Ông Nguyễn Hữu Vạn cho biết, bình quân hằng năm KTNN thực hiện kiểm toán khoảng 180-200 cuộc với quy mô năm sau tăng hơn năm trước khoảng 10%.
Trong 5 năm (2011-2015), KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính tổng số tiền 101.037 tỷ đồng, bằng 55% số kiến nghị xử lý tài chính trong 21 năm hoạt động của KTNN (184.486 tỷ đồng).
Ông Nguyễn Hữu Vạn cho biết, tuy là ngành chuyên môn sâu, song KTNN mới chỉ hoạt động
trên 20 năm, nên nhiều lĩnh vực, hoạt động chưa có kinh nghiệm. Ảnh Quochoi.vn.
Trong đó, 3 năm gần đây số liệu kiến nghị thực tăng thu, giảm chi ngân sách Nhà nước tăng gần gấp 2 lần so với các năm trước (năm 2013 là 8.683 tỷ đồng; năm 2014 là 8.061 tỷ đồng; năm 2015 ước đạt 12.658 tỷ đồng).
KTNN kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 360 văn bản; chuyển 9 hồ sơ về 11 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật; cung cấp nhiều bộ hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra, cơ quan Nhà nước khác và đại biểu QH để phục vụ kiểm tra, giám sát.
Khái quát về công việc trong 5 năm qua, ông Vạn cho biết, về thuận lợi, được sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, địa vị pháp lý của KTNN đã được hiến định trong Hiến pháp năm 2013, Luật KTNN đã được sửa đổi, Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 được UBTVQH phê duyệt.
KTNN đã gia nhập các tổ chức quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao, nên học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong hoạt động kiểm toán; tổ chức bộ máy từng bước được hoàn thiện, đội ngũ cán bộ được tăng cường cả về số lượng và chất lượng.
Tuy nhiên, cơ quan này vẫn gặp không ít khó khăn. Tuy là ngành chuyên môn sâu, song mới chỉ hoạt động trên 20 năm, nên nhiều lĩnh vực, hoạt động chưa có kinh nghiệm, có việc vừa làm, vừa phải rút kinh nghiệm.
Trong 5 năm có tới 3 lần thay đổi Tổng KTNN nên phần nào ảnh hưởng tới sự ổn định trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; các văn bản về tổ chức và hoạt động KTNN còn thiếu; cơ cấu và số lượng cán bộ có chuyên môn sâu về kế toán, kiểm toán chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; tính độc lập của cơ quan KTNN chưa theo kịp các thông lệ quốc tế;...
Mặc dù trong 5 năm qua, KTNN đã đạt được nhiều kết quả trong hoạt động, nhất là phát hiện các sai phạm trong thu chi tài chính, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Nguyễn Văn Giàu lại cảm thấy “lo nhiều hơn mừng”.
Theo ông Giàu: “Mừng vì kiểm toán đã làm việc tích cực, nhưng lo nhiều hơn, bởi nếu 5 năm sau lại phát hiện tăng hơn 5 trước thì quản lý tài chính công đi đến đâu?”.
"Làm sao để kiểm soát quản lý tài chính công, chứ kết quả 5 năm mà bằng 55% của 21 năm thì lo quá", ông Giàu bày tỏ.
Còn Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý thì băn khoăn về "hậu kiểm toán" khi hiện nhiều kiến nghị của KTNN lại chưa được xử lý triệt để.
"Tôi chưa thấy ai bị xử lý kỷ luật khi không thực hiện kết luận của kiểm toán. QH, Chính phủ cũng chưa xử lý kỷ luật ai không thực hiện theo kết luận của kiểm toán. Ngay bản thân kiểm toán cũng chưa đề xuất kỷ luật được ai vi phạm, trong khi kiến nghị của kiểm toán thì rất đúng", ông Phan Trung Lý nói.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, kiểm toán mới chủ yếu đi vào kiểm toán ngân sách Nhà nước, còn kiểm toán hoạt động vẫn có nhiều hạn chế; chưa kiến nghị làm sao kiểm tra, kiểm soát nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản và các đơn vị được kiểm toán.
“Phát hiện được nhiều, nhưng chủ yếu là vẫn xử lý hành chính, còn hạn chế xử lý hình sự”, ông Hiện đưa ra dẫn chứng: "Ở một số nước có tới 80-90% phát hiện tham nhũng là do kiểm toán, thanh tra. Vì tham nhũng tinh vi chỉ có cơ quan có trình độ chuyên môn mới phát hiện được. Còn ở ta chủ yếu là do nhân dân và báo chí phát hiện".
Ông Hiện đề nghị, KTNN là thay mặt Nhà nước trong giám sát, kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, do đó cần tăng cường phát hiện những vi phạm, tham nhũng thông qua kiểm toán việc sử dụng chi tiêu ngân sách của các đơn vị, cơ quan, tổ chức.
Nguồn www.chinhphu.vn