Theo số liệu của Ban ATGT tỉnh, trong 3 tháng đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh ta đã xảy ra 84 vụ TNGT (bao gồm cả va chạm giao thông), làm chết 15 người, bị thương 103 người. So với cùng kỳ năm 2015, giảm 20 vụ (19,2%), giảm 8 người chết (34,8%), số người bị thương giảm 23 (18,2%).
Lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát trên tuyến Quốc lộ27.
Trong đó, TNGT đường bộ (gây chết người) xảy ra 15 vụ, làm chết 14 người, bị thương 3 người, thiệt hại tài sản khoảng 230,6 triệu đồng. TNGT đường sắt xảy ra 1 vụ, làm chết 1 người. Va chạm giao thông xảy ra 68 vụ, làm bị thương 100 người, thiệt hại tài sản 152,4 triệu đồng. Nguyên nhân xảy ra TNGT chủ yếu là do đi không đúng phần đường (4 vụ), thiếu chú ý quan sát (4 vụ), chuyển hướng đột ngột, sai quy định (2 vụ), người đi bộ băng qua đường (3 vụ)… Một số địa bàn số vụ TNGT tăng như Phan Rang-Tháp Chàm, Thuận Bắc, Ninh Phước; các huyện Bác Ái, Thuận Nam và Ninh Hải không xảy ra TNGT chết người. Tuyến đường xảy ra TNGT chủ yếu là Quốc lộ 1A (chiếm 50% số vụ)…
Theo đánh giá của Ban ATGT tỉnh, thời gian qua, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT được các ngành, các cấp thường xuyên duy trì; công tác tuần tra, thanh tra, kiểm soát và xử lý vi phạm TTATGT được các lực lượng chức năng thực hiện thường xuyên; các biện pháp bảo đảm ATGT triển khai kịp thời, do đó tình hình TTATGT trong quý I-2016 tương đối ổn định. Tuy nhiên, tình hình TTATGT trên địa bàn tiếp tục diễn biến phức tạp, nổi lên trong tháng 1 và 2, TNGT tăng đột biến, nhất là trên tuyến Quốc lộ 1A, do hiệu quả của công tác phát hiện, xử lý vi phạm trên tuyến chưa cao. Việc sử dụng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, biện pháp hóa trang và xử lý qua hình ảnh còn hạn chế, chưa tác động mạnh nhằm làm chuyển biến, răn đe đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của người tham gia giao thông còn hạn chế, thiếu tự giác, nhất là đối tượng thanh thiếu niên. Tình trạng không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, sử dụng rượu, bia quá nồng độ điều khiển phương tiện, chạy quá tốc độ, lấn chiếm phần đường, làn đường, chở người vượt quá quy định, thiếu chú ý quan sát… còn phổ biến, nhất là vào ban đêm và trên các đoạn đường vắng.
Chính vì vậy, để thực hiện chủ đề Năm ATGT 2016 “Xây dựng văn hóa giao thông gắn với nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương của người thực thi công vụ”, lấy mục tiêu “tính mạng con người là trên hết” có hiệu quả, trong thời gian tới, cần tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trọng tâm. Trong đó, các cấp, các ngành, địa phương chú trọng tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nội dung cam kết bảo đảm TTATGT; phối hợp thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT trên địa bàn, lĩnh vực quản lý, chú trọng khu vực nông thôn, phấn đấu kéo giảm TNGT từ 5-10% cả 3 tiêu chí.
Ông Trần Xuân Phượng, Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, cho biết: Để đảm bảo TTATGT, hạn chế thấp nhất các vụ TNGT xảy ra, Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải, UBND các huyện, thành phố cần tiếp tục chỉ đạo tăng cường cao điểm tuần tra, kiểm soát, tuần lưu, khép kín địa bàn tại các khu vực trọng điểm, các tuyến đường thường xảy ra TNGT. Qua đó, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về TTATGT, nhất là các hành vi là nguyên nhân gây ra TNGT, tập trung xử lý đối tượng vi phạm trên các tuyến quốc lộ; xử lý kiên quyết các trường hợp càn quấy, chống đối lực lượng thi hành công vụ theo quy định pháp luật. Mặt khác, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT với nhiều hình thức phù hợp, nhằm cảnh báo các nguy cơ, hậu quả TNGT và các biện pháp phòng tránh để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông. Ban ATGT các huyện, thành phố phối hợp các đoàn thể, chính quyền các xã, phường, thị trấn tiếp tục tổ chức các hộ nhân dân ký cam kết không vi phạm TTATGT; tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động các mô hình tự quản về ATGT, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động và nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả.
Anh Tuấn