Thế giới trong tuần

1. Hội nghị Thượng đỉnh châu Âu bắt đầu diễn ra vào tối hôm 18-2, đã dành phiên làm việc đầu tiên để thảo luận về người tị nạn.

Tuy nhiên, cho đến trước giờ hội nghị diễn ra, lãnh đạo các nước vẫn mỗi người một ý về vấn đề này. Thủ tướng Áo Werner Faymann cho biết: “Không thể có chuyện nước Áo phải nhận tất cả người tị nạn đến châu Âu. Quan điểm của chúng tôi là thỏa thuận Dublin quy định người tị nạn đến nước nào trước, nước đó phải có trách nhiệm”. Các nước phía Nam, Italy và Hy Lạp - tuyến đầu phải đối phó với làn sóng tị nạn thì cho rằng, không thể chấp nhận quan điểm của Thủ tướng Áo. Nếu các nước không chia sẻ gánh nặng, tiếp tục áp dụng thoả thuận Dublin thì Italy và Hy Lạp sẽ bế tắc hoàn toàn.

Thủ tướng Hy Lạp nói: “Giải pháp cho khủng hoảng tị nạn không phải là xây hàng rào và phân biệt chủng tộc. Tương lai của châu Âu không phải là xây tường và bài ngoại. Không thể có chuyện quy tắc chung, nhưng lại áp dụng cho mỗi nước một cách khác nhau”.

Quan điểm của Hy Lạp gắn với chính sách mà Đức đang theo đuổi. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết: “Chúng tôi muốn ưu tiên thực hiện kế hoạch chung với Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm cả việc bảo vệ biên giới bên ngoài. Sẽ là tốt nếu châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ gánh nặng, hạn chế nhập cư trái phép. Đồng thời, chúng ta cũng phải tạo thuận lợi cho việc di cư hợp pháp”.

Trong khi đó, cuộc họp về tương lai nước Anh trong mái nhà chung Liên minh châu Âu (EU) cũng đã kết thúc mà chưa đạt tiến triển nào. Một số nước lên tiếng phản đối kế hoạch của Thủ tướng Anh, vì vậy phiên họp đầu tiên kết thúc mà không đạt thỏa thuận cho bất cứ yêu cầu nào từ phía Anh.

Thủ tướng Anh David Cameron sẽ có cuộc gặp riêng rẽ với từng lãnh đạo của các nước thành viên EU trước khi cuộc họp tiếp tục diễn ra ngày 19-2 nhằm đạt được một thỏa thuận có lợi cho Anh.

2. Sau những chuyến hàng chở 4 triệu thùng dầu đầu tiên tới châu Âu hồi giữa tháng 2 này, Iran dự kiến tiếp tục xuất lô thứ hai ra thị trường quốc tế vào cuối tháng 2 này.

Chuyến hàng đầu tiên được chở tới Pháp, Nga và Tây Ban Nha, gần một tháng sau khi các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Teheran được bãi bỏ.

Phó Tổng thống thứ nhất Iran Es’haq Jahangiri cho biết xuất khẩu dầu của Tehran đã ở mức 1,3 triệu thùng/ngày và có thể đạt 1,5 triệu thùng/ngày vào tháng ba tới, trước khi leo lên 2 triệu thùng/ngày trong năm lịch Iran 2016 (bắt đầu từ ngày 21-3 tới).

Sau cuộc họp với bộ trưởng dầu mỏ các nước Iraq, Venezuela và Qatar tại Tehran ngày 17-2 vừa qua, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Namdar Zanganeh khẳng định nước này sẵn sàng ủng hộ các nỗ lực, đặc biệt là sự hợp tác giữa của các nhà sản xuất trong và ngoài Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nhằm bình ổn thị trường và giá dầu thô. Tuy nhiên, ông Zanganeh không đưa ra bất kỳ cam kết cụ thể nào liên quan đến vấn đề sản lượng của Iran, giữa lúc nước này đang nỗ lực khôi phục hoạt động sản xuất dầu mỏ, với mục tiêu tăng sản lượng khai thác và lượng dầu xuất khẩu thêm một triệu thùng/ngày trong năm nay.

Giá dầu thô đã giảm 11% kể từ đầu năm tới nay trong bối cảnh thị trường thế giới “tràn ngập” trong dầu thô.