều tấm gương người khuyết tật làm các đại biểu cảm phục, trân trọng.
Đó là anh Trịnh Quang Xuân Đức (Đắk Lắk), sinh viên FPT Polytechnic Tây Nguyên, bị bại não bẩm sinh nhưng đã kiên trì theo đuổi ngành công nghệ thông tin với tâm niệm "dù bạn lành lặn hay khuyết tật, hãy theo đuổi và hoàn thành ước mơ nếu bạn thực sự có đam mê". Chị Y Lợi, bị khuyết tật bẩm sinh, đã nỗ lực vươn lên trở thành đại biểu HĐND xã Ngọc Wang (huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum)... Hay hành trình kiếm sống và cái duyên đến với thể thao của VĐV Lê Văn Công, người đang giữ kỷ lục thế giới môn cử tạ hạng 49 kg dành cho người khuyết tật.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ sự xúc động, cảm phục trước ý chí của nhiều trẻ mồ côi cha, mẹ luôn nỗ lực từng ngày, từng giờ, quyết không bỏ học, không rời giảng đường với nhận thức sâu sắc rằng chỉ có tri thức và học vấn mới giúp các em thay đổi cuộc đời, thay đổi số phận...
Phó Thủ tướng nói: “Đó là những bài học về ý chí, khát vọng và về những tấm lòng cao đẹp mà mỗi người học được, không cần phải đến giảng đường, không cần phải có giáo trình, không cần phải có giáo sư.
Có những người hoàn toàn bình thường nhưng nghĩ mình luôn gặp khó khăn, bất hạnh và tự than thân, trách phận hoặc nhìn mọi người bằng ánh mắt đố kỵ, tỵ hiềm. Tôi rất mong rằng bằng những tấm gương của người khuyết tật, những cháu bị mồ côi thì những người như tôi vừa nói sẽ thấy rằng mình vô cùng may mắn và phải vượt lên chính khó khăn của mình.
Nếu mỗi người bình thường, được chia sẻ, học theo ý chí, nghị lực của những người khuyết tật, trẻ mồ côi, người yếu thế để làm việc tốt hơn, thì chắc chắn đất nước sẽ giàu mạnh hơn. Xã hội cũng sẽ tốt đẹp hơn”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu tham dự Hội nghị biểu dương người khuyết tật,
trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ V. Ảnh: VGP
Người khuyết tật rất cần sự quan tâm của cộng đồng
Bày tỏ sự trân trọng đối với người thân, gia đình, hàng xóm, những tổ chức, cá nhân, bằng tấm lòng và trách nhiệm đã làm rất nhiều việc để công tác chăm sóc người khuyết tật, trẻ em mồ côi ngày càng tốt hơn, Phó Thủ tướng mong muốn tinh thần nhân văn cao cả ấy sẽ được tiếp nối trong hành trình giúp đỡ những người khuyết tật.
Phó Thủ tướng nêu rõ do điều kiện tự nhiên, chiến tranh, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người khuyết tật rất cao và có rất nhiều hoàn cảnh vô cùng éo le, đặc biệt là những gia đình có nạn nhân chất độc da cam. Nếu không có sự quan tâm giải quyết rất nhiều vấn đề như tai nạn giao thông, nếp sống, trật tự, an toàn xã hội... thì sẽ có thêm những người khuyết tật, trẻ mồ côi.
Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, hiện ước tính số người cần trợ giúp xã hội của nước ta chiếm khoảng 20% dân số, trong đó, có 9,4 triệu người cao tuổi, 7,2 triệu người khuyết tật, 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hàng triệu người hưởng trợ cấp người có công với cách mạng, khoảng 12% hộ nghèo, 6% hộ cận nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020).
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn có những chủ trương, chính sách chăm lo trợ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi, những người yếu thế trong xã hội. Những thành quả phát triển của đất nước đều được chú trọng dành cho những người nghèo, người yếu thế. Vì vậy, Việt Nam đã được Liên Hợp Quốc đánh giá là một trong những tấm gương điển hình trong xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh và trợ giúp những người khó khăn.
Đến năm 2015, cả nước đã có 2,64 triệu người được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, trong đó, có 37.000 trẻ mồ côi, 88.000 người đơn thân nuôi con thuộc hộ nghèo, gần 1,5 triệu người trên 80 tuổi không có lương hưu, trợ cấp xã hội, hơn 1,8 triệu hộ gia đình cần trợ giúp đột xuất hàng năm... Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, địa phương đã huy động sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội thực hiện tốt chính sách về trợ giúp, chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt...
Bộ LĐTB&XH tặng Bằng khen cho đại biểu người khuyết tật, trẻ mồ côi, nhà hảo tâm… có những
đóng góp, nỗ lực vượt bậc chia sẻ với người khó khăn trong xã hội. Ảnh: VGP/Đình Nam
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, hiện vẫn còn rất nhiều người khuyết tật, trẻ mồ côi, người yếu thế trong xã hội cần thêm sự quan tâm, hỗ trợ của nhà nước, của xã hội, của cộng đồng.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh người khuyết tật và những người có hoàn cảnh đặc biệt cần sự tôn trọng, chia sẻ của cả cộng đồng để tạo điều kiện cho họ vươn lên khẳng định mình, đem giá trị của bản thân phục vụ xã hội. Người khuyết tật không đi được nên chúng ta phải làm đường cho xe lăn, cần có chỗ ngồi riêng ở nơi công cộng. Chúng ta làm việc đó không phải với thái độ ban ơn mà đó là trách nhiệm của xã hội. Bên cạnh đó chúng ta phải đấu tranh, lên án những hành vi, cá nhân kỳ thị người khuyết tật.
Nhắc lại mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”, Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam phải phát triển hơn, giàu mạnh hơn nhưng điều quan trọng hơn là thành quả đấy phải dành cho tất cả người dân thụ hưởng, trước hết là những người yếu thế trong xã hội.
Đảng, Nhà nước, Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, các tổ chức, cá nhân tăng cường sự kết nối, chung tay trợ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi, người yếu thế vươn lên trong cuộc sống.
Phó Thủ tướng mong muốn tinh thần cao cả, sự sẻ chia, ý chí, nghị lực thay đổi số phận... của người khuyết tật, trẻ mồ côi, người yếu thế từ hội nghị sẽ lan tỏa trong xã hội, để đất nước ta giàu đẹp hơn với những con người giàu lòng nhân ái.
Nguồn www.chinhphu.vn