Lãnh đạo các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam
tham dự Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ nhất. Ảnh: VGP/Hải Minh
Đoàn Việt Nam do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu.
Với chủ đề “Cùng chung dòng sông, cùng chung tương lai“, Hội nghị đã khẳng định cam kết của 6 nước đối với hòa bình, ổn định và phát triển bền vững tại tiểu vùng Mekong, đồng thời đề ra các định hướng lớn cho hợp tác Mekong-Lan Thương.
Theo đó, 6 nước sẽ cùng thúc đẩy hợp tác trên 3 trụ cột là chính trị-an ninh; kinh tế và phát triển bền vững; văn hóa, xã hội và giao lưu nhân dân. Các nguyên tắc cơ bản của hợp tác là đồng thuận, bình đẳng, phối hợp và tham vấn lẫn nhau, tự nguyện, cùng đóng góp và chia sẻ lợi ích, tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế.
Trong thời gian tới, hợp tác Mekong-Lan Thương sẽ đặt trọng tâm vào 5 lĩnh vực ưu tiên là quản lý tài nguyên nước, kết nối, hợp tác năng lực sản xuất, hợp tác kinh tế qua biên giới, nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo.
Hội nghị đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của dòng sông Mekong đối với sự phát triển các nước ven sông và nhất trí tăng cường hợp tác giữa 6 nước trong quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong-Lan Thương.
Toàn cảnh phiên khai mạc Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ nhất.
Ảnh: VGP/Hải Minh
Hội nghị cho rằng, các nước cần tăng cường phối hợp trong ứng phó thiên tai và biến đổi khí hậu và việc Trung Quốc tăng lượng xả nước ở thượng nguồn để hỗ trợ khắc phục hạn hán ở hạ nguồn là sự khởi đầu tốt đẹp của hợp tác.
Hội nghị cũng ủng hộ đề xuất xây dựng Trung tâm hợp tác nguồn nước Mekong-Lan Thương nhằm thúc đẩy hợp tác giữa 6 nước trong chia sẻ thông tin và dữ liệu, nâng cao năng lực, quản lý lũ lụt và hạn hán, và thực hiện các nghiên cứu chung về nguồn nước sông Mekong-Lan Thương.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Trung Quốc đã thông báo cam kết hỗ trợ 300 triệu USD cho Quỹ hợp tác Mekong-Lan Thương cũng như dành 10 tỷ Nhân dân tệ cho các khoản vay ưu đãi, 5 tỷ USD cho các khoản vay bên mua và 5 tỷ USD cho các khoản vay đặc biệt. Trung Quốc cũng sẽ dành 18.000 suất học bổng và 5.000 suất đào tạo mỗi năm cho các nước Mekong trong vòng 3 năm tới.
Kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố chung Tam Á "Vì một cộng đồng chung tương lai hòa bình và thịnh vượng giữa các nước Mekong-Lan Thương”, Tuyên bố chung về hợp tác năng lực sản xuất và Danh sách các dự án thu hoạch sớm.
Nhận thức rõ vai trò và ý nghĩa của hợp tác Mekong-Lan Thương đối với sự phát triển bền vững và thịnh vượng của tiểu vùng Mekong, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia ngay từ giai đoạn đầu của quá trình hình thành cơ chế hợp tác này.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Thủ tướng Trung Quốc
Trước Hội nghị Cấp cao Mekong-Lan Thương lần thứ nhất, Việt Nam đã tham dự và có đóng góp quan trọng tại các hội nghị cấp bộ trưởng và SOM.
Những đóng góp của Việt Nam về nguyên tắc, cơ chế hợp tác, lĩnh vực trọng tâm, trong đó có các đề xuất về hợp tác nguồn nước và kết nối kinh tế, đã được các nước ủng hộ và khẳng định trong Tuyên bố Tam Á và các văn kiện liên quan của hợp tác Mekong-Lan Thương.
Để góp phần thúc đẩy hợp tác Mekong-Lan Thương đi vào thực chất, Việt Nam đã đề xuất 3 dự án và đã được các nước nhất trí đưa vào Danh sách dự án thu hoạch sớm để triển khai giai đoạn đầu của hợp tác Mekong-Lan Thương.
Cả 3 dự án này đều có lợi ích thiết thực, phù hợp với ưu tiên của hợp tác Mekong-Lan Thương, nhất là dự án tăng cường phối hợp quản lý lũ lụt và hạn hán trong lưu vực sông Mekong-Lan Thương và dự án hài hòa hóa tiêu chuẩn, thủ tục giữa các nước trong tiểu vùng.
Việt Nam cũng sẵn sàng phối hợp với Trung Quốc và các nước tiểu vùng Mekong triển khai dự án chung về thành lập Trung tâm hợp tác nguồn nước Mekong-Lan Thương nhằm chia sẻ thông tin, nâng cao năng lực về quản lý bền vững tài nguyên nước sông Mekong, trong đó có việc đóng góp tài chính và chuyên gia làm việc tại Trung tâm này.
Nguồn chinhphu.vn