Trước đó, trong sáng 30/3, sau khi nghe Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội về việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở Đoàn về việc miễn nhiệm trên.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. (Ảnh: TTXVN)
Ông Huỳnh Văn Tí (Đại biểu Bình Thuận) đã đọc biên bản kiểm phiếu miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia đối với ông Nguyễn Sinh Hùng. Theo đó, trong số có 477 đại biểu có mặt, đã có 431 đại biểu đồng ý miễn nhiệm (87,25%) chức vụ Chủ tịch Quốc hội đối với ông Nguyễn Sinh Hùng, số phiếu không đồng ý là 42 phiếu (8,5%). Có 4 phiếu không hợp lệ.
Với chức vụ Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia của ông Nguyễn Sinh Hùng, 430 phiếu (87,04%) đồng ý miễn nhiệm, số phiếu không đồng ý là 41 phiếu (8,0%); 6 phiếu không hợp lệ.
Như vậy, Quốc hội đã miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia đối với ông Nguyễn Sinh Hùng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Sinh Hùng vẫn giữ chức vụ này tới khi Quốc hội bầu được Chủ tịch Quốc hội mới, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia mới.
Chiều cùng ngày, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã trình dự kiến nhân sự để bầu Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Quốc hội cũng đã thảo luận ở đoàn về dự kiến nhân sự để bầu Chủ tịch Quốc hội khóa 13 và bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia.
Còn trong sáng 30/3, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi).
Đa số các đại biểu đồng ý đề nghị sửa tên Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi) thành “Luật điều ước quốc tế”. Dự thảo Luật Điều ước quốc tế có 10 chương, 84 điều, quy định về việc ký kết, bảo lưu, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện, lưu chiểu, lưu trữ, sao lục, đăng tải, đăng ký, tổ chức thực hiện điều ước quốc tế.
Thảo luận tại Hội trường, nhiều đại biểu cho rằng cần, tập trung đề nghị bổ sung các điểu khoản quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục để trình Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ xem xét trước phê chuẩn, phê duyệt thực hiện điều ước quốc tế. Cũng để đảm bảo điều ước quốc tế được xem xét thận trọng trước khi thông qua, nhiều đại biểu đề nghị rà soát bổ sung thêm quy định về trình tự thẩm tra trước khi phê chuẩn, phê duyệt.
Ngoài ra, Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, cần tham vấn các luật sư, luật gia khi tiến hành đàm phán các điều ước quốc tế.
Bổ sung trách nhiệm của cơ quan đề xuất, công bố thông tin sớm để doanh nghiệp biết, ví dụ ký TPP quy định không công khai thông tin nên nhiều doanh nghiệp không biết, trong khi các nước khác đã công bố thong tin từ khâu dự thảo. Do vậy, quá trình đàm phán cũng phải công bố cho doanh nghiệp, người dân biết. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động hội nhập.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng, không chỉ Ủy ban đối ngoại của Quốc hội chủ trì thẩm tra các điều ước quốc tế mà cần bổ sung quy định: Hội đồng dân tộc, các ủy ban, cơ quan của Quốc hội, theo sự phân công của Ủy ban thường vụ Quốc hội chủ trì thẩm tra các điều ước quốc tế trên từng lĩnh vực có liên quan.
Qua thảo luận, đa số đại biểu thống nhất đề nghị Quốc hội thông qua Luật điều ước quốc tế trong kỳ họp này và có hiệu lực kể từ ngày 1/7.
Nguồn Báo Tin tức - TTXVN