Nằm trong tam giác phát triển kinh tế động lực, cửa ngõ chính xuất khẩu hàng hóa của cả miền Bắc, Hải Phòng thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước nhờ ưu thế thuận lợi về giao thông, đồng thời sở hữu hạ tầng công nghiệp đồng bộ.
Chiều 1/3, tại Hải Phòng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm việc với lãnh đạo chủ chốt
thành phố. (Ảnh: TTXVN)
Đặc biệt sau khi tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đi vào hoạt động từ 12/2015, rút ngắn thời gian di chuyển từ Thủ đô xuống thành phố Cảng, Hải Phòng càng trở thành địa chỉ hấp dẫn nhờ lợi thế cạnh tranh. Hải Phòng đang thúc đẩy nhanh hàng loạt dự án đầu tư mở rộng khu bay và xây dựng nhà ga hành khách - Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; cảng Lạch Huyện; cầu Bạch Đằng, mở rộng quốc lộ 10, dự kiến để đưa một số dự án chính vào khai thác trong năm 2016 -2017.
Hiện Hải Phòng đang mời gọi và tạo điều kiện để các dự án đầu tư xây dựng, thương mại của 5 tập đoàn lớn triển khai; góp phần nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế thành phố. Cùng với các nguồn lực trong nước, năm 2015, các KCN và KKT tại Hải Phòng đã thu hút được 41 dự án đầu trực tiếp nước ngoài, nâng tổng số dự án trên địa bàn lên 202 dự án, với số vốn đầu tư 7.985 triệu USD; với nhiều dự án có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến.
Năm 2015, kinh tế Hải Phòng phục hồi và tăng trưởng rõ nét, GDP tăng 10%, cao nhất trong 4 năm gần đây. Thu ngân sách Nhà nước đạt 56.288 tỷ, tăng 14% so với cùng kỳ.
Nhấn mạnh vị trí chiến lược của Hải Phòng trong thông thương hàng hóa của miền Bắc và các nước trong khu vực, Chủ tịch nước cho rằng, sau nhiều năm xây dựng, cơ sở vật chất, giao thông huyết mạch: đường bộ, hàng không, đường biển đã được Hải Phòng định hình và đưa vào khai thác.
Đây là tiền đề để Hải Phòng tăng trưởng nhanh trong những năm tới, thực hiện mục tiêu phát triển thành phố thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo Nghị quyết 32 và Kết luận 72 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần XII đề ra.
Chủ tịch nhấn mạnh, trong giai đoạn tới, đất nước phải bước vào giai đoạn mới với tiêu chí cao hơn. So với các địa phương khác, Hải Phòng có nhiều ưu thế lớn, càng cần phải tập trung cho phát triển. Hải Phòng cần rà soát điều chỉnh quy hoạch trên cơ sở bổ sung, tạo điều kiện; đề xuất chính sách để tạo động lực cho những khu vực có lợi thế; điều chỉnh những lĩnh vực không còn khả năng cạnh tranh.
Đồng tình với quan điểm muốn phát triển phải đầu tư cho hạ tầng, được các đại biểu nêu ra tại cuộc họp, Chủ tịch nước đề nghị thành phố sử dụng hiệu quả đồng vốn đầu tư, tập trung cho những công trình cần thiết, đồng thời có cơ chế tạo vốn để thu hút được nguồn lực lớn hơn.
Về kiến nghị của lãnh đạo thành phố liên quan đến cơ chế phối hợp giữa Thành phố và các bộ ngành Trung ương trong thực hiện khu đô thị Bắc Sông Cấm, cảng Lạch Huyện, tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường ven biển Hải Phòng- Thái Bình- Nam Định, Chủ tịch đề nghị Hải Phòng xem xét cụ thể từng trường hợp, trên tinh thần những dự án cấp bách sẽ ưu tiên làm trước, tạo tiền đề kéo theo sự phát triển kinh tế xã hội của cả vùng.
Về thu hút đầu tư, Chủ tịch đề nghị cùng với tạo cơ chế thông thoáng, thành phố cũng cần lựa chọn những dự án đầu tư thực sự hiệu quả, mang lại lợi ích cho cả nhà đầu tư và địa phương.
Cùng ngày, Chủ tịch nước đã thăm dự án đầu tư của Công ty LG Electronis Việt Nam - Hải Phòng, một trong những dự án quy mô lớn hàng đầu với vốn đăng kí 1 tỷ USD, đặt tại Khu công nghiệp Tràng Duệ (xã Lê Lợi - huyện An Dương); khảo sát hoạt động của Công ty Kyocera (Nhật Bản) đặt tại Khu công nghiệp VSIP (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng).
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Nhà máy LG Hải Phòng trong Khu công nghiệp
Tràng Duệ, huyện An Dương. (Ảnh: TTXVN)
Khai trương vào tháng 3/2015, trên diện tích quy hoạch 400 ha, sau 1 năm đi vào hoạt động Công ty LG Electronis đã đưa 17 dây chuyền hiện đại vào hoạt động. Đến thời điểm này, Công ty đã đưa ra thị trường các sản phẩm điện tử, điện lạnh cung cấp trong thị trường trong nước và xuất khẩu sang các nước. Năm 2015, công ty đạt doanh thu 773 triệu USD, nộp ngân sách 82 triệu USD.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Công ty LG Electronis bày tỏ mong muốn được thành phố tạo điều kiện ưu đãi, hỗ trợ xây dựng khu kí túc xá cho chuyên gia và nhân công, điều chỉnh giao thông ra vào để đảm bảo an toàn cho người lao động...
Bày tỏ vui mừng được quay trở lại lần thứ 3 thăm Công ty LG Electronis Việt Nam - Hải Phòng và chứng kiến những thay đổi lớn về quy mô, chất lượng của dự án, Chủ tịch nước cho rằng hiện thời, hệ thống hạ tầng sân bay, cảng biển, giao thông trên bộ của Hải Phòng đang từng bước hoàn thiện theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Đây sẽ là lợi thế để LG Electronis tiếp tục mở rộng đầu tư. Chủ tịch đề nghị Công ty nhanh chóng nâng tỷ lệ nội địa hóa 40% hiện tại lên 60%; đồng thời đảm bảo uy tín chất lượng sản phẩm, tăng tốc độ để đạt và vượt mục tiêu đặt ra.
Chủ tịch nước cũng đã trực tiếp đặt câu hỏi với lãnh đạo Công ty Kyocera và Ban quản lý khu công nghiệp VSIP về những điều kiện ưu đãi mà doanh nghiệp được hưởng khi hoạt động trong khu công nghiệp được nước ngoài đầu tư, cơ chế phối hợp giữa nhà đầu tư, khu công nghiệp và địa phương, nhằm đạt được hiệu quả cao nhất. Chủ tịch căn dặn các bộ ngành, thành phố tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động.
Cùng ngày Chủ tịch nước đã dâng hương tại khu danh thắng Tràng Kênh (Thủy Nguyên - Hải Phòng), tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và ba vị anh hùng dân tộc: Ngô Quyền, Lê Hoàn, Trần Quốc Tuấn- những người đã lãnh đạo quân và dân Đại Việt, đại phá quân Nam Hán (938), Tống (981), Nguyên (1288) trên sông Bạch Đằng; lập nên kỳ tích Bạch Đằng Giang "ba lần giặc đến, ba lần giặc tan", lưu danh sử sách.
Nguồn Báo Tin tức - TTXVN