Nhìn lại năm 2015, ngành TDTT tập trung đào tạo, huấn luyện dài hạn 16 đội thể thao TTC, gồm 16 HLV, 62 VĐV của 8 môn: Taekwondo, bóng bàn, điền kinh, Vovinam, quần vợt, Karatedo, cầu lông, cờ vua. Tham dự 26 giải thể thao khu vực, mở rộng, quốc gia và quốc tế; trong đó: 2 giải quốc tế, 21 giải quốc gia, 3 giải khu vực mở rộng…, đoạt 49 huy chương các loại (12 HCV, 14 HCB, 23 HCĐ), tăng 13% so với năm 2014. Có 3 VĐV đạt đẳng cấp kiện tướng, 15 VĐV đạt cấp 1; có 1 HLV, 1 VĐV tập trung đội tuyển trẻ Quần vợt Việt Nam… Kết thúc một năm thành công của thể thao TTC là việc VĐV trẻ bóng bàn Nguyễn Khoa Diệu Khánh xuất sắc vượt qua những tên tuổi lớn trong làng bóng bàn nữ Việt Nam lên ngôi vô địch đơn nữ Giải Bóng bàn cúp các CLB toàn quốc tổ chức tại Thanh Hóa tháng 11-2015. Và ấn tượng hơn nữa ngay đầu năm 2016, VĐV Nguyễn Khoa Diệu Khánh và VĐV “Vàng” Taekwondo Ngô Châu Cường được triệu tập tham gia luyện tập ở các đội tuyển quốc gia… Đây thật sự là niềm tự hào của thể thao TTC nói riêng và của ngành TDTT tỉnh nhà nói chung.
Trận đấu giữa đội Bảo An và Thành Hải tại Giải Bóng đá phong trào tỉnh Ninh Thuận năm 2015. Ảnh: V.M
Ông Trần Thế Hải, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh, cho biết: Ngành đã và đang thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy thể thao TTC ngày càng phát triển theo đúng định hướng. Trong đó, ưu tiên tập trung đầu tư vào một số bộ môn “mũi nhọn” phù hợp với điều kiện của địa phương, đã đạt được những thành tích nhất định. Theo đó, từ nhiều năm qua, ngành đã chủ động đề xuất xây dựng lộ trình, kế hoạch nhằm “đi tắt đón đầu” một số môn thể thao trọng điểm-thể thao TTC trong hệ thống Olympic như: Taekwondo, điền kinh, bóng bàn và Vovinam…, nhờ đó nhiều môn dù được đưa vào đào tạo muộn song cũng đã gặt hái được thành công ở một số giải trong nước cũng như quốc tế. Những VĐV Diệu Khánh, Châu Cường, Pinăng Pạc, Lương Văn Trọn… đã đưa thể thao TTC lên tầm cao mới. Qua đó, từng bước cải thiện đáng kể vị trí xếp hạng của thể thao tỉnh nhà qua các giải đấu.
Tuy nhiên, thể thao TTC cũng đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, bởi chúng ta đi lên từ nền móng thấp, cơ sở vật chất, trang thiết bị đầu tư cho thể thao còn thiếu thốn, chưa đồng bộ… Lực lượng VĐV còn mỏng, thế hệ kế cận ở một số môn chưa bắt kịp vì đặc thù đào tạo VĐV đỉnh cao cần phải có quá trình lâu dài. Chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng cho VĐV vẫn còn thấp so với yêu cầu. Đặc biệt chính sách thu hút, đãi ngộ đối với chuyên gia, HLV, VĐV chưa có…
Đồng chí Bùi Văn Lộc, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL, cho biết: Theo Quy hoạch phát triển của ngành TDTT đến năm 2020, trong đó đẩy mạnh mở rộng quá trình chuyên nghiệp hóa TDTT, nhất là TTC, ưu tiên đầu tư phát triển những môn thể thao TTC có thế mạnh của tỉnh. Đây cũng là tiền đề quan trọng để toàn ngành thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII. Để đạt được mục tiêu trên, trong thời gian đến, ngành sẽ tham mưu cho tỉnh ban hành chính sách thu hút, cơ chế đào tạo, đãi ngộ cho thể thao TTC. Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa nhằm thu hút thêm các nguồn lực tài trợ trong xã hội, góp sức cho kế hoạch chuẩn bị lực lượng HLV-VĐV thể thao TTC năm 2016 và các năm tiếp theo; đồng thời, chú trọng việc tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, nâng cao lòng yêu nghề, quyết tâm khắc phục khó khăn, tập luyện thi đấu giành TTC vì danh dự của cá nhân, đơn vị và tỉnh nhà cho đội ngũ VĐV và HLV.
Với thành tích mà thể thao TTC đạt được, có thể khẳng định đó là kết quả của sự nỗ lực không ngừng của những người làm công tác thể thao tỉnh nhà, cán bộ, HLV, VĐV và gia đình VĐV. Tuy nhiên, thể thao TTC còn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức nói trên, đòi hỏi mỗi HLV, VĐV cần nỗ lực hơn nữa và ngành VH, TT&DL cần có bước đi, cách làm thích hợp để từng bước đưa TDTT nói chung, thể thao TTC nói riêng ngày một phát triển, tương xứng với tiềm năng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân tỉnh nhà.
Xuân Bính