Phó Thủ tướng thị sát việc thực hiện đầu tư KCN Rạng Đông

Ngày 8-3, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã làm việc với Công ty cổ phần Vinatex Rạng Đông (Tập đoàn Dệt may Việt Nam) và lãnh đạo tỉnh Nam Định về việc đầu tư xây dựng KCN dệt may Rạng Đông tại huyện Nghĩa Hưng.

Chủ đầu tư KCN là Công ty cổ phần Vinatex Rạng Đông cho biết, giữa năm nay sẽ động thổ dự án dệt có quy mô giai đoạn một là 300 ha. Khi hoàn thành dự án thì KCN có diện tích hơn 600 ha, thu hút khoảng 500 doanh nghiệp và 150.000 lao động.

Hiên nay, một số nhà đầu tư nước ngoài đã cam kết và đăng ký đầu tư xây dựng nhà máy tại KCN này, trong đó, đáng chú ý là một nhà đầu tư Australia đăng ký xây dựng nhà máy sản xuất len theo công nghệ hiện đại nhất hiện nay.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, để dự án KCN dệt may Rạng Đông tại huyện Nghĩa Hưng
đạt hiệu quả cao nhất thì phải có sự kết hợp thực hiện giữa Chính phủ,
địa phương và doanh nghiệp. Ảnh: VGP/Thành Chung

Chủ đầu tư cho biết, dự án khi hoàn thành giai đoạn 1 sẽ tạo việc làm cho hàng vạn lao động của địa phương và các tỉnh, thành phố khác, góp phần cung cấp 1 tỉ mét vải/năm cho ngành may mặc của Việt Nam.

Về chủ trương thu hút đầu tư, sẽ ưu tiên các doanh nghiệp trong và ngoài nước sử dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất sợi, dệt may, tạo ra những sản phẩm phục vụ chủ yếu cho xuất khẩu.

Ngoài mục tiêu thu hút các cơ sở sản xuất trong ngành vải, nhuộm, may mặc, chủ đầu tư cũng thực hiện xây dựng khu vực Rạng Đông thành một khu đô thị-công nghiệp, phục vụ cho đời sống của công nhân, các chuyên gia và người dân trong khu vực.

Khu vực đồng tôm ven biển Nghĩa Hưng này sẽ trở thành một KCN dệt may lớn của Việt Nam trong tương lai. Ảnh: VGP/Thành Chung

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết dệt may là ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Trong quá trình đàm phán các hiệp định thương mại tự do vừa qua, Chính phủ luôn quan tâm tới ngành này để bảo đảm tránh được rủi ro khi đất nước hội nhập sâu rộng với các nước trên thế giới và khu vực. Do đó, Phó Thủ tướng cho rằng, việc các nhà đầu tư “đón đầu” đầu tư tại khu vực này là nhanh nhạy và đúng đắn.

Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: “Qua kiến nghị của chủ đầu tư và địa phương, để dự án đạt hiệu quả cao nhất thì phải có sự kết hợp giữa Chính phủ, địa phương và doanh nghiệp”.

Trước khi thực hiện dự án, Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh Nam Định quan tâm tới thực hiện và hoàn thiện các quy hoạch về hạ tầng, dân cư của địa phương cũng như của vùng duyên hải Đồng bằng sông Hồng, đồng thời đặt ra kế hoạch cho từng giai đoạn thực hiện dự án.

Trong việc xác định nguồn lực thực hiện, tỉnh Nam Định phải tính toán các phần việc mà địa phương hay Trung ương, doanh nghiệp cần huy động và thể hiện bằng danh mục công việc, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, cho ý kiến.

Trong điều kiện nguồn lực còn khó khăn, tỉnh Nam Định cũng cần tính tới việc huy động trái phiếu địa phương để hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện dự án.

Trong việc xây dựng hạ tầng của KCN, các cấp chính quyền địa phương cũng phải lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới, nhưng ở quy mô lớn hơn để tận dụng hiệu quả nguồn lực.

“Nếu xác định đây là dự án quan trọng, tỉnh Nam Định cần nghiên cứu ban hành một nghị quyết riêng về đầu tư xây dựng dự án này, thành lập ban chỉ đạo xây dựng, không để nhà đầu tư phải ‘xin’ mình nữa, mà phải là phục vụ nhà đầu tư”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nói.

Nguồn www.chinhphu.vn